Top

Quản lý vùng đô thị Hà Nội: Tập trung hay tạm quyền

Cập nhật 15/09/2008 13:59

Giáo sư Phạm Hồng Thái, Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật (Học viện Hành chính Quốc gia) trao đổi với Người Đô Thị về những vấn đề đặt ra cho thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng gấp gần bốn lần hiện nay...

Có thể đặt cán bộ ở từng vùng?


* Lãnh đạo TP Hà Nội đánh giá “công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức khi hợp nhất với tỉnh Hà Tây sẽ có những khó khăn nhất định”. Theo ông, cần làm gì để giải quyết những khó khăn này, khi việc hợp nhất Hà Nội – Hà Tây chỉ còn là ngày một ngày hai, nếu Quốc hội sẽ quyết định vào cuối tháng 5 này?

- Theo tôi, Hà Nội vẫn phải sử dụng đội ngũ công chức của Hà Tây, cụ thể, cán bộ ở huyện, xã có thể giữ nguyên vị trí; bộ máy cấp tỉnh có ba phương án để giải quyết. Một là cán bộ còn trẻ, nếu không bố trí được vào khu vực nhà nước thì cho đi đào tạo lại nhưng vẫn trả lương theo ngạch bậc. Thứ hai, tùy theo năng lực, cán bộ có thể chuyển sang các khu vực doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân nếu thấy phù hợp.

Ba là, những người giữ chức giám đốc, phó giám đốc sở sẽ dôi ra, buộc các ngành của Hà Nội “mới” phải có công việc với các chức vụ tương xứng với họ. Những người này có thể làm cho số cán bộ lãnh đạo của Hà Nội tăng lên. Theo tôi, tình trạng này cũng giống như việc sáp nhập các bộ, có bộ có tới 6 - 7 thứ trưởng, không đưa họ đi đâu được, không bố trí được thì buộc phải đưa họ vào đó chứ không thể đưa ra khỏi bộ máy nhà nước.

* Nhưng phải phân công công việc như thế nào cho những phó giám đốc của các “siêu sở” này?

- Khi nhập Hà Tây vào Hà Nội thì tính chất lãnh thổ sẽ thay đổi, vậy có thể phân công công tác theo vùng, tức là có những người đặc trách trong một sở. Ví dụ như ở Sở Giao thông - Công chính sẽ đặt một cán bộ quản lý công việc này ở Hà Tây, không cần chuyển ra Hà Nội. Như vấn đề quản lý đất đai ở Hà Tây, bây giờ nếu đặt trụ sở ở Hà Nội thì sẽ không gần dân, dẫn tới quản lý lỏng lẻo.

Theo tôi, đây là cách duy nhất để giải quyết vấn đề của các cấp phó. Cái khó là chúng ta chọn mô hình quản lý nào. Nếu là quản lý tập trung thì tất cả cán bộ phải lên trụ sở trung tâm, còn nếu theo chế độ tạm quyền thì sẽ đặt họ tại các vùng.

Tuy nhiên, người ta cũng có thể lo là hôm nay tôi là giám đốc sở, mai tôi chỉ được làm phó. Cũng có thể có một số người lớn tuổi nghỉ sớm và được hưởng mọi chế độ của Nhà nước. Cũng phải nghĩ đến việc một giám đốc nay chỉ giữ chức phó giám đốc Nếu thế thì nên giữ lại lương và phụ cấp cũ của họ cho tới khi về hưu. Mà những thứ đó không đáng mấy cả, mỗi tháng giám đốc sở chỉ được 500 nghìn đồng phụ cấp chức vụ thôi.

* "Chỉ được làm cấp phó" là lo lắng có thật từ phía cán bộ Hà Tây. Theo ông, cán bộ Hà Nội có cần phải lo lắng tương tự không, bởi không chắc họ có thể hơn đồng nhiệm Hà Tây?

- Theo tôi, không nhất thiết cứ Hà Tây là chỉ làm cấp phó, còn Hà Nội đương nhiên làm cấp trưởng. Có thể nếu có một giám đốc sở ở Hà Tây có năng lực, quản lý công việc rất tốt trong khi anh ở Hà Nội chưa bằng thì vẫn phải chọn anh Hà Tây chứ.

Có cạnh tranh mới chọn được cán bộ giỏi

* Theo ông, làm thế nào để chọn được đúng cán bộ cho những vị trí phù hợp?

- Ở nhiều nước, để được lựa chọn, các ứng viên phải cạnh tranh. Chẳng hạn, họ phải đưa ra đề án để phát triển ngành mình quản lý. Nhưng chúng ta chưa có chuyện “thi làm lãnh đạo”. Tôi nghĩ tương lai phải có cái gì đó để cạnh tranh, chọn ra được người tài. Một điểm quan trọng là ai sẽ đánh giá đúng năng lực và đạo đức cán bộ để chọn cho chính xác. Ở châu Âu, người ta nói rất nhiều tới khách hàng của cơ quan nhà nước. Đó là công dân, các tổ chức hay cơ quan được hưởng các dịch vụ hành chính công. Thứ hai là đồng nghiệp có thể đánh giá. Thứ ba là cấp trên hay các tổ chức chính trị đánh giá. Càng có nhiều người đánh giá thì càng có nhiều khả năng chọn được cán bộ có năng lực chuyên môn và đạo đức.

Theo tôi, việc nhập hai tỉnh cũng giống như việc hợp nhất hai bộ, phải có lộ trình chứ không phải cứ Quốc hội quyết định xong là được. Công việc này phải kéo dài hàng năm. Phải xây dựng cả một hệ thống thể chế, sau đó mới tính đến việc sắp xếp con người.

Hà Nội: Tổng biên chế hành chính 2007, khối sở, ngành, quận, huyện: 5.751 người, trong đó 4. 721 biên chế công chức và công chức dự bị, 1.030 biên chế lao động hợp đồng. Biên chế sự nghiệp giao cho 2007: 48.831người. Số biên chế thực có đến tháng 10-2007: 44.503 người.

Hà Tây: Số liệu đến 31-12-2007: Trung ương giao 2.700 chỉ tiêu hành chính, thực có 2.584 chỉ tiêu, thiếu 116 người, do nghỉ hưu và chưa tuyển đủ.

Số chỉ tiêu sự nghiệp do HĐND quyết: 38.300 người, hiện có 34.800 chỉ tiêu, thiếu 3.500 chỉ tiêu do chưa tuyển được nhân viên trường học, y tế...

TP Thượng Hải (Trung Quốc):
Dân số: 22 triệu. Biên chế cán bô, nhân viên (gồm cả công an): 46.000 người.

TP Pusan (Hàn Quốc): Dân số: 4 triệu. Biên chế :16.000 người (kể cả lực lượng phòng cháy chữa cháy). Trong đó 9.800 công chức làm việc ở quận và 2.314 làm việc ở phường.
 

 

Người Đô Thị