Top

Hà Nội: Đập 65 chung cư còn tốt để xây mới?

Cập nhật 22/01/2008 17:00

Đời sống hàng vạn dân sẽ bị xáo trộn. Đa số các hộ dân tại nhà D2 khu Thanh Xuân Bắc không đồng ý việc di dời, bởi họ đang sinh sống khá yên ổn.

Năm 2008, Hà Nội sẽ cải tạo hàng loạt các chung cư cũ, xuống cấp, trong đó có khu Nguyễn Công Trứ, Kim Liên... Tuy nhiên, ngay cả những chung cư mới bàn giao chưa lâu cũng nằm trong diện cải tạo.

Ngày 4-8-2004, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã kiến nghị UBND TP Hà Nội cho đập bỏ toàn bộ các chung cư Thanh Xuân Bắc để xây dựng khu đô thị mới. Ngày 11-8-2004, ông Đỗ Hoàng Ân khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Công văn số 2837/UB-XDĐT đồng ý với đề nghị của Vinaconex. Thế là dự án xây mới khu Thanh Xuân Bắc của Vinaconex được khởi động từ năm 2004.

Mọi chuyện bắt đầu xôn xao khi hàng vạn dân tại 65 khu nhà ở Thanh Xuân Bắc vừa hay tin các tòa chung cư này sắp bị... đập! Ông Nguyễn Xuân Nam (phòng 103-A11, khu Thanh Xuân Bắc) là kỹ sư xây dựng từng công tác tại Bộ Xây dựng.

Ông cho biết năm 1980, các tòa nhà chung cư ở Thanh Xuân Bắc lần lượt được khởi công. Những tòa nhà hoàn thành đợt đầu vào các năm 1983 đến năm 1985 như nhà B7, B6. Nhiều nhà hoàn thành muộn hơn như nhà B8B đến năm 1999 mới xong. Tính đến nay, khu Thanh Xuân Bắc có khoảng 65 tòa nhà chung cư năm tầng, trên diện tích 30 ha.

Theo tiêu chuẩn nhà do Bộ Xây dựng, tòa nhà chung cư hoàn thành sớm nhất mới sử dụng được xấp xỉ 24 năm, tòa nhà xây muộn nhất mới có người ở khoảng hơn chục năm. Ông Nam cho rằng việc đập bỏ khu chung cư còn khá tốt này để xây dựng một khu đô thị mới là quá lãng phí. Mặt khác, dự án này còn liên quan trực tiếp đến cuộc sống của gần hàng vạn dân với 3.000 hộ dân đang sinh sống trong các tòa nhà này, nếu tính toán không cẩn thận sẽ gây ra sự xáo trộn lớn cho đời sống người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Nam lấy từ tập hồ sơ được bảo quản khá cẩn thận ra quyết định phân nhà (phòng 106-D2) của cơ quan ghi rõ năm giao nhà là 1993, kèm theo “giấy đỏ” cùng bản hợp đồng mua nhà thuộc sở hữu nhà nước vào đầu năm 2003.

Theo hợp đồng, căn hộ của ông Nam thuộc loại nhà chung cư năm tầng, dạng nhà cấp hai có niên hạn sử dụng 50 năm. Hợp đồng mua nhà ghi rõ tại thời điểm mua nhà năm 2003, tỷ lệ chất lượng căn hộ còn 85%. “Tính đến giờ, gia đình tôi và những hộ dân thuộc nhà D2 mới sống ở đây chưa đầy 15 năm. Còn những 35 năm nữa tòa nhà này mới hết niên hạn sử dụng. Hiện tại tòa nhà này cũng không bị hư hại hay lún nứt gì, không hiểu sao người ta lại nói sẽ đập bỏ đi xây dựng khu đô thị mới ở đây!”- ông Nam than thở.

Ông Hoàng Duy Kiên, tổ trưởng tổ dân phố nhà D2, cho biết đa phần các hộ dân tại nhà D2 không đồng ý việc di dời bởi họ đang sống khá yên ổn tại đây. “Nhiều hộ dân cho hay ngôi nhà họ ở còn khá tốt, mới được hơn chục năm vậy thì làm sao phải đập đi xây lại. Trong khi đó, nhiều khu chung cư khác của TP xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nay thì không thấy đả động sửa sang gì!” - ông Kiên nói.

Theo Pháp Luật TP.HCM