Top

Vụ sập cao ốc Pacific: Nhiều cơ quan quản lý vô trách nhiệm

Cập nhật 21/03/2008 14:00

Lật lại hồ sơ xây dựng cao ốc Pacific sẽ thấy hầu hết các hạng mục đã sai lệch hoàn toàn so với giấy phép

Ngày 19.3, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Ngô Duy Tân, giám đốc công ty TNHH bia Thái Bình Dương về tội “vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sập nhà ra... sai phạm

Theo sở Xây dựng, số tầng theo thiết kế của cao ốc Pacific đã tăng thêm 6 (gồm 3 tầng lầu và 3 tầng hầm) so với giấp phép xây dựng. Diện tích xây dựng trệt, tổng diện tích sàn, mật độ xây dựng… đều tăng vượt phép từ 11% đến 87%.

Các đơn vị tham gia xây dựng công trình (từ chủ đầu tư đến tư vấn, khảo sát, thi công…) đều có hàng loạt sai phạm. Chủ đầu tư không đủ năng lực, điều kiện tổ chức, quản lý công trình, lẫn lộn vai trò giữa chủ đầu tư và thi công... Tư vấn khảo sát (hai đơn vị) không có đề cương khảo sát, chủ nhiệm khảo sát không có chứng chỉ hành nghề.

Thi công (là công ty con của bia Pacific và một số doanh nghiệp khác) không đủ năng lực với quy mô công trình, không có chứng nhận đăng ký kinh doanh, hồ sơ năng lực. Đề cương thử tải của đơn vị thử tĩnh cọc không có xác nhận của tư vấn thiết kế… Tổng cộng, có 11/14 đơn vị tham gia xây dựng công trình đã vi phạm các quy định về xây dựng.

Với các tầng ngầm, trong hai lần khảo sát địa chất, không có đề cương, không đủ cơ sở phục vụ thiết kế vì khoan không đủ độ sâu, điểm khoan… khiến không đủ số liệu để tính lún, mạch nuớc ngầm, túi bùn.

Hai tổ giám sát tại cao ốc Pacific do đơn vị thi công tự thuê, không có báo cáo chi tiết giám sát, không có hợp đồng lao động. Thực chất, các tổ giám sát này là bộ phận giám sát của thi công, không phải của chủ đầu tư.

Quản lý nhà nước vô hiệu

Chưa đầy 19 tháng, từ 20.3.2006 cho đến khi xảy ra sự cố sập viện ngày 9.10.2007, có ít nhất tám cuộc thanh kiểm tra công trình cao ốc đang xây dựng. Lực lượng kiểm tra rất hùng hậu, từ UBND phường Bến Nghé, đội quản lý trật tự đô thị quận 1 cho đến thanh tra sở Xây dựng, phòng quản lý chất lượng (thuộc sở Xây dựng)…

Cũng trong thời gian này, các công văn, báo cáo của các cấp và chỉ đạo của UBND thành phố về xử lý cao ốc cũng lên số hàng chục, nhưng công trình sai phép vẫn được xây. Việc toà nhà của viện bị ảnh hưởng (nứt tường, lún sụt…) do thi công cao ốc Pacific, các cơ quan quản lý cũng đã biết từ cuối năm 2006, mức độ có thể sập toà nhà cũng đã được cảnh báo. Rộng hơn, tất cả các tòa cao ốc xung quanh công trình cao ốc Pacific (sở Ngoại vụ, cao ốc Yoco…) cũng đều được cảnh báo có khả năng bị lún nứt.

Trong báo cáo của sở Xây dựng sau khi viện bị sập, điều khó hiểu là các cơ quan quản lý (có trách nhiệm, quyền lực với toà cao ốc) cũng ra nhiều văn bản yêu cầu xử lý nghiêm chủ đầu tư nhưng quan trọng nhất là buộc chủ đầu tư phải làm đúng phép thì không ban ngành nào làm. Sở Xây dựng, cơ quan quản lý xây dựng lớn nhất thành phố lại ra văn bản theo hướng quy hết tội cho chủ đầu tư “nếu xảy ra sự cố cho công trình 49 Nguyễn Thị Minh Khai (viện), công ty bia Pacific chịu hoàn toàn trách nhiệm”.

Chính sự thiếu trách nhiệm như đã nói trên đã “góp công lớn” sập viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Thế nhưng trong kết luận vụ việc, sở Xây dựng lại “quên” mất trách nhiệm của mình mà đổ hết lỗi cho các đơn vị xây dựng tòa cao ốc.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị