Top

Nhà cho người thu nhập thấp: Hy vọng và trăn trở

Cập nhật 26/02/2009 13:45

Dự thảo về một số cơ chế, chính sách giải quyết nhà ở cho đối tượng khó khăn về chỗ ở do Bộ Xây dựng soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Nếu được thực thi, sẽ có khoảng 784 nghìn người được hỗ trợ giải quyết về chỗ ở (giai đoạn 2009-2015).

Chính sách này đã đem đến hy vọng cho hàng triệu cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên đang phải sống trong những phòng thuê chật chội, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, môi trường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng liệu những căn hộ “mơ ước” này có đến với họ không?

Ước mơ

Theo cơ chế, chính sách mà Bộ Xây dựng trình Thủ tướng, sẽ ưu tiên giải quyết cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, công nhân lao động (độc thân) làm việc tại các KCN tập trung, sinh viên, học sinh, sau đó từng bước mở rộng cho các đối tượng khác. Đối tượng được thuê và mua nhà phải chưa có nhà ở hoặc có nhưng quá chật dưới 5m2/người; chưa được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào theo các quy định đã ban hành. Ngoài ra, người thuê nhà phải có mức thu nhập bình quân dưới 1,5 triệu đ/người/tháng; người mua có mức thu nhập từ 1,5 - 2,1 triệu đ/người/tháng (và phải đáp ứng điều kiện trả trước 20% giá trị căn hộ). Do được ưu đãi nên đối với căn hộ 50m2 giá thuê bình quân chỉ từ 650 nghìn - 1,25 triệu đ/tháng; giá mua 250 - 300 triệu đồng. Như vậy, sẽ có hàng triệu người tại các khu đô thị được giải quyết nhu cầu về nhà ở.

Chị Phạm Thị Lan - giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội (quê Nam Định) đã 10 năm nay đi thuê nhà hết nơi này đến nơi khác do chỗ ở không ổn định, lúc thì điều kiện không đảm bảo, lúc thì chủ nhà lấy lại do không có nhu cầu cho thuê nữa. Chỉ trong vòng 10 năm chị đã không dưới 10 lần chuyển nhà khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, khi nghe tin về chính sách hỗ trợ trên, chị phấn khởi cho biết: Nếu thực hiện chính sách này thì cũng đồng nghĩa với ước mơ “an cư” của hàng vạn CBCN có thể trở thành hiện thực. Với mức thuê và mua như vậy là quá lý tưởng. Điều này cho thấy có sự hỗ trợ rất lớn từ ngân sách Nhà nước mới có thể thực hiện được. Tôi rất mong chính sách này sớm trở thành hiện thực và những CBCNV như chúng tôi thực sự được hưởng lợi từ chính sách mà không gặp những khó khăn thường thấy của thị trường BĐS hiện nay.

Anh Trần Văn An (công nhân KCN Nam Thăng Long) cũng đầy hy vọng về một cuộc sống mới: Nếu được thuê một căn hộ riêng thì tốt quá. Giá thuê với diện tích như vậy cũng rất hợp lý. Như em hiện nay đang phải thuê một phòng trọ 12m2, điều kiện vệ sinh và an ninh không được đảm bảo mà giá cũng 400 nghìn đ/tháng nên phải ở chung với 3 người nữa. Với diện tích 50m2/căn hộ thì có thể 5 - 6 người ở chung, vừa thoải mái, không lo phải chuyển chỗ ở liên tục. Em hy vọng chính sách này sẽ sớm đi vào cuộc sống để những công nhân thu nhập thấp như chúng em có một cuộc sống ổn định hơn.

Lo ngại

Cùng với niềm hy vọng có một căn nhà để “an cư, lạc nghiệp”, không ít người trăn trở, lo lắng liệu mình có cơ hội được thuê hoặc mua nhà hay không. Chị Nguyễn Thị Hương (quê Phú Thọ) cho biết: Từ xưa tới nay, nhà ở luôn là vấn đề nan giải đối với sinh viên, CBCNV có thu nhập thấp. Bởi vậy, chính sách về nhà ở xã hội là một tín hiệu đáng mừng, được CBCNV, sinh viên quan tâm. Tuy nhiên, tiền lệ đã có những dự án tương tự, nhưng chỉ nằm trên giấy, hoặc đến khi nhà ở hoàn thành, giá cả lại khác đi, hoặc đối tượng mua có thể thay đổi... Sự khả thi hay không phải nằm ở sự quyết liệt, và minh bạch tới cùng của cơ quan quản lý. Theo tôi, đối tượng được mua nhà, thuê nhà nếu chỉ dừng lại là những CBCNV, sinh viên có thu nhập dưới 1,5 triệu đ/tháng phải chăng là hơi ít? So với mặt bằng đời sống xã hội hiện nay ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM thì việc "khoanh vùng" đối tượng thu nhập từ 1,5 - 2,1 triệu là hơi hẹp. Phần đông có thu nhập cao hơn, nhưng việc có nhà ở vẫn là niềm mơ ước! Và không biết đến bao giờ mới có thể thực hiện. Bởi vậy, nên chăng mở rộng hơn về đối tượng, để những cá nhân như tôi, thu nhập cao hơn mức 2,1 triệu một chút vẫn có thể thuê hoặc mua nhà.

Còn theo chị Nghiêm Huê (quê Nam Định, hiện đang công tác tại Bộ GD&ĐT) thì: Kế hoạch này khả thi đối với những người thu nhập thấp muốn mua nhà. Nhưng thuê nhà với giá từ 650 nghìn - 1,25 triệu đ/tháng là không khả thi. Vì đối với những người thu nhập thấp như gia đình tôi chẳng hạn không thể thuê được với giá đó và với diện tích cho thuê như thế là quá rộng. Còn đối với mua nhà, chính sách này tôi thấy hợp lý. Nhưng tôi sợ là nhà không đến được đúng đối tượng. Nhu cầu nhà ở cho CBCNV, sinh viên có thu nhập thấp là rất lớn. Vì vậy, rất cần sự quyết liệt và minh bạch trong việc thực thi để những người nghèo như tôi có cơ hội được mua nhà.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng