Top

Vi phạm xây dựng ở cao ốc Pacific: Đủ yếu tố xử lý hình sự?

Cập nhật 23/01/2008 13:00

Ông Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, vừa ký văn bản báo cáo UBND TP về kết luận kiểm tra vụ xây dựng cao ốc Pacific làm sập tòa nhà Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (KHXHVNB) số 49 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 - TP.HCM vào tháng 10-2007.

Vẫn lén lút thi công

Qua kiểm tra hiện trường, kiểm tra hồ sơ pháp lý, hồ sơ quản lý chất lượng..., đoàn kiểm tra nhận định: Sự cố xảy ra có nguyên nhân từ các thiếu sót vi phạm của các đơn vị liên quan đến việc xây dựng cao ốc Pacific. Đặc biệt là việc xem thường pháp luật của chủ đầu tư (Công ty TNHH Bia Thái Bình Dương) trong thời gian dài, đồng thời cũng do các đơn vị chủ đầu tư, thi công (Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Thái Bình Dương) đã chủ quan, thi công không bảo đảm chất lượng, không tiên lượng được sự phức tạp của địa chất thủy văn khu vực xây dựng công trình.

Chưa hết, chủ đầu tư đã cố ý xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng (GPXD), cụ thể là ngay từ đầu, toàn bộ hồ sơ thiết kế thể hiện quy mô công trình lớn hơn nhiều so với GPXD. Công trình được xây đến 6 tầng hầm, thay vì 3 tầng hầm như trong giấy phép, nếu không có sự cố sập tòa nhà Viện KH XVNB, khi công trình được hoàn tất, diện tích xây dựng sai phép sẽ lên đến 19.245 m2.

Cũng qua kiểm tra hiện trường nhiều lần, đoàn kiểm tra phát hiện chủ đầu tư vẫn lén lút thi công sau khi công trình xảy ra sự cố. Cụ thể, tại sàn tầng hầm thứ 3 lúc xảy ra sự cố chỉ mới lắp đặt cốt thép, cốp pha, chưa đổ bê tông. Thế nhưng, khi kiểm tra hiện trường ngày 9/11/2007, Sở Xây dựng phát hiện các dầm tầng hầm này đã được đổ bê tông, mặc dù sau khi xảy ra sự cố, Sở Xây dựng đã có văn bản khuyến cáo và không chấp thuận cho chủ đầu tư được đổ bê tông.

Việc đổ bê tông khi công tác điều tra, kiểm tra đang tiến hành và cũng chưa có ý kiến chấp thuận của các cơ quan chức năng là vi phạm nghiêm trọng. Ngoài ra, việc đổ bê tông dầm cũng làm tăng tải trọng lên các cột cứng đang bị lệch tâm, có nguy cơ gây nguy hiểm cho công trình.

Thực tế tại công trường cho thấy, ngoài việc thi công không đúng GPXD được cấp, các phần thi công cũng không đúng cả bản vẽ thiết kế thi công (dù bản vẽ thi công không đúng theo GPXD)...

Sẽ khởi tố?

Đoàn kiểm tra khẳng định: “Các vi phạm phải được xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh tình trạng không tuân thủ pháp luật trong hoạt động xây dựng, ngăn ngừa các trường hợp tương tự xảy ra”. Theo đó, đoàn kiểm tra kiến nghị phạt các đơn vị liên quan với mức phạt... tột khung. Cụ thể, xử phạt chủ đầu tư ở mức 35,2 triệu đồng đối với các hành vi xây dựng sai phép, không đủ năng lực quản lý dự án, chọn nhà thầu không đủ năng lực.

Ngoài ra, chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí liên quan trong việc khắc phục sự cố đã xảy ra cũng như đối với các hư hỏng của những công trình khác, nhanh chóng lập các thủ tục để xây dựng mới trụ sở Viện KHXHVNB và sửa chữa, khắc phục các hư hỏng của trụ sở Sở Ngoại vụ...

Đối với đơn vị thi công, ngoài mức xử phạt tổng cộng là 62,2 triệu đồng, đoàn kiểm tra kiến nghị UBND TP chỉ đạo rút chức năng xây dựng dân dụng và công nghiệp trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Các đơn vị khác có liên quan đến sai phạm cũng sẽ bị xử phạt theo từng hành vi với tổng số tiền hơn 52 triệu đồng và các cá nhân liên quan bị ngưng hành nghề trong một thời gian.

Tuy nhiên, chiều 22-1, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã đề nghị Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan tạm ngưng thực hiện việc xử phạt hành chính đối với sai phạm của các đơn vị liên quan theo đề xuất của đoàn kiểm tra. Lý do được đưa ra là để chờ cơ quan điều tra xem xét, bởi vụ việc có thể sẽ chuyển theo hướng khởi tố vụ án để tiến hành điều tra xử lý hình sự đối với các đơn vị, cá nhân liên quan đến sai phạm.

Khác biệt giữa GPXD và bản vẽ thi công



(Nguồn: Sở Xây dựng)

Theo Người Lao Động