Việc công nhận chủ quyền phần đất khuôn viên có quận “cho”, quận “không”, khiến người có “giấy trắng” thiệt thòi hơn người không có mảnh giấy lận lưng.
Trước đây, khi cấp giấy tờ nhà, đất chính quyền chỉ ghi nhận phần diện tích nền nhà mà bỏ lửng phần đất khuôn viên... Nay khi cấp “giấy hồng”, nhiều quận, huyện chính thức công nhận cho chủ nhà phần diện tích nằm ngoài chủ quyền. Song nhiều nơi lại từ chối hoặc tiếp tục bỏ lửng khiến người dân gặp không ít khó khăn.
Nằm ngoài “giấy trắng”: Không cấp
Năm 1990, cảng Sài Gòn đã “mua” của UBND xã Tân Quy Đông gần 2.000 m2 đất để xây nhà liên kế, giải quyết chỗ ở cho cán bộ, nhân viên. Theo hợp đồng mua bán nhà giữa cảng Sài Gòn với 17 hộ gia đình, các căn nhà có diện tích từ 48 m2 đến 54 m2 nhưng trên thực tế, các nhà còn có sân trước 6 m, sân sau khoảng 4 m. Qua gần 20 năm sử dụng, các hộ dân đã xây tường rào cả phần sân trước và sân sau để sử dụng riêng. Nhiều hộ còn cắt phần đất dư này bán cho người khác.
Năm 2007, những hộ dân đi làm “giấy hồng” với yêu cầu được công nhận cả phần sân trước, sân sau nêu trên nhưng không được UBND quận 7 chấp thuận. Theo UBND quận 7, phần sân trước, sân sau là phần đất chung của các hộ và là đất công nên không thể cấp chủ quyền.
Tương tự, ông Bành Kim đang gặp khó khi xin cấp “giấy hồng” cho toàn bộ diện tích nhà, đất đã sử dụng trong nhiều năm nay. Năm 2000, khi mua một căn nhà có “giấy trắng”, ông Bành Kim được UBND quận 1 công nhận chủ quyền nhà với diện tích 62 m2. Tuy nhiên, diện tích đất trên thực tế rộng hơn 100 m2, tức ngoài 62 m2 đất có nhà, ông Kim còn 38 m2 đất trống. Đây là số đất mà chủ cũ đã sử dụng từ trước giải phóng, được thể hiện rõ trong hồ sơ kê khai nhà năm 1977. Theo lẽ phải giải thích vì sao không công nhận hết thảy theo yêu cầu, UBND quận 1 chỉ cấp “giấy hồng” cho phần diện tích đất được “giấy trắng” ghi nhận. Ông Kim không hài lòng: “Đất tôi đã sử dụng ổn định, không tranh chấp, không vi phạm quy hoạch, tại sao quận 1 không cấp “giấy hồng” cho tôi?”.
Đồng ý cấp nếu phù hợp quy hoạch
Không khó khăn như hai người trên, bà Quỳnh H. (phường 5, quận 8) vẫn được UBND quận 8 cấp “giấy đỏ” cho cả phần diện tích đất nằm ngoài giấy tờ mua bán. Theo hợp đồng bán nhà trả góp của Sở Nhà đất, nhà bà (nhà trệt) có diện tích sử dụng khoảng 50 m2 (không có 20 m2 đất trống sau nhà). Xét thấy bà đã sử dụng 20 m2 này trước năm 1993 và việc sử dụng này cũng phù hợp quy hoạch, UBND quận 8 đã công nhận cho bà được quyền sử dụng hợp pháp cả 70 m2 đất.
Bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 5, cho biết: Quận 5 cũng công nhận cho người dân những phần đất chênh lệch so với giấy mua bán hoặc các loại giấy tờ hợp lệ khác với điều kiện phù hợp quy hoạch và không có tranh chấp. Nếu phần đất dư do sai số khi đo đạc (thường thì phần này không nhiều), UBND quận sẽ cho người dân tường trình nguồn gốc đất dư, có xác nhận của chủ nhà liền kề về việc không lấn chiếm ranh đất của họ. Sau đó, quận sẽ cấp “giấy hồng”. Đối với những trường hợp còn lại, nếu diện tích đất dôi dư không nằm trong lộ giới, không tranh chấp, không nằm trong hành lang đường điện, không phải là lối thông hành địa dịch hoặc nằm trên đường cống thoát nước..., quận vẫn xét cấp giấy chứng nhận bình thường.
Tương tự, các quận 3, 10, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh... cũng yêu cầu người dân tự cam kết những nội dung trên và cấp “giấy hồng” cho phần đất nằm ngoài các giấy tờ liên quan.
Không giấy tờ lợi hơn?
Trong thực tế, nhiều nhà, đất không có miếng giấy lận lưng cũng đã được các quận, huyện cấp “giấy hồng”, “giấy đỏ” nếu phù hợp với quy hoạch và không bị tranh chấp. Người dân chỉ cần tường trình, cam kết về nguồn gốc nhà, đất và chịu trách nhiệm về những cam kết đó. Sau khi xem xét các yếu tố về quy hoạch, UBND phường sẽ niêm yết công khai việc cấp giấy chứng nhận trong năm ngày. Nếu không có khiếu nại, UBND cấp xã sẽ chuyển hồ sơ cho UBND cấp huyện xem xét, cấp “giấy hồng”, “giấy đỏ”. Những tranh chấp phát sinh sau khi cấp giấy sẽ do tòa án giải quyết.
Trở lại sự từ chối nêu trên của UBND các quận 1,7..., nếu xem phần đất ngoài giấy tờ là đất công hoặc tiếp tục bỏ lửng để không công nhận, hóa ra người có “giấy trắng” hay “giấy hồng” cũ lại thiệt thòi hơn so với những người không có giấy tờ nhà, đất? Lại nữa, đất nào mà chẳng là đất của toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Nếu trước giờ chưa quản lý, chưa bố trí sử dụng phần đất dư nêu trên, cớ gì các quận lại không công nhận cho người đang sử dụng nếu họ hội đủ những điều kiện theo luật định.
Cùng một quận mà lúc cấp, lúc không
Nếu ông Bành Kim chỉ được cấp “giấy hồng” theo kiểu “giấy trắng” ghi diện tích bao nhiêu thì giờ cấp “giấy hồng” bấy nhiêu, nhiều trường hợp tương tự như của ông vẫn được UBND quận 1 công nhận hết thảy. Đơn cử là nhà 115/62 Trần Đình Xu, tuy “giấy trắng” chỉ có 31 m2 nhưng sau đó “giấy hồng” đã công nhận luôn 19 m2 ngoài chủ quyền (nâng tổng diện tích đất lên hơn 49 m2). Nhà 27/6 Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy “giấy trắng” chỉ ghi 62 m2 nhưng sau đó “giấy hồng” đã công nhận luôn 52 m2 ngoài chủ quyền (nâng tổng số diện tích đất lên hơn 114 m2)...
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: