Thị trường địa ốc năm nay được dự báo sẽ nối tiếp mạch suy giảm của năm 2008 và có xu hướng thiết lập mặt bằng giá mềm hơn nhằm kích cầu một cách hiệu quả.
Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản điện lực Sài Gòn Vina Võ Đình Quốc khẳng định địa ốc năm Kỷ Sửu là thời kỳ doanh nghiệp thuyết phục khách hàng với mặt bằng giá mới, hợp lý hơn trước đây. Từ đó bất động sản sẽ tiến dần vào quỹ đạo ổn định vì mọi đối tượng tham gia vào thị trường này đã có thời gian làm quen với những trở ngại trong năm 2008.
Cái khó hiện nay, theo chuyên gia Quốc, thị trường Việt Nam không có quy luật và hoạt động chủ yếu dựa trên yếu tố niềm tin làm chủ đạo. Thị trường mắc căn bệnh trầm kha là bị nhiễu thông tin trong quãng thời gian dài, từ lúc sốt đất cho đến khi giảm giá, các thông tin trái chiều như vậy thực giả lẫn lộn khiến lòng tin bị suy giảm nghiêm trọng. Hậu quả là khách hàng sẽ đắn đo, chần chừ, thậm chí là bỏ tất cả các giao dịch trong kế hoạch.
Chính vì vậy, chuyên gia này khuyên giới kinh doanh bất động sản cần xây dựng và củng cố niềm tin vững chắc cho khách hàng và nhà đầu tư. Giải pháp tốt nhất là đưa ra khung giá bán đủ sức thuyết phục khách hàng, làm sao khiến họ tin rằng mình bán mức giá hợp lý và sẵn sàng mua mà không hoài nghi. Giá bán là yếu tố nằm trong chiến lược kinh doanh nên sức ảnh hưởng của nó rất lớn.
Khẳng định năm 2009 là thời cơ cho các doanh nghiệp địa ốc có tầm nhìn trung và dài hạn đẩy mạnh triển khai dự án khả thi và tung sản phẩm, ông Quốc dự báo thêm về cuộc sàng lọc mạnh mẽ sẽ là liều thuốc đắng nhưng dã tật cho thị trường nhà đất. Theo đó, những đơn vị trụ lại sau cơn bão suy giảm sẽ vùng dậy, mạnh dạn triển khai các chiến lược kinh doanh riêng vào giữa cuối năm Kỷ Sửu.
Điểm lại 2 năm gia nhập WTO với sắc thái ngược nhau: tăng trưởng trong ngắn hạn năm 2007 và đột ngột suy giảm trong năm 2008, Phó tổng giám đốc Công ty bất động sản Hoàng Quân Trương Thái Sơn dự báo thị trường vẫn tiếp tục giảm trong năm Kỷ Sửu.
Quan điểm của ông Sơn, phân khúc nhà ở vẫn tiếp đà suy giảm vì còn nhiều dự án dang dở, thiếu vốn, mất khách. Đặc biệt giá nhà đất ở các dự án bị trì trệ sẽ giảm mạnh. Riêng phân khúc khác như: cao ốc văn phòng, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ và khu du lịch nghỉ dưỡng vẫn trụ lại được tuy cũng có chút ít khó khăn.
Vẫn hướng đến cái nhìn lạc quan, ông Sơn phân tích, giá nhà ở dù tiếp tục suy giảm nhưng vẫn có nhiều cơ hội bứt phá, đặc biệt dòng sản phẩm nhà ở cho người có thu nhập ổn định từ trung bình có đến 60% tiềm năng vượt mặt nhà ở cao cấp. Trong khi đó nhà ở cao cấp chỉ có khả năng tăng trưởng nhẹ chừng 15% chủ yếu phục vụ người nước ngoài, Việt kiều và phục vụ nhân sự cao cấp làm việc trong ngành bán lẻ đang rộng mở.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Hoàng Quân nhấn mạnh, ngay cả khi chủ đầu tư tỏ thiện chí cân nhắc và điều chỉnh giá bán hợp lý hơn nhưng thiếu các chính sách hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp thì đầu ra vẫn bế tắc. "Giá cả dù hợp lý đến đâu nhưng tính thanh khoản của nhà đất còn hạn chế thì thị trường rất khó phục hồi", ông Sơn nói.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đề cập thẳng đến giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản trong năm 2009. Theo đó, giải pháp lâu dài là nỗ lực tạo nguồn vốn đa dạng và ổn định. Ông đề xuất Chính phủ xây dựng khung pháp lý về phát hành trái phiếu dự án để cách huy động vốn này thuyết phục được nhà đầu tư, tạo tính thanh khoản cho trái phiếu. Ông Hiển cũng đề cập đến việc thành lập các quỹ đầu tư bất động sản để có nguồn vốn lớn và dài hạn như cách thế giới thường làm trong khi Việt Nam lại rất "đuối" trong việc hút vốn kiểu này.
Nhận định của ông Hiển, các ngân hàng thương mại nên căn cứ vào tính khả thi để xét ưu tiên dự án có thể ra sản phẩm trong năm 2009-2010. Chính sách tín dụng cho những căn hộ có giá trị dưới 1.000 USD mỗi m2 và ưu tiên phục vụ khách hàng có nhu cầu mua để ở cần được áp dụng ngay. "Nhiều nhà đầu tư hy vọng giá bất động sản đã giảm mạnh trong năm 2008 nên sẽ tăng trở lại trong năm 2009 là hoang tưởng", ông phản đối.
Với kinh nghiệm từng lăn lộn nhiều năm trong ngành tài chính, bất động sản, chuyên gia kinh tế này điểm lại 3 lần sốt đất tại Việt Nam. Lần đầu tiên từ năm 1993-1995 cơn sốt này được đánh dấu bằng cột mốc Luật Đất đai 1993. Lần thứ hai từ tháng 4/2000-4/2002 khi nhà nước chuyển sang cơ chế xóa bỏ bao cấp về đất đai. Lần tăng nhiệt thứ ba của thị trường bất động sản là vào cuối năm 2007, có sự tiếp sức rất lớn của nguồn cung tín dụng ngân hàng. Điều này khiến giá bất động sản được đẩy lên cực mạnh tạo siêu lợi nhuận cho nhiều nhà đầu tư.
Chuyên gia Hiển chốt lại rằng, với chu kỳ ngắn hạn thị trường địa ốc trong năm 2009 sẽ vẫn bao trùm sự suy giảm để thiết lập mặt bằng giá mới chứ chưa thể lấy đà tăng trưởng ngay.
Nhiều chuyên gia còn dự báo thêm, khung giá đất mới ở khắp các tỉnh thành áp dụng vào ngày 1/1/2009 tăng lên sẽ kéo theo các nghĩa vụ tài chính nhích lên, chi phí cho đất đai ảnh hưởng đến chi phí dự án nên chắc chắn đầu vào của các công trình trong tương lai sẽ đắt đỏ và khó khăn hơn.
Tuy bức tranh vẫn còn nhiều gam màu ảm đạm, giới kinh doanh địa ốc tỏ ra bình thản với cuộc sàng lọc sắp tới vì tin rằng trải qua trận "lửa thử vàng" này những ai trụ lại được sẽ đi vào quỹ đạo ổn định và phát triển bền vững hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: