Top

Nguy cơ đô thị to đầu

Cập nhật 14/09/2008 14:59

Thời kỳ của những thành phố vĩ đại chỉ mới bắt đầu. Vấn đề đặt ra là có bao nhiêu thành phố sẵn sàng về cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện môi trường.

Theo một nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thế giới, dân số ở các thành phố sẽ lên đến 5 tỉ người vào năm 2025, gấp đôi so với năm 1990. Điều này xảy ra, bởi vì nhiều người thích cuộc sống thành thị. Không chỉ dân số ở nhiều thành phố cỡ trung bình gia tăng, mà nhiều trung tâm đô thị đồ sộ cũng được hình thành ở các nước đang phát triển.

Châu Á và Mỹ Latinh đều phải đối mặt với việc công nhân ở các vùng quê đổ xô về thành phố để kiếm công ăn việc làm tốt hơn, khiến nguy cơ đô thị to đầu ngày càng lộ rõ. Và các thành phố ở 2 khu vực này chiếm đến 9 trong số 10 thành phố được dự báo đông dân nhất thế giới vào năm 2025.

Viện Tài nguyên Thế giới dự đoán có 33 thành phố lớn là những thành phố dân số vượt quá 8 triệu người vào năm 2025. Con số này là 21 vào năm 1990 (không tính 2 thành phố được xếp hạng từ năm 1950: London và New York). Trong số 33 thành phố này, chỉ có 6 thành phố thuộc các nước phát triển. Kinh tế của nhiều thành phố trong số này dựa vào sản xuất. Cùng với phương tiện vận chuyển rẻ, thị trường lao động kế cận dồi dào các thành phố này ngày càng lôi cuốn người ta hơn. Nhưng vấn đề nằm ở sự chuẩn bị. Nhiều thành phố lớn hầu như không dự trù kế hoạch cho phát triển tương lai, để biết sẽ phải ứng phó như thế nào đối với vận chuyển (càng ngày có càng nhiều người đến và cần đi lại trong thành phố), nhà ở (tránh tình trạng dồn cục trong đô thị) và ô nhiễm môi trường. Những nguy cơ trên có thể khiến thành phố mất năng suất kinh tế. Bởi những người phải di chuyển quãng đường dài mới tới được nơi làm việc thì đi làm xa có thể sẽ bị kẹt xe, thời gian đi lại bị kéo dài ra.

Bà Nancy Kete, Giám đốc Trung tâm Embarq (Vận chuyển bền vững), nói: “Không có thành phố nào trong số các thành phố này, ngoài New York, có quyết định sáng suốt để giải quyết các vấn đề này trong thế kỷ 21. Các thành phố ngày càng ngột ngạt hơn vì chính sự phát triển của mình”. Theo bà, Mexico City là một ví dụ.

Thành phố này bị làm cho què quặt bởi vì nhà nước đã thất bại trong việc đầu tư phương tiện vận chuyển đến các khu vực lân cận. Bởi vậy, thay vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng Mexico City, chính phủ Mexico lại sử dụng chính sách phân phối đất đai (cho đất ở các tỉnh), xem đây như trợ cấp cho các công ty, khuyến khích cán bộ, công nhân viên, công nhân chuyển đi nơi khác, ngoài Mexico City.

Owen Gutfreund, Trưởng Khoa Đô thị học của Trường Đại học Columbia, phân tích: “Kế hoạch của họ là cắt giảm sự phát triển của Mexico City thay vì đối mặt để giải quyết vấn đề”. Nhưng ông cũng cho rằng, điều này chưa phải là tồi tệ, so với một lựa chọn khác: để quả bóng dân số của thành phố phình nhanh hơn mức cơ sở hạ tầng có thể chịu đựng được.

Thượng Hải được Gutfreund nêu lên như là ví dụ về một thành phố lớn có các tư tưởng tiên tiến. Theo ông, chính quyền Thượng Hải đã nhanh chóng phát triển hệ thống giao thông công cộng và mạnh dạn phát triển không gian để xây nhà ở, trung tâm mua sắm... nhằm mở rộng kinh doanh.

Người Đô Thị - Theo Forbes