Top

Tổ chức thi kiến trúc kiểu Việt Nam: Khó tìm tác phẩm tốt

Cập nhật 15/07/2008 16:54

Thiếu quy định hướng dẫn tổ chức thi kiến trúc, VN cũng thiếu luôn quy định cho việc trả thù lao đối với những phương án đạt yêu cầu.

Những năm gần đây, ở VN diễn ra nhiều cuộc thi tìm phương án kiến trúc cho các công trình lớn như tòa nhà Quốc hội, hội trường Ba Đình, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, sân vận động Mỹ Đình... Đó là dấu hiệu đáng mừng, nhưng từ cách tổ chức thi cho đến mục đích sử dụng các phương án dự thi đều đang làm nản lòng các kiến trúc sư (KTS) thực sự mong muốn cống hiến cho đất nước.

Nội dung của nhiều cuộc thi kiến trúc chưa được ban tổ chức làm bài bản, tính chuyên môn không cao, thường đưa ra một cách chung chung, gây tốn kém thời gian cho các KTS tham dự.

Thiếu đủ thứ

Thiếu quy định hướng dẫn tổ chức thi kiến trúc, VN cũng thiếu luôn quy định cho việc trả thù lao đối với những phương án đạt yêu cầu. Thế nên vấn đề trả thù lao cho các cuộc thi kiến trúc cũng là điều gây thất vọng đối với người tham dự: thù lao còn quá ít, thường mang tính tuyên truyền (đặt trong điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay hoàn toàn không phù hợp). Ví dụ, nhiều cuộc thi trả thù lao cho phương án đạt yêu cầu chỉ năm bảy triệu đồng, nhưng ban tổ chức lại yêu cầu tác giả thiết kế phải làm đến 2 – 3 phương án, phải nộp thêm một mô hình. Để làm ra một phương án có chất lượng cao, chi phí thực tế lớn hơn nhiều số tiền thù lao của ban tổ chức.

Tôi cho rằng những điều như vậy thật phi lý. Ở Pháp, khi tổ chức cuộc thi kiến trúc với vốn là ngân sách nhà nước thì người ta quy định luôn việc trả thù lao cho các thí sinh, KTS dự thi chiếm khoảng 5% thiết kế phí của cả công trình (dù phương án không đoạt giải, chủ đầu tư không sử dụng).

Tổ chức thi chỉ để lợi dụng ý tưởng


Hiện nay, không ít chủ đầu tư dù chưa có quyết định đầu tư, chưa có ngân sách để thực hiện dự án nhưng vẫn tiến hành tổ chức cuộc thi tìm phương án kiến trúc.

Họ tổ chức như vậy để làm gì? Xin thưa, để họ dùng chính những phương án đó (chọn các phương án kiến trúc khả thi) để mời mọc, liên kết với nhà đầu tư khác. Thực chất các chủ đầu tư đã biến cuộc thi kiến trúc chỉ là cái cớ để giúp họ lợi dụng, thu hút đối tác kết hợp đầu tư chứ không phải nhằm mục đích tìm ra phương án kiến trúc tốt. Và chuyện thực thi phương án kiến trúc “đạt yêu cầu” chỉ là viễn cảnh xa xôi, thiếu thực tế.

Bên cạnh đó cũng không hiếm chuyện nhiều nhà đầu tư tổ chức cuộc thi kiến trúc một cách rộng rãi, nhưng ngay sau đó họ lấy các điểm hay của tác phẩm dự thi để giao cho đơn vị tư vấn thiết kế khác “xây dựng lại phương án”. Thế nên vai trò của tác giả thực sự thiết kế bị mờ nhạt, không được coi trọng.

Nói ra những điều phi lý ấy, tôi mong vấn đề đó cần được nhìn nhận thẳng thắn và nghiêm túc. Bởi chừng nào Nhà nước chưa có quy định về quy chế tổ chức thi kiến trúc, chừng đó KTS chưa được coi trọng đúng vai trò, công sức, và điều đó khiến kiến trúc VN không thu hút được người có tài tham gia, làm suy giảm nhiệt huyết của KTS trong việc đóng góp cho nền kiến trúc nước nhà.

Người Đô Thị