Top

Dự án… án binh bất động

Cập nhật 17/09/2008 13:00

Thời gian qua, Long An được xem là tỉnh có nhiều dự án sân golf nhất cả nước. Riêng năm 2007, Long An đã phê duyệt 13 dự án sân golf và khu dân cư kèm theo, trên diện tích 7.082ha.

Nhưng sau đó, Long An chỉ được phép xây dựng 3 sân golf, còn lại chuyển công năng các dự án khác. Thế nhưng đến nay, gần như đất của các dự án trên bị bỏ hoang, trong khi hàng ngàn hộ dân không còn đất để sản xuất…

Sân golf “nằm im”

Tháng 4-2008, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh rà soát và rút lại còn 3 dự án sân golf nằm ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa với diện tích 280ha; xã Tân Mỹ ở huyện Đức Hòa với diện tích 200ha và xã Long Hậu thuộc huyện Cần Giuộc với diện tích 260ha. Mười dự án còn lại, tỉnh chuyển công năng thành dự án đô thị sinh thái.

Đầu tháng 9-2008 chúng tôi trở lại xã Long Hậu. Tại đây, anh Tô Huỳnh Nhờ, ngụ ấp 2/6 xã Long Hậu, cho biết: “Hơn một năm nay, từ khi UBND xã triển khai dự án sân golf, chưa thấy động thái gì về đền bù. Gia đình tôi có 0,5ha đất gồm ao nuôi tôm, ruộng mỗi năm cho lợi nhuận gần 30 triệu đồng nhưng phải bỏ ruộng, ao để đi làm thuê. Rất mong nhà nước đền bù dứt khoát để tính kế sinh sống ổn định”.

Một nông dân khác chỉ tay về khu quy hoạch sân gofl nói: “ Ruộng lúa, ao hồ nuôi tôm bấy lâu nay phải bỏ hoang, cây cỏ bắt đầu mọc phủ kín mặt ruộng. Ai cũng sợ đầu tư vốn vào sẽ mất khi nhà nước giải tỏa thu hồi đất”.

Ông Nguyễn Văn Ca, Phó Chủ tịch xã Long Hậu, cho biết: “Dự án sân golf do Công ty CP Việt Hàn làm chủ đầu tư với sân golf 36 lỗ. Thế nhưng, hiện nay đang ở trong giai đoạn kê biên tổng thể diện tích, chưa áp giá đền bù làm cho nhiều bà con bức xúc. Đã nhiều lần UBND xã kiến nghị với cấp trên đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải tỏa… nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.

Còn ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: “Công ty CP đầu tư C.S.Q. làm chủ đầu tư với sân golf 36 lỗ trên địa bàn xã. Hiện đã kê biên 152/219 hộ nằm trong diện tích sân golf. Số hộ còn lại chưa kê biên được vì nhiều lý do về sai tên, họ, chưa có giấy đỏ… nên việc giải tỏa cũng đang “vướng”, đời sống của người dân ảnh hưởng không ít.

Chưa hết, theo ông Lê Văn Lùm, Phó Chủ tịch xã Tân Mỹ, việc đầu tư sân golf trên địa bàn không tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương nên người dân cũng bắt đầu lo lắng cho tương lai…

Dự án chuyển công năng cũng “án binh bất động”

Tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức, dự án khu đô thị sinh thái với diện tích 226,7ha, trong đó Công ty TNHH XD Nam Long làm chủ đầu tư, dự tính đưa vào hạng mục sân golf 36 lỗ với tiện tích 60ha.

Tuy nhiên sau đó dự án sân golf nói trên đã chuyển sang công năng làm những công trình phục vụ cho khu đô thị. Thế nhưng, khu này đang trong tình trạng giải ngân rất chậm, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân.

Ông Lê Văn Phần (ngụ ấp 2, xã An Thạnh, một trong những hộ đi đầu trong việc nhận tiền đền bù) cho biết: “Gia đình ông có 2,2ha đất. Hai năm trước, nhà nước áp giá đền bù cho ông được 900 triệu đồng/ha. Thế nhưng, những hộ không chấp nhận giá đền bù nói trên thì nay được tăng giá lên 120 triệu đồng/ha. Đây là nguyên nhân làm cho nhiều hộ khác phản ứng rất gay gắt”.

Bà Võ Thị Ba, ngụ ấp 2, xã An Thạnh, cho biết, bà có 4.000m2 đất sản xuất lúa, mỗi năm có dư từ 10-15 triệu đồng. Từ khi có dự án quy hoạch, bà chỉ nhận được 360 triệu đồng. Với số tiền này, bà chỉ đủ mua đất chứ không thể có tiền cất nhà cũng như tạo nghề mới…

Qua tìm hiểu, trong 10 dự án sân golf còn lại, có 8 dự án được chủ đầu tư tự nguyện chuyển mục đích. Riêng 2 dự án của Công ty Quốc tế Năm Sao (Cần Đước) và Công ty DM Lee (Long Hậu - Cần Giuộc) thì tỉnh giao cho Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn, đề nghị 2 nhà đầu tư này chuyển sang mục đích khác (không có sân golf) và xác định lại quy mô phù hợp với mục đích sử dụng mới của từng dự án.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Ca, Phó Chủ tịch xã Long Hậu, hiện trong xã có 3 dự án đã chuyển sang đầu tư khu dân cư thương mại - dịch vụ, thế nhưng đến nay các dự án ấy vẫn “án binh bất động”.

Theo SGGP 12G