Ngày 10.12.2008 HĐNDTP Hà Nội đã chính thức ra Nghị quyết về số phận gần 1.000 ngôi biệt thự cổ Hà Nội. UBNDTP sẽ chỉ giữ lại 173 căn biệt thự có diện tích lớn hơn 500m2, số còn lại đều được đem... bán. Đây là một nghị quyết mà nếu không được kiểm soát tốt thì rất có thể là sự cáo chung cho số phận một không gian biệt thự cổ Hà Nội.
Hoài niệm một Paris trong lòng Hà Nội
Cuối thế kỷ thứ 19, trong quá trình đô hộ thực dân, người Pháp với mục đích chiếm giữ lâu dài nên đã cho xây dựng và phát triển Hà Nội như một "Paris thu nhỏ". Chính vì thế các kiến trúc sư người Pháp đã quy hoạch Hà Nội với hệ thống đường sá, nhà cửa, công sở, trại lính... của các quan lại trong bộ máy cai trị bằng các phân khu hết sức khoa học.
Trong hệ thống nhà cửa đó không thể không nói đến quần thể nhà biệt thự mang kiến trúc đặc trưng Pháp. Một quần thể biệt thự mà nói như KTS Hồ Thiệu Trị thì: "Dù ở Châu Phi, ở các nước Đông Dương khác hay bất kỳ một quốc gia thuộc địa nào của Pháp cũng không thể có được cụm kiến trúc đặc sắc này giống như ở Hà Nội".
Nhận xét này của KTS Hồ Thiệu Trị hoàn toàn có lý, bởi quanh khu trung tâm đầu não Ba Đình lối kiến trúc biệt thự mang dáng dấp đặc trưng của miền Bắc nước Pháp với mái nhà cao nhưng khá dốc. Lui về phía nam, quanh khu vực hồ Gươm, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Nguyễn Du,... nhà biệt thự lại được xây theo phong cách kiến trúc miền Nam Pháp với mái nhà ít dốc hơn. Mỗi căn biệt thự lại có một nét đặc trưng riêng, không lẫn với những căn nhà khác và mang đậm dấu ấn của người sử dụng.
Ví dụ như căn biệt thự số 46 Trần Hưng Đạo (nay là NXB Thế Giới) vốn là của một sĩ quan hải quân nên căn nhà được thiết kế giống như một con tàu với những ô cửa sổ có các khung gạch dày nhô hẳn ra phía trước hệt như khung cửa trên các boong tàu đang hướng ra đại dương. Cầu thang cũng uốn lượn từ sân dẫn lên phòng khách tầng hai giống như cầu thang từ boong tàu bước lên buồng lái. Chiếc lan can cao rộng ghép bằng các thanh sắt thẳng đứng giống như tay vịn cầu thang tàu biển. Cách bố trí các phòng ở biệt thự này cũng lấy cảm hứng từ những căn phòng trên chiếc tàu biển, vì thế càng ngắm nhìn, căn biệt thự càng gợi cho người ta nhớ đến biển khơi.
Cuối đường Trần Hưng Đạo hay như ngôi biệt thự số 1 Đặng Tất lại có dáng dấp của một pháo đài với một lối vào rất hẹp. Trên tầng 2 có những ô cửa sổ trông như những lỗ châu mai. Dù vậy nhưng nhìn tổng thể căn nhà vẫn toát lên vẻ đẹp một cách uy nghi, sang trọng...
Hệ thống nhà biệt thự, với những công trình kiến trúc khác như cầu Long Biên, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử... đã tạo nên một mảng không gian kiến trúc đặc trưng của Hà Nội vừa sang trọng, vừa lịch thiệp nhưng không kém phần uy nghi, trầm mặc.
Bên cạnh biệt thự 76 Ngô Quyền (trái) thuộc quyền quản lý của nhà
nước, được sửa nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ, biệt thự 74 Ngô
Quyền giờ đã bị biến thành một ngân hàng có kiến trúc chắp vá.
Di sản đang bị đập phá
Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, vào khoảng cuối những năm 1980 đầu 1990 Hà Nội có khoảng hơn 2.000 ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp và Châu Âu., nhưng đến năm 2008 thì chỉ còn chưa đến 1.000 căn.
Những ngôi biệt thự này hiện nay được chia làm 3 loại: Một là được sử dụng làm trụ sở các cơ quan, đại sứ quán các nước. Hai là làm tư gia cho các vị lãnh đạo cao cấp. Số nhiều nhất còn lại do người dân tự quản. Đối với hai loại trên thì kiến trúc Pháp cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn về mặt kiến trúc. Nhưng điều đáng nói nhất là những biệt thự do dân tự quản.
Sau khi giải phóng Thủ đô năm 1954, hầu hết các chủ cũ của những ngôi biệt thự cổ trở về Pháp hoặc di cư vào Nam. Tất cả các cán bộ cao cấp, các văn nghệ sĩ, người có công với cách mạng từ chiến khu trở về, các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc... đều được sắp xếp vào ở, làm việc trong những ngôi biệt thự bỏ hoang. Người có tiêu chuẩn cao thì được ở một mình một nhà; những người tiêu chuẩn thấp hơn thì vài ba gia đình cùng chung nhau một ngôi biệt thự, dùng chung sân, bếp, vệ sinh...
Cuộc sống chung sau một thời gian bắt đầu nảy sinh bất tiện, thế là họ xây tường, ngăn vách, biến ngôi biệt thự thành các chung cư. Theo thời gian, các gia đình sinh con đẻ cái, người ta tận dụng từng mét vuông đất để cơi nới, thế là hàng loạt "chuồng cọp" mọc ra từ các ô cửa sổ, những mảnh sân vườn biến thành nhà cao tầng.
Chả nói đâu xa, ngay ngôi biệt thự hiện được sử dụng làm trụ sở Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam số 59 Lý Thái Tổ trong vài năm gần đây cũng đã mọc ngay trong khuôn viên một căn nhà cao tầng che lấp hết cả không gian thoáng đãng của biệt thự. Chính vì cái việc nhà nhà đua nhau xây dựng một cách hết sức tuỳ tiện, vô lối nên đã biến những ngôi biệt thự đẹp đẽ là thế bỗng thành một thứ kiến trúc chắp vá, chẳng khác nào một mớ mạng nhện bám trên một que củi.
Còn những cư dân sống "chung cư" trong những biệt thự cơi nới này thì sao? Phải nói là họ đang sống trong một không gian vô cùng tối tăm và chật hẹp đối lập hẳn với sự sang trọng, bề thế vốn có của biệt thự.
Một con số thống kê của UBNDTP Hà Nội trong cuộc họp HĐNDTP ngày 10.12.2008 cho thấy: TP Hà Nội hiện có 970 biệt thự với 3.900 hộ dân và hơn 6.000 người đang sinh sống trong những căn nhà đó. Kết quả đợt kiểm tra, rà soát biệt thự cho thấy số lượng biệt thự còn nguyên trạng chỉ chiếm tỉ lệ 15%, còn lại là đã bị cải tạo, sửa chữa, biến dạng nhiều trong quá trình sử dụng. Số biệt thự có từ 1-2 hộ sinh sống chỉ chiếm tỉ lệ 5%, có từ 5-10 hộ sống chiếm 50%, có từ 10-15 hộ chiếm 40%, cá biệt nhà biệt thự ở số 8 Tăng Bạt Hổ, 128C Đại La có tới 35-50 hộ dân đang chen chúc nhau sinh sống...
Cho rằng rất nhiều biệt thự đang xuống cấp, phá vỡ cảnh quan chung; ở những biệt thự nhiều chủ thì nhiều hộ dân chỉ ở trong căn phòng 10-20m2, trong khi đó họ không được phép bán, không được cấp sổ đỏ, HĐNDTP đã "quyết": chỉ giữ lại 173 biệt thự có diện tích trên 500m2 còn số còn lại là 634 ngôi bán tất cho các hộ dân theo nghị định 61 CP.
Việc bán những biệt thự này đã đem về cho ngân sách thành phố số tiền 1.200 tỉ đồng nhưng đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của không ít đại biểu. Những người phản đối cho rằng việc bán hết những ngôi biệt thự này sẽ khiến Hà Nội mất đi một di sản văn hoá không bao giờ lấy lại được.
Để việc "bán" này nhanh chóng được thông qua, người ta đã "thòng" một câu: "việc các hộ được mua biệt thự khi cải tạo, sửa chữa, xây dựng phải được sự cho phép của cơ quan chức năng và tôn trọng kiến trúc cũ".
Thế nhưng trên thực tế, khi tài sản đã nằm hợp pháp trong tay người dân, chẳng mấy người trong số những chủ mới của căn nhà biết đến "kiến trúc cũ" là gì, và thế là họ thi nhau đập phá biệt thự cũ, xây mới không theo một lối kiến trúc nào.
Và sự cáo chung cho cả một không gian biệt thự cổ Hà Nội đã bắt đầu.
>"Bán biệt thự nhưng phải quản lý chặt"
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: