Do tính chất công việc, nhà đầu tư gốc Việt không nhất thiết phải cư trú tại Việt Nam 3 tháng mới được sở hữu nhiều nhà, họ sẽ được ưu tiên hơn 5 nhóm đối tượng khác trong việc sở hữu nhà tại Việt Nam.
Trong cuộc họp bàn về dự thảo Luật Nhà ở do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 10/3, nhiều ý kiến đã đồng tình với quan điểm trên. Trong 6 nhóm đối tượng sẽ được sở hữu nhiều nhà theo điều 126 Luật Nhà ở (người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt đầu tư lâu dài trong nước; người có công đóng góp; nhà khoa học, nhà văn hóa và người có kỹ năng đặc biệt; người kết hôn với công dân Việt Nam), yêu cầu về thời gian cư trú của người gốc Việt đầu tư trực tiếp vào Việt Nam được nhiều đại biểu lưu tâm.
Ông Đặng Văn Chiến, Phó chủ tịch Ủy ban Pháp luật cho rằng, ban soạn thảo yêu cầu người gốc Việt đầu tư trực tiếp tại Việt Nam phải cư trú 3 tháng mới được sở hữu nhiều nhà là chưa hợp lý. "Nhà đầu tư có thể đi khắp nơi để đầu tư dự án và không nhất thiết phải cư trú cố định một nơi nào. Do đó, đây là trường hợp đặc biệt, ban soạn thảo không nên dập khuôn theo các đối tượng khác”, ông Chiến nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Kim Hồng, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận định, yêu cầu cư trú 3 tháng mới được phép sở hữu nhà mang tính chất hình thức. Bởi nhiều nhà đầu tư chỉ làm việc với các nước sở tại vài ngày rồi lại đi các nơi khác để làm dự án.
Thời hạn cư trú 3 tháng liên tục hay đứt quãng mới được sở hữu nhà cũng được đưa ra bàn bạc. Nhiều người cho rằng, mỗi đối tượng có tính chất công việc khác nhau cần có yêu cầu khác nhau. Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ban soạn thảo không đặt nặng vấn đề cư trú 3 tháng liên tục hay nhiều lần trong năm. "Chỉ cần được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cư trú 3 tháng là đạt yêu cầu.", ông Nam nói.
Các đại biểu đều chung quan điểm, quyền sở hữu nhà của người Việt định cư ở nước ngoài phải rộng hơn quyền của người nước ngoài và hẹp hơn quyền của người dân trong nước. Phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng yêu cầu ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và làm rõ thắc mắc của các đại biểu đề trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới.
Tính riêng năm 2008, cả nước đã xây dựng 50 triệu m2 nhà ở, trong đó riêng TP HCM và Hà Nội chiếm khoảng gần 10 triệu m2. Số lượng nhà lớn, do đó, việc kích cầu để thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước rất quan trọng. Mở rộng đối tượng sở hữu nhà sẽ tác động tới thị trường bất động sản. Nhiều ý kiến đưa ra, đối với nhà cao cấp, chính sách cần cởi mở để những người Việt định cư nước ngoài có cơ hội tiếp cận với phân khúc thị trường này.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: