Top

Biệt thự cổ: Tài sản hay gạch vụn?

Cập nhật 31/07/2014 13:04

Các biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp trên địa bàn TP Hà Nội được giới chuyên môn nhận định là tài sản có giá trị lớn về mặt kinh tế-xã hội, tuy nhiên, trên thực tế, không ít tài sản này đang dần biến thành gạch vụn.

Cũ nát, nhếch nhác

Thống kê của UBND TP Hà Nội cho thấy, hiện nay quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP còn khoảng 1.253 biệt thự . Trong đó, theo phân loại có đến 312 biệt thự là các công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn giá trị về kiến trúc, các biệt thự xây dựng sau năm 1954, các biêt thự đã bị phá dỡ trước khi có Nghị quyết 18. Trong 312 biệt thự được liệt vào dạng đã bị biến dạng này, có không ít biệt thự được đánh giá đẹp nằm trên những con phố lớn như Hoàng Hoa Thám, Triệu Việt Vương, Tăng Bạt Hổ… khiến không ít người xót xa.

Trên thực tế, từ vài năm nay tình trạng biệt thự cổ xuống cấp, biến dạng hay bị cơi nới, xây thêm không quá hiếm. Ở nhiều ngôi biệt thự cổ, người dân vì nhu cầu sinh hoạt đã phải sửa chữa, phá một phần hoặc phá đi xây lại các ngôi biệt thự này khiến tình trạng xuống cấp ngày càng nhanh chóng, các đường nét kiến trúc cũng hoàn toàn bị phá hủy.

Biệt thự ở số 8 Tăng Bạt Hổ gần như chỉ còn cái xác, hơn 10 hộ gia đình mang tiếng là ở biệt thự nhưng phải sống trong một không gian chật chội, nhếch nhác, cũ nát. Biệt thự Pháp cổ ngay ngã tư Bà Triệu - Trần Quốc Toản bị bao vây bởi hệ thống dây điện chằng chịt, hàng quán nhếch nhác dưới chân. Còn trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, một trong những con phố có nhiều biệt thự cổ, đa phần tầng 1 những ngôi nhà này đã bị sửa chữa thành quán cà phê, quán ăn và nhiều người dân cũng đang chờ đến thời điểm được phép để đập đi xây mới.

Quản lý cho có?

Mâu thuẫn giữa việc đảm bảo chỗ sống cho người dân và việc bảo tồn các biệt thự cổ đã trở nên gay gắt từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, cho đến nay Hà Nội vẫn chưa tìm được lối thoát. TP từng cho phép người dân đang ở trong các khu biệt thự đã xuống cấp di dời để cải tạo, sửa chữa biệt thự sẽ được ưu đãi mua nhà ở xã hội, tuy nhiên cho đến nay công tác này vẫn dậm chân tại chỗ. Hoặc đối với những ngôi biệt thự chung sở hữu, TP cũng chưa tìm ra được biện pháp hữu hiệu để xử lý, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Sự thờ ơ, nửa vời của Hà Nội trong quản lý biệt thự cổ cũng gây nhiều bức xúc cho các chuyên gia về đô thị. Ngay cả những con số thống kê tưởng chừng cụ thể TP đưa ra cũng không hoàn toàn chính xác. Điển hình là nhiều biệt thự đã bị người dân tự ý đập bỏ, xây mới, cơi nới, phá hủy kiến trúc ban đầu nhưng chính quyền hoàn toàn không biết, hoặc có những biệt thự đang rất chắc chắn lại bị liệt vào diện bị xuống cấp nghiêm trọng.

Thí dụ, các ngôi biệt thự 52 Ngũ Xá, 333 Hoàng Hoa Thám, 38 Hoàng Hoa Thám… đều còn rất nguyên vẹn nhưng lại bị đánh giá “biến dạng hoàn toàn”. Những phản ứng này đã khiến giữa tháng 7 vừa qua UBND TP phải yêu cầu Thanh tra, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng kết hợp thanh tra lại 312 biệt thự này, nhằm làm rõ đúng sai, nguyên nhân và trách nhiệm của từng bên liên quan.

Nhiều biệt thự cổ Hà Nội đang xuống cấp trầm trọng. Ảnh: H. TRÂM

Động thái mất bò mới lo làm chuồng này đã phần nào phản ánh tình trạng lơ là của các cơ quan chức năng đối với loại hình nhà ở có giá trị cao về mặt kinh tế và có ý nghĩa đặc biệt về mặt kiến trúc, lịch sử.

Theo ông Phạm Hoài Nam, Trưởng ban pháp chế HĐND TP Hà Nội, đã có sự buông lỏng trong quản lý nhà biệt thự. Vì nếu không có bao che, dung túng, thậm chí có sự dối trá của cơ quan quản lý, không có nhiều biệt thự xuống cấp như hiện nay. Còn theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm, sẽ đến lúc Hà Nội không còn biệt thự cổ nữa bởi lẽ người dân, nếu so với nhu cầu sinh hoạt bức thiết, những giá trị về lịch sử và kiến trúc trở nên mơ hồ, kém quý giá hơn nhiều.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư