Sáng nay 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai. So với dự thảo Luật được trình UBTVQH trong phiên họp ngày 10.3.2009, dự thảo Luật trình UBTVQH sáng nay không có thay đổi lớn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, một số vấn đề mà UBTVQH đề nghị Ban soạn thảo làm rõ trong phiên họp lần trước, Ban soạn thảo đã báo cáo và được Thường trực Chính phủ cho ý kiến.
Cụ thể, về ý kiến cho rằng, quy định đối tượng được sở hữu nhà ở như trong dự án Luật là chưa hợp lý, hơi rộng và không nên phân định người nước ngoài theo hai dạng là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt. Thường trực Chính phủ làm rõ: “Nếu không phân định đối tượng người Việt Nam định cư ở người ngoài thành hai dạng người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt thì sẽ không mở rộng thêm được số lượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam so với quy định hiện hành”.
Cũng theo Thường trực Chính phủ, việc bổ sung hai đối tượng là người có kỹ năng đặc biệt và người có kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước, chiếm số lượng không đáng kể trong số người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đồng thời giữa công dân Việt Nam và người gốc Việt sẽ không có sự khác biệt. “Việc mở rộng quy định đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thể hiện sự nhất quán về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác này” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban này để thẩm tra dự Luật trên, đa số ý kiến nhất trí với các nhóm đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như quy định của Dự thảo và thống nhất bổ sung thêm ba nhóm đối tượng so với quy định hiện hành (người về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học) là: “Người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam có chuyên môn kỹ năng đặc biệt và người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước”.
Một số ý kiến cho rằng chỉ nên cho phép được sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc 1 căn hộ chung cư đối với các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, người có công đóng góp cho đất nước, nhà khoa học, nhà văn hóa, người có chuyên môn kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam, người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước.
Những người đưa ra ý kiến trên lập luận, mục đích của chính sách này là tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài có chỗ ở tại Việt Nam, không khuyến khích họ đầu cơ, mua nhiều nhà ở, ảnh hưởng tới thị trường nhà ở. Tuy nhiên, Thường trực Chính phủ cho rằng, Luật sửa đổi nên hạn chế hơn so với Luật hiện hành (Luật hiện hành không quy định số lượng nhà ở được sở hữu). Để làm rõ mục đích mua nhà để ở chứ không phải kinh doanh, đầu cơ, Thường trực Chính phủ bổ sung quy định: “được sở hữu nhà dùng để ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình” vào cả Khoản 1 và Khoản 2 Điều 126. Đồng thời quy định, chủ sở hữu nhà ở chỉ được cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian tạm thời không dùng để ở cho bản thân và gia đình.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: “Quy định này khẳng định Nhà nước chỉ tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu thực sự về chỗ ở được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Trường hợp tạo lập nhà ở để kinh doanh sẽ được điều chỉnh bằng các luật khác, như Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Kinh doanh bất động sản”…
Về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dự thảo Luật sửa đổi Khoản 2 Điều 121 Luật Đất đai mà Chính phủ trình sáng nay đã được mở rộng theo hướng tăng thêm 2 quyền chủ sở hữu, đó là quyền cho thuê và ủy quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.
Người đứng đầu ngành xây dựng giải thích rõ hơn: “So với Luật Đất đai hiện hành thì chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tăng thêm 2 quyền, nhưng so với công dân Việt Nam ở trong nước thì họ bị hạn chế hơn 2 quyền, đó là quyền bảo lãnh và quyền góp vốn bằng tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở”.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở quy định:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng là người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam thuộc diện: về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, người có công đóng góp cho đất nước, nhà khoa học, nhà văn hóa, người có chuyên môn kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam, người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà để ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình tại Việt Nam.
Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng trên được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: