Top

Sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở: Mở rộng cửa cho Việt kiều mua nhà

Cập nhật 23/05/2009 14:20

Mở rộng thêm hai đối tượng là người VN ở nước ngoài (Việt kiều) được quyền sở hữu nhà ở tại VN, nới lỏng điều kiện về thời gian cư trú, gia tăng hai quyền của chủ sở hữu Việt kiều. Đó là những thay đổi cơ bản trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung điều 126 của Luật nhà ở và điều 121 của Luật đất đai được Chính phủ trình Quốc hội tại phiên họp sáng 22-5.

Hiện nay có hơn 3 triệu Việt kiều (trong đó khoảng 70% còn duy trì quốc tịch VN), tuy nhiên sau gần ba năm triển khai Luật nhà ở, chỉ có hơn 140 trường hợp được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại VN. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế này là do quy định của điều 126 Luật nhà ở và điều 121 Luật đất đai không còn phù hợp.

Thêm đối tượng, thêm quyền

Cụ thể, Luật nhà ở hiện hành quy định năm nhóm đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà trong nước gồm: người về đầu tư lâu dài; người có công với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại VN; người có nhu cầu về sống ổn định tại VN và người được phép cư trú tại VN từ sáu tháng trở lên.

Trên thực tế, có nhiều kiều bào có quốc tịch VN, những chuyên gia có kỹ năng, chuyên môn đặc biệt, những người kết hôn với công dân VN đang sinh sống ở trong nước nhưng do không thuộc năm nhóm đối tượng nêu trên nên không được sở hữu nhà ở. Dự luật đề nghị sửa điều 126 Luật nhà ở theo hướng bố cục lại nội dung và bổ sung hai nhóm đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà ở.

Theo đó, Việt kiều có quốc tịch VN hoặc không còn quốc tịch VN nhưng thuộc các diện: về đầu tư trực tiếp tại VN, người có công với đất nước, nhà văn hóa, nhà khoa học, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà VN có nhu cầu và đang làm việc tại VN, người có vợ hoặc chồng là công dân VN ở trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng thì cũng được sở hữu nhà ở tại VN, nếu được phép cư trú tại VN từ ba tháng trở lên thì được quyền sở hữu nhà ở tại VN.

Riêng Việt kiều không thuộc các diện trên nhưng được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép miễn thị thực và được phép cư trú từ ba tháng trở lên cũng được quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư để bản thân và gia đình sinh sống tại VN.

Dự thảo luật nêu trên đề nghị sửa đổi điều 121 Luật đất đai theo hướng bổ sung hai quyền cho bà con Việt kiều mua nhà trong nước, đó là quyền cho thuê và ủy quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong thời gian tạm thời không sử dụng nhà ở. Như vậy, so với quy định của điều 121 hiện hành, Việt kiều sẽ có thêm hai quyền về sử dụng đất ở gắn với nhà ở, nhưng so với công dân VN ở trong nước thì các đối tượng này bị hạn chế hai quyền, đó là quyền góp vốn và quyền bảo lãnh bằng tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

Thảo luận tại tổ Hà Nội, các đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, Phạm Thị Loan, Chu Sơn Hà đều ủng hộ việc mở rộng diện cho Việt kiều mua nhà trong nước. Ông Đào cho rằng lâu nay Việt kiều về nước mua nhà còn hạn chế là do quy định quá chặt, trong khi lẽ ra nên thông thoáng vấn đề này vì chúng ta tạo điều kiện cho người nước ngoài vào đầu tư bất động sản trong nước được, lẽ nào lại hạn chế với bà con Việt kiều. Đại biểu Loan đề nghị không nên hạn chế số lượng nhà mà Việt kiều được mua, bà con có thể về nước mua nhiều nhà, còn những vấn đề liên quan đã có pháp luật khác điều chỉnh, ví dụ thuế bất động sản...

Các đại biểu này cho rằng không nên hạn chế các quyền của chủ sở hữu nhà là Việt kiều, nên để bà con Việt kiều có các quyền bình đẳng như công dân trong nước, nhất là không nên hạn chế quyền thế chấp và quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi.

Sửa luật, Việt kiều mua nhà tăng gấp mười lần?

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay mới có 10 tỉnh, TP có Việt kiều mua và sở hữu nhà ở theo quy định của Luật nhà ở. Trong đó, TP.HCM có Việt kiều sở hữu nhà nhiều nhất (hơn 100 trường hợp), tiếp đến là Hà Nội (15 trường hợp). Trên thực tế, thống kê năm 2007 cho thấy có khoảng 6 tỉ USD của kiều bào chuyển về nước và khoảng 20% trong số này (hơn 1 tỉ USD) là để nhờ người thân, bạn bè đứng tên mua nhà ở tại VN.

Theo tính toán, giả sử sau khi sửa đổi luật, lượng Việt kiều mua nhà tăng gấp mười lần hiện nay thì mỗi năm đối tượng này mua khoảng 1.400 căn nhà. Nếu so với nguồn cung nêu trên, lượng Việt kiều có nhu cầu mua nhà chỉ chiếm 2-3% lượng nhà xây mới hằng năm tại các đô thị (1.400/500.000 căn). Do đó, theo nhận định của Chính phủ, việc mở rộng đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà theo dự luật sẽ không có tác động lớn đến thị trường bất động sản ở trong nước.

Mặt khác, hiện Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ riêng dành cho các đối tượng là người nghèo, sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cán bộ công chức… nên mở rộng đối tượng sở hữu là Việt kiều cũng sẽ không có tác động nhiều đến chính sách nhà ở của các đối tượng xã hội hoặc người nghèo trong nước.

Đồng tình với nhận định đó, nhiều đại biểu cho rằng việc sửa đổi bổ sung điều 126 Luật nhà ở và điều 121 Luật đất đai còn có ý nghĩa giúp hạn chế những tranh chấp, khiếu kiện xảy ra do tình trạng nhờ người thân, bạn bè đứng tên hộ. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) nói rằng thời gian qua ông đã chứng kiến nhiều vụ Việt kiều nhờ người thân, bạn bè đứng tên sở hữu nhà rồi bị giật dọc nên phải chịu trắng tay vì không có cơ sở để kiện.

Ông Nguyễn Hoàng Anh (phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự thảo sửa luật):

Ủng hộ không giới hạn diện tích, số lượng nhà mua

Có ba vấn đề lớn của dự thảo: đối tượng được mua, số lượng được sở hữu và quyền lợi, nghĩa vụ. Thật ra, những vấn đề trên đã thể hiện trong Luật đất đai và Luật nhà ở nhưng chưa rõ nên sau hơn hai năm thực hiện Luật nhà ở, mới có 141 trường hợp người VN định cư ở nước ngoài được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Con số trên là ít khi một chính sách ban hành và so với số người VN định cư ở nước ngoài mong muốn gắn bó với quê hương. Tôi ủng hộ việc không giới hạn diện tích, số lượng nhà ở mà Việt kiều được mua vì hiện thị trường bất động sản VN đang trầm lắng”.

Nhiều trường hợp người VN định cư ở nước ngoài do không được phép, đã nhờ người quen, họ hàng mua, đứng tên hộ. Nếu thật sự có nhu cầu, họ vẫn mua được. Nếu người VN ở nước ngoài có nhu cầu buôn bán bất động sản, theo quy định, họ có thể xin phép đầu tư và kinh doanh. Nên việc sửa đổi luật sẽ giúp lành mạnh hóa hoạt động mua bán của đối tượng này. Theo đánh giá của chúng tôi, người Việt ở nước ngoài về nước mua nhà sẽ chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM.

Thực tế cho thấy không phải người gốc Việt nào cũng có nhu cầu mua, có ràng buộc họ hàng hay có ý định quay về thì mới mua. Nếu sinh sống, làm việc ở nước ngoài, ít khi về VN thì chắc rất ít người chịu bỏ tiền ra. Người VN ở nước ngoài được mua nhà tại VN, nếu có ảnh hưởng đến giá nhà thì cũng chỉ ở lĩnh vực kinh doanh thương mại chứ không gây tổn thương cho thị trường nhà ở xã hội của những đối tượng chính sách, người nghèo.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ