Top

Cần cụ thể hóa điều kiện cho kiều bào mua nhà trong nước

Cập nhật 23/04/2009 09:40

Hầu hết kiều bào đều phấn khởi trước thông tin “nới lỏng” những điều kiện cho phép họ mua nhà trong nước mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí tại phiên thảo luận ngày 16/4 vừa qua.

Tuy nhiên, một số người vẫn băn khoăn rằng nếu các điều kiện đó không được cụ thể hóa thì chính sách dành cho kiều bào cũng khó có thể đi vào cuộc sống. Từ năm 2001 đến nay, mới chỉ có 140 kiều bào được mua nhà tại Việt Nam. Theo bà Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, con số này quá ít so với nhu cầu thực tế của kiều bào.

Ông Hồng Ninh, kiều bào Đức, cho biết ông không thuộc đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam, bởi “nếu muốn có nhà ở Việt Nam, tôi phải về nước đầu tư”. Nhưng vừa không có nhiều tiền, vừa đã lớn tuổi nên ông không muốn làm ăn nữa. Xét về thủ tục hồi hương, ông cũng không còn thân nhân hay bà con nào để bảo lãnh. Còn chị Nguyễn Mỹ, kiều bào Australia, lại gặp vướng mắc trong việc xác định thời hạn cư trú, rồi phải xác minh là người gốc Việt.

Bà Vân lý giải, trước đây, Nghị định 90/2006/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng kiều bào được mua nhà nếu họ có thời gian cư trú 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, bà Vân cho rằng điều này cũng rất khó cho kiều bào vì chưa có thông tư nào hướng dẫn cụ thể. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có hơn 100.000 đơn xin mua nhà của kiều bào, nhưng chưa đầy 200 đơn được giải quyết.

Chị Mỹ nói: “Cái khó là không biết thực hiện như thế nào vì không thấy hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn, theo giấy phép cư trú thì tôi đủ điều kiện, nhưng nếu thời gian ở thực tế chưa đủ thì sao? Tôi cũng không biết đến cơ quan nào để xác nhận thời gian cư trú của mình”.

Thiếu thông tư hướng dẫn, lại thêm việc cấp các giấy tờ theo luật định khá phức tạp nên đã có hiện tượng kiều bào nhờ người thân đứng tên. Bà Bạch Vân cho rằng, việc làm này sẽ rất rủi ro vì rất dễ xảy ra tranh chấp, nhưng vì đơn giản nên nhiều người vẫn quyết định chọn.

Trường hợp của anh T., kiều bào Mỹ, là một ví dụ. Có ý định về Việt Nam sinh sống nên anh nhiều lần về nước tìm hiểu chính sách mua nhà dành cho kiều bào. Theo Nghị định 90/2006/NĐ-CP, anh T. đáp ứng được điều kiện là về nước cư trú 6 tháng trở lên. Nhưng do việc chứng nhận các loại giấy tờ khá phức tạp nên anh đành nhờ người em ruột trong nước đứng tên mua một căn nhà tại đường D2, quận Bình Thạnh, TP HCM. Một năm sau, anh T. có ý định bán căn nhà này để tìm mua chỗ khác thì người em liền trở mặt, không chịu ký tên bán, dẫn đến tranh chấp.

Bà Vân nói thêm: “Ngày 1/7 tới đây, khi Luật Quốc tịch sửa đổi có hiệu lực, nó cũng góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn cho bà con, vì kiều bào vẫn có thể giữ lại quốc tịch ngoại. Và một khi chính sách cho phép kiều bào mua nhà trong nước thông thoáng và chi tiết hơn, bà con sẽ có nhiều cơ hội trở về đóng góp cho quê hướng đất nước”.

Theo dự kiến sửa đổi điều 126 của Luật nhà ở, sẽ có 6 thay vì 4 đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài được sở hữu nhà trong nước. Đó là: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, người có công đóng góp cho đất nước, nhà khoa học, nhà văn hóa, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước. Các đối tượng kiều bào còn lại nếu được miễn thị thực và được phép cư trú hợp pháp ở Việt Nam 3 tháng trở lên (trước đây là 6 tháng trở lên) có quyền mua một căn hộ hoặc một nhà riêng lẻ gắn với đất ở. Nếu được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới, luật này sẽ có hiệu lực từ 1/9.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt