Top

Việt kiều sẽ được mua nhiều nhà?

Cập nhật 08/04/2009 09:50

Chờ văn bản hướng dẫn Luật Quốc tịch để xác định rõ đối tượng Việt kiều được mua nhà.

Sắp tới, nếu dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 Luật Đất đai được thông qua thì cánh cửa mua nhà cho Việt kiều sẽ mở ra rất rộng. Tại hội nghị góp ý dự luật này do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hôm qua (7-4), hầu hết các đại biểu đều đồng tình với sự sửa đổi này.

Mua nhiều nhà: Điều tiết bằng thuế

“Việc mở rộng đối tượng Việt kiều mua nhà trong nước là phù hợp với Luật Quốc tịch mới. Ước tính có khoảng 70% trong ba triệu kiều bào ở nước ngoài được giữ quốc tịch Việt Nam nếu có yêu cầu”. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết.

Để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Việt kiều phải được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên. Liệu việc mở rộng đối tượng Việt kiều mua nhà có làm thị trường bất động sản xáo trộn hay không? Các đại biểu đều cho rằng khả năng này khó xảy ra. Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Vân - Trưởng phòng Kế hoạch (Sở Tài nguyên và Môi trường TP): “Nếu đầu tư nhà ở tại Việt Nam thì Việt kiều cũng phải lời ăn lỗ chịu vì có phải lúc nào thị trường cũng lên đâu”. Ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP, đồng tình: “Đối với người có khả năng mua được nhiều nhà, pháp luật có thể điều chỉnh bằng thuế, bằng chính sách”.

Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP, phân tích: “Giá nhà ở Việt Nam còn mắc hơn ở Mỹ và không phải người Việt Nam ở nước ngoài nào cũng đủ điều kiện để mua nhà trong nước. Do đó, đừng sợ xáo trộn thị trường”. Bà Loan dẫn chứng ở các nước như Mỹ, Singapore, Malaysia..., người trong nước hay người ngoại quốc đều dễ dàng mua được nhà và được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Việc thu hút đồng vốn đổ vào bất động sản cũng là liều thuốc kích thích nền kinh tế phát triển. Bà Loan đề nghị bất kỳ ai có nhu cầu mua nhà thì nên mở cửa cho họ mua. Trong tương lai, nếu thị trường bất động sản có phát sinh “sốt” do đối tượng Việt kiều hay người nước ngoài đầu cơ gây nên thì nhà nước có thể xem xét điều chỉnh lại luật.

Cần sớm hướng dẫn Luật Quốc tịch mới

“Bà con kiều bào rất mừng trước khả năng được mua nhà trong nước. Dù đi đâu tâm lý ai cũng muốn cuối đời được trở về quê cha đất tổ. Tuy nhiên, việc mua nhà của Việt kiều có liên quan đến Luật Quốc tịch (theo dự luật trên, người có quốc tịch Việt Nam được mua nhà trong nước - PV). Do đó, nếu không có văn bản hướng dẫn Luật Quốc tịch thì sẽ có nhiều vướng mắc” - ông Trần Hòa Phương nói. Theo ông Phương, dù dự luật có nêu ra ba nhóm đối tượng được mua nhà nhưng có nhiều trường hợp không rõ sẽ được xử lý ra sao.

Ông Phương dẫn chứng: Một người gốc gác ở Lạng Sơn được sinh ra ở nước ngoài, cha mẹ đã chết. Vậy những trường hợp không có giấy tờ gì chứng minh mình là người Việt Nam như vậy có được xem là “người có gốc Việt Nam” như dự luật không? Ngoài ra, đến ngày 1-7 tiến hành đăng ký lại quốc tịch cho kiều bào ở nước ngoài, nếu kiều bào về nước thì đăng ký ở đâu? Để điều luật đi vào cuộc sống còn cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa. Ông Phương kể: “Vừa rồi một bà cụ trên 80 tuổi đến chỗ tôi cứ ngồi khóc. Bà cụ sinh sống ở Pháp đã mấy chục năm nhưng vẫn đang mang quốc tịch Việt Nam. Cụ bảo cụ mua một căn hộ của Hoàng Anh Gia Lai, tiền đã đóng rồi nhưng không được đứng tên vì thủ tục khó khăn quá”. Ông Phương kết luận: “Có giảm các thủ tục hành chính thì kiều bào hồi hương mới yên tâm mua nhà”.

Ông Phương cũng cho rằng dự luật nêu điều kiện Việt kiều phải được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên là hơi khắt khe. “Ít ai đáp ứng được điều kiện này, trừ người già về định cư hẳn tại Việt Nam. Đối tượng có khả năng đặc biệt (nhà khoa học, nhà văn hóa...) mỗi lần đi về công tác họ chỉ ở được khoảng một, hai tuần. Theo tôi, cần xem xét lại thời hạn này” - ông nói.

Có cho Việt kiều mua đất ở?

Để phù hợp sự sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở thì Điều 121 Luật Đất đai về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng phải được sửa đổi cho tương thích. Tuy nhiên, dự luật ghi “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định (...) có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam”. Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trưởng phòng Kế hoạch (Sở Tài nguyên và Môi trường TP), như vậy có thể hiểu Việt kiều chỉ được mua nhà ở chứ không được mua đất ở. Trong khi đó, có nhiều trường hợp muốn mua đất của các dự án nhà ở rồi sau đó mới tự xây nhà. Vậy trường hợp này có được cho phép không?

Cũng để tương thích cho việc sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở, bà Võ Thị Kim Hoàng - Phó phòng Cấp chủ quyền nhà (Sở Xây dựng TP) cho rằng phải sửa đổi cả Điều 12 Luật Nhà ở vì có liên quan với nhau. Điều 12 Luật Nhà ở quy định: “Trường hợp có vợ hoặc chồng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật thì chỉ ghi tên người có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam”. Bà Hoàng kiến nghị hiện có rất nhiều Việt kiều đang có nhà ở tại Việt Nam nhưng họ không đứng tên trên giấy chủ quyền. Trong đó có nhiều trường hợp nhà xây cất từ trước năm 1975 chưa có giấy tờ. Do đó, ngoài việc mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, dự luật cũng nên mở rộng luôn hình thức sở hữu.



(Trích dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở
và sửa đổi, bổ sung Điều 121 Luật Đất đai)


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP