Top

8,65 tỷ USD vốn FDI vào TPHCM trong năm 2008: “Quả ngọt” đầu mùa!

Cập nhật 01/01/2009 15:43

Năm 2008 – năm khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới gặp khó khăn, thế nhưng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào TPHCM (kể cả tăng vốn) đạt đến 8,65 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm trước. Đó không chỉ là con số vượt bậc về vốn mà quan trọng hơn là vốn đầu tư đúng theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà TP đề ra. Những thành quả kinh tế của TP đã được các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, đánh giá cao.

“Mũi tàu” đã chuyển đúng hướng

Trong số dự án FDI đầu tư vào TP 20 năm qua (1988- 2008), có hơn 3.100 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 25,5 tỷ USD, nhưng riêng năm 2008 đã chiếm hơn 8 tỷ USD. “Điều quan trọng không phải là con số vốn đăng ký lớn mà chính ở chỗ là đầu tư đúng hướng thương mại- dịch vụ mà TP đã đề ra. Cụ thể, số dự án kinh doanh bất động sản là 786 dự án (chiếm 25% tổng số dự án) với vốn đầu tư 6,9 tỷ USD (chiếm 27% tổng vốn). Số dự án dịch vụ đạt cao hơn, đến 921 dự án (chiếm 29%) với số vốn 11 tỷ USD (chiếm 43%)”.

Giám đốc Sở KH-ĐT Thái Văn Rê nói. Nếu trước đây, quy mô đầu tư nhỏ (dưới 1 triệu USD/dự án) chiếm đến 61%, từ 1- 10 triệu USD chiếm gần 30%, chỉ 9% dự án còn lại có vốn đầu tư trên 10 triệu USD; thì trong năm 2008, nhiều dự án lớn đã được đăng ký. Và trước tình hình các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào bất động sản (năm 2007), đẩy thị trường tăng giá ảo, nhả lại gánh nặng ô nhiễm môi trường và ngập nước… cho TP thì năm 2008, “mũi tàu” đã được lái đúng hướng.

TP đã xúc tiến, kêu gọi được nhiều đầu tư vào phát triển khoa học, công nghệ kỹ thuật cao và giáo dục y tế. Thu hút được các dự án lớn như: khu đô thị Đại học quốc tế (3,5 tỷ USD), Công viên phần mềm Teco (1,2 tỷ USD), Khu y tế kỹ thuật cao (400 triệu USD)…

Nhìn lại chặng đường đã qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín khẳng định, các dự án FDI đã nâng cao đời sống người dân như phát triển hạ tầng kỹ thuật ở các khu chế xuất, giải phóng mặt bằng xây dựng cầu đường làm biến đổi 3.500 ha đất nông nghiệp hoang hóa, nhiễm mặn, nhiễm phèn, năng suất thấp thành đất công nghiệp có điện, nước, đường sá… đóng góp to lớn cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa TP.

Các trường học quốc tế, các bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài đã được xây dựng. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng giá trị xuất khẩu toàn TP tăng từ 10,3% (năm 1995) lên hơn 27% (năm 2007- 2008) góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng GDP của TP.

Năm 2009: Tự tin trước những thách thức

Nhiều dự báo cho rằng năm 2009 sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức bởi suy thoái kinh tế lan rộng ở nhiều nước và tất yếu sẽ làm cho tốc độ đầu tư chậm lại. Thế nhưng, nỗ lực không ngừng của TP trong kinh tế, xây dựng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư ở một số ngành trọng điểm, cộng hưởng những kết quả trong cải cách hành chính, liên thông “3 trong 1” trong thủ tục cấp phép (cấp cùng lúc giấy phép, mã số thuế, con dấu).

Nếu trước đây nhà đầu tư phải “gõ cửa” nhiều sở ngành, thậm chí lên cả Trung ương để xin thành lập dự án, cấp phép đầu tư thì nay các thủ tục đó UBNDTP giao Sở KH-ĐT làm đầu mối “một cửa” từ nhận hồ sơ đến khi hoàn thành thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp. Bằng nhiều mô hình giới thiệu, xúc tiến đầu tư, TP đã thực hiện cấp hàng ngàn thẻ thông hành ưu tiên cho các nhà đầu tư để họ được đón chào từ cửa sân bay Tân Sơn Nhất khi vào TPHCM.

Do vậy, dẫu khó khăn, TP vẫn tận dụng thời cơ để vượt qua thách thức. Tính đến nay, tốc độ giải ngân vốn FDI của TP được gần 10 tỷ USD, chiếm 37% vốn đăng ký. Trước tình hình giá vật liệu xây dựng giảm, TP sẽ kích thích những dự án hạ tầng đô thị, xây dựng đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Giám đốc Sở KH-ĐT Thái Văn Rê tự tin nói: Năm 2009, con số vốn FDI vào TP sẽ không suy giảm.

Chỉ riêng dự án bán đảo Thanh Đa đã thu hút hơn 5 tỷ USD. Dự án 164 Đồng Khởi cũng sẽ thu hút hơn 2 tỷ USD. Hiện nay có hơn 70 nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ xin đấu thầu khu đất này. Và với mô hình đấu thầu thí điểm mà TP đã thực hiện ở 2 khu đất vàng, số tiền thu được từ các doanh nghiệp trúng thầu hỗ trợ cho ngân sách TP là hơn 2.000 tỷ đồng thì khi áp dụng vào những dự án mới sẽ thu cho ngân sách TP một số tiền không nhỏ. Đó là số tiền mà TP bổ sung vào nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đô thị.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng