Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở TP.HCM đã xuất hiện và tồn tại những tên đường... không giống ai. Có nhiều tên đường theo số mà nếu không có thêm chỉ dẫn thật chi tiết thì không cách gì tìm được. Có những tên đường mới thoạt nhìn, cười cũng được mà... khóc cũng được!
Vừa qua, TP đã có quyết định đặt lại tên cho một số con đường có tên tự phát ở Q.Tân Bình như đường Bên Hông Trường Mầm Non (tên mới là đường Đặng Minh Trứ), đường Trước Trường Mầm Non (thành đường Bùi Thế Mỹ), đường Kế Xí Nghiệp Đông Lạnh (thành đường Thái Thị Nhạn)... thế nhưng hiện nay trên địa bàn quận này vẫn còn những tên đường khó hiểu như đường Nhà kho Pepsi, đường 175 Lý Thường Kiệt...
Tên “không giống ai”
Tên đường tại ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Chí Quốc.
Tương tự, tại Q.Tân Phú có nhiều con đường đã hình thành từ lâu mà không được đặt tên, người dân quen miệng đặt theo những đặc điểm dễ nhận dạng riết rồi thành tên. Cất công một ngày đi vòng vèo các con đường ở một số quận huyện, chúng tôi thu thập được nhiều tên đường nghe rất ấn tượng. Ở Q.Tân Phú có đường Điện.
Cao Thế, đường Hướng Đông Chợ Sơn Kỳ, đường Trước Trường THPT Tân Bình, Phố Chợ... Q.Bình Tân cạnh bên cũng tỏ ra không thua kém: hết đường mang tên Chiến Lược lại đến đường Ấp Chiến Lược, hết đường Bờ Sông lại đến đường Bờ Tuyến, đường Sông Suối, đường Tên Lửa rồi đường Tập đoàn 6B...
Tại hầu hết các quận mới hình thành như quận 2, 7, 9, 12, hàng trăm con đường mới mở tại các khu quy hoạch đều đua nhau đặt tên theo kiểu đánh số mà nếu cho địa chỉ không kèm theo chỉ dẫn sẽ không thể nào tìm ra.
Đổi mới, mệt mới
Nhà nằm trên đường mang tên Huỳnh Thúc Kháng (Q.Bình Thạnh)
nhưng biển số lại mang tên Nguyễn Văn Đậu - Ảnh: Chi Mai
Trước đây, khu vực Bàu Cát (Q.Tân Bình) được quy hoạch thành khu dân cư với rất nhiều lô nhà được đánh các số O, N, LK, MK... không dễ tìm kiếm nên vài năm sau, hàng chục con đường nội bộ tại khu vực này đã được đặt tên. Người dân chưa kịp mừng thì đã thấy rối vì những… “ký hiệu”.
Các con đường nội bộ song song với đường Bàu Cát được gắn bảng tên đường theo thứ tự: BC1, BC2, BC3... Có người khi nhìn các “ký hiệu” BC1, BC2... đã tự suy đoán đó là tên viết tắt của “Bàu Cát 1”, “Bàu Cát 2”... Tuy nhiên trên giấy tờ nhà đất, hộ khẩu của người dân tại khu vực này nhiều năm qua vẫn ghi là đường BC1, BC2...
Đến cuối năm 2008, TP mới có quyết định chính thức đổi tên tám đường viết tắt từ BC1-BC9 (không có BC8) thành “Bàu Cát”. Chẳng hạn: BC1 thành Bàu Cát 1, BC2 thành Bàu Cát 2..., riêng BC9 được đổi thành Bàu Cát 8. Chuyện đổi tên đường trên tưởng chừng như đơn giản nhưng hậu quả đối với các hộ dân lại rất phiền toái vì sẽ phải làm thủ tục đổi nhiều loại giấy tờ kèm theo.
Bà Vũ Ngọc Hải (ngụ 57/6 Bàu Cát 8) than: “Khi mới xây, nhà của tôi được đánh số LK26 Bàu Cát. Khi đường nội bộ khu Bàu Cát được đặt tên thì nhà của tôi thành số 57/6 BC9. Giấy tờ nhà đất, hộ khẩu phải đổi lại theo địa chỉ này. Mới đây, đường BC9 lại đổi tên thành Bàu Cát 8, gia đình tôi lại phải mất công làm thủ tục đổi tên đường trên giấy tờ hộ khẩu, chứng minh nhân dân lần nữa”.
Điều đáng nói là việc đổi số nhà và đặt đổi tên đường tại nhiều quận huyện không được kết hợp với nhau. Việc chỉnh sửa số nhà do phòng quản lý đô thị quận huyện thực hiện theo quyết định 1958 (năm 1998) của UBND TP nhưng việc đặt, đổi tên đường lại do Hội đồng đặt đổi tên đường TP quyết định. Vì vậy, có nhà vừa được cấp đổi số, người dân vừa hoàn tất thủ tục thay đổi địa chỉ trên giấy tờ sở hữu nhà đất, hộ khẩu, chứng minh nhân dân thì lại thấy tên đường thay đổi. Thế là lại... đổi nữa!
Chỉnh sửa ra sao để tránh xáo trộn?
Hiện cơ quan chức năng vừa triển khai thí điểm chỉnh sửa số nhà gắn với đặt đổi tên đường tại các quận Gò Vấp, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Ông Đỗ Phi Hùng - phó giám đốc Sở Xây dựng TP - khẳng định việc thí điểm cấp số nhà tại bốn quận huyện lần này chỉ cấp mới số nhà cho những căn nhà chưa có số và chỉnh sửa số nhà đối với nhà có số nhưng chưa đúng quy định. Những căn nhà đã được cấp số theo quyết định 1958 trước đây không phải đổi lại. Dự kiến việc thí điểm sẽ hoàn thành trong tháng ba, rồi sở sẽ báo cáo UBND TP ban hành chính thức quy chế đánh số nhà và gắn biển số nhà cho toàn TP.
Ông Hùng cho biết sau khi thực hiện các giao dịch, người dân mang giấy tờ cũ kèm giấy chứng nhận số nhà mới để giao dịch, không phải đổi lại các giấy tờ đã có.
Về tên đường, ông Phan Trọng Hiền - phó trưởng phòng di sản văn hóa Sở Văn hóa - thể thao & du lịch TP (kiêm thư ký Hội đồng đặt đổi tên đường TP) - giải thích việc đặt đổi tên đường sẽ thực hiện theo nguyên tắc tránh làm xáo trộn cuộc sống người dân, những trường hợp bất đắc dĩ thì mới đổi. Về nguyên tắc, trước mắt những đường trùng tên trong cùng quận huyện thì phải đổi, đường trùng tên nhưng ở các quận khác nhau sẽ được xem xét đổi sau. Riêng những trường hợp đường mang cả tên tiếng Anh và tiếng Việt như ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, sẽ chỉnh sửa theo hướng đặt bằng tên tiếng Việt.
Theo ông Hiền, Hội đồng đặt đổi tên đường TP đã nghiệm thu được 213 tên đường chuẩn bị trình HĐND TP thông qua trong năm nay. Riêng quỹ tên đường đã được thông qua (hiện còn khoảng 150 tên chưa được sử dụng chính thức) đã được chọn đặt cho một số tuyến đường ở Q.Thủ Đức và Q.Tân Phú nhưng còn phải chờ HĐND TP thông qua. Để đáp ứng nhu cầu, sắp tới việc đặt tên đường sẽ được mở rộng theo hướng ngoài tên danh nhân sẽ có tên các bà mẹ VN anh hùng, các liệt sĩ, các địa danh do dân gian gọi để bổ sung vào quỹ tên đường.
Còn tên đường trên các tuyến đường liên quận, tại một cuộc họp với các quận, huyện mới đây lãnh đạo Sở Xây dựng TP đã thống nhất chủ trương số nhà ở các tuyến đường này phải liên tiếp, không theo kiểu “qua quận khác là có số khác”.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: