Top

Tăng diện tích nhà ở xã hội lên 90m2: Chưa phù hợp thực tế

Cập nhật 21/04/2015 10:19

Trong dự thảo Nghị định nhà ở xã hội đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến rộng rãi được nhiều nhà chuyên môn đánh giá là có nhiều vấn đề phải xem xét lại, trong đó có quy định cho phép nhà ở xã hội tăng diện tích lên đến 90m².

Mô hình nhà ở xã hội ở Bình Dương với diện tích từ 20 đến 30m², mức giá khoảng 200 triệu đồng đang nhận được những ý kiến đồng thuận và đánh giá tích cực từ xã hội. Nhiều ý kiến bày tỏ nhân rộng mô hình này sẽ giải quyết được “ước mơ cháy bỏng” của rất nhiều công nhân, người lao động hiện nay.

Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định nhà ở xã hội đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến rộng rãi được nhiều nhà chuyên môn đánh giá là có nhiều vấn đề phải xem xét lại, trong đó có quy định cho phép nhà ở xã hội tăng diện tích lên đến 90m².

Anh Nguyễn Văn Hiếu, công nhân khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) tâm sự, sau hơn 10 năm hai vợ chồng làm công nhân ở Hà Nội, mặc dù cũng đã đau đầu nhức óc nhưng nói đến căn nhà để có chỗ “chui ra chui vào” hiện cũng vẫn chỉ là “ước mơ cháy bỏng”.


Mua được một căn hộ có diện tích vừa phải trong các dự án nhà ở xã hội đang là giấc mơ xa vời của nhiều người lao động.

Nhà anh có 4 người gồm 2 vợ chồng và hai đứa con, lương hai vợ chồng công nhân một tháng được khoảng trên dưới 10 triệu đồng. “Mức thu nhập đó chỉ đủ cho một cuộc sống gia đình tằn tiện, làm sao có thể mua được nhà. Chúng tôi cũng đã từng thử tính toán vay mượn để đăng ký mua một căn ở dự án nhà ở xã hội Đặng Xá. Tuy nhiên một căn hộ diện tích nhỏ chừng 50m² cũng có giá đến 600 - 700 triệu đồng. Giá nhà ở xã hội hiện nay tìm đỏ mắt cũng chẳng có giá 10 triệu đồng/m². Một căn hộ 90m² sẽ có giá hơn một tỷ. Với mức thu nhập như chúng tôi chắc chẳng bao giờ mua nổi một căn hộ có giá như vậy”, anh Hiếu chia sẻ.

Trò chuyện với PV, anh Trần Văn Thọ, một người buôn bán nhỏ ở khu vực Cầu Giấy chia sẻ, mô hình căn hộ giá chỉ hơn 100 triệu đồng ở Bình Dương thực sự rất cần được nhân rộng để đáp ứng được nhu cầu và điều kiện phần lớn người lao động hiện nay.

“Gia đình mình vợ làm văn phòng ở một công ty tư nhân, chồng buôn bán nhỏ thu nhập chừng 15 triệu/tháng. Mình nghĩ vợ chồng mình hoàn toàn có thể dành dụm mua được một căn hộ nhỏ có mức giá khoảng 300 triệu đồng hoặc cao hơn một chút. Hai vợ chồng cùng làm đến nay con đã 5 tuổi mà vẫn chưa thể lo được chỗ ở.

Với ước mơ cháy bỏng có nhà, mình rất mong chính quyền TP Hà Nội sẽ có những chính sách để tạo ra loại hình nhà giá rẻ cho người lao động nghèo.

Điều kiện đất đai ở Hà Nội không thể có những căn hộ giá 100-150 triệu đồng mà phải cao hơn. Nhưng nếu thành phố tạo cơ chế để giá nhà ở xã hội xuống khoảng 10 triệu/m². Một căn hộ có diện tích nhỏ khoảng 30m² và có gác lửng là đã đáp ứng được điều kiện sinh hoạt của 2 vợ chồng và 2 đứa con mà giá cũng chỉ khoảng 300 triệu đồng, phù hợp với điều kiện của số đông người lao động”, anh Thọ chia sẻ.

"Theo tôi, các nhà quản lý khi đưa ra đề xuất, cần tính đến nhu cầu thực tế của người dân hơn”, anh Thọ nói.

TS Phạm Sĩ Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, việc nâng diện tích nhà ở xã hội lên 90m² là cần phải xem xét.

Theo lý giải của TS Phạm Sĩ Liêm, các đối tượng nằm trong diện được mua nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu là các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân lao động. Để có thể chi trả được 1 căn hộ 90m² thực tế đối với lực lượng này là ngoài khả năng. Thêm nữa, việc nâng diện tích nhà ở xã hội lên 90m² là không cần thiết bởi với mức diện tích trung bình 12m² sàn cho 1 người sử dụng, thì một gia đình 2 vợ chồng, 2 đứa con thì không cần đến 1 căn hộ 90m².

“Tại sao Bình Dương làm căn hộ diện tích nhỏ với mức giá 150-200 triệu mà được rất nhiều người ủng hộ? Cơ bản nhất là vì nó đáp ứng được điều kiện của phần đông nhu cầu của người lao động hiện nay cả về mặt chỗ ở, lẫn khả năng tài chính”, TS Phạm Sĩ Liêm nói.

Để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân, TS Phạm Sĩ Liêm cho rằng, lo chỗ ở cho người dân và câu chuyện giúp người dân sở hữu nhà là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Hiện các cơ quan chức năng đang quá nặng về việc câu chuyện sở hữu nhà. Trong lúc chưa có điều kiện thì có thể thuê nhà ở dưới hình thức thuê, thuê mua. Do đó, để giải quyết chỗ ở cho người dân hiện nay là phải phát triển loại hình nhà ở cho thuê. Bao giờ người dân có điều kiện hơn thì có thể mua nhà hoặc chuyển ra chỗ khác sinh sống. Chỗ ở đó lại dành cho những người khó khăn hơn vào thuê.


DiaOcOnline.vn - Theo An ninh Thủ đô