Trao đổi với phóng viên LĐ, ông Nguyễn Trực Luyện - Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN - cho rằng, "nếu không quản lý tốt, không gian biệt thự cổ HN sẽ sớm bị khai tử".
Ông nói:
- Có thể ví von rằng đô thị như là cơ thể của con người. Trong đó, cốt cách, vóc dáng của "con người" đó được quyết định bởi các khu vực liên kết với nhau bằng hệ thống các đường giao thông. Còn các công trình kiến trúc như các công trình xây dựng công cộng và hệ thống nhà ở chính là da thịt, tạo nên hình hài, diện mạo của đô thị đó. Vẻ đẹp của đô thị, do đó, được định hình bởi chính vẻ bề ngoài của các công trình kiến trúc.
Trong suốt gần một thế kỷ cai quản, người Pháp đã tạo ra một nét diện mạo đô thị vô cùng độc đáo cho HN, đậm nét kiến trúc Pháp nhưng vẫn mang hơi thở truyền thống Á Đông. Sánh vai với những công trình công cộng như Ngân hàng Nhà nước, Bảo tàng Lịch sử... , những ngôi biệt thự cổ đã trở thành di sản đô thị, chứ không đơn thuần chỉ là nơi người ở.
* Theo ông, Nghị quyết bán toàn bộ những biệt thự cổ HN có diện tích dưới 500m2 cho người dân của HĐNDTP Hà Nội có tác động tới số phận của không gian biệt thự cổ HN như thế nào?
- Cách quản lý lỏng lẻo hiện nay đang góp phần làm mất không gian biệt thự cổ HN và xoá bỏ dần vẻ đẹp kiến trúc đặc sắc của HN. Chẳng mấy chốc, HN sẽ trở nên vô hồn với những thứ kiến trúc chắp vá, lổn nhổn và dị hợm. Hiện vẫn có thể cứu vãn được tình thế nếu chúng ta có được những nghiên cứu mang tính tổng thể và cụ thể về giá trị di sản của những công trình kiến trúc Pháp cổ, vận dụng kết quả để đưa ra được kế hoạch tu sửa và giải toả từng bước những hộ gia đình sống trong các công trình đó.
Đã có rất nhiều hội thảo bàn về giá trị văn hoá của kiến trúc Pháp cổ tại HN được tổ chức nhưng thực sự, chúng ta mới chỉ dừng ở mức nói chứ chưa làm. Cần phải vạch ra được những quy định cụ thể, rõ ràng về bảo tồn, sửa sang, xây dựng và thực hiện một cách thực sự nghiêm túc.
Theo tôi, những biệt thự cổ cần phải được quản lý đặc biệt, nhằm đảm bảo sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, chứ không chỉ dừng ở mức phường, quận như hiện nay. Tránh tình trạng không nhận thức được hoặc bỏ sót giá trị văn hoá của những ngôi nhà này, cần ra đời một đơn vị chuyên sâu, đủ năng lực, chuyên môn về xây dựng, kiến trúc, văn hoá và thực sự công tâm để làm công tác xét duyệt cấp phép xây dựng, sửa chữa liên quan tới các biệt thự cổ và kiểm tra sít sao quá trình thực hiện của người dân.
Nghị quyết bán biệt thự Pháp cổ cho người dân của HĐNDTP Hà Nội là cần thiết. Bởi vì, nếu giữ lại, Nhà nước không có đủ năng lực và kinh phí để duy tu các công trình đó. Nhưng bán xong rồi buông tay quản lý hoặc quản lý kiểu dựa theo các quy định chung chung thì chắc chắn sớm muộn, không gian biệt thự cổ HN sẽ bị khai tử. Cần phải những quy định chặt chẽ về mặt bảo tồn, đi kèm các ưu đãi cần thiết đối với người mua nhà cổ và thực hiện nghiêm khắc những điều đó. Phải ý thức được rằng kiến trúc là một thứ di sản văn hoá một khi đã mất đi thì vĩnh viễn không bao giờ lấy lại được.
* Xin cảm ơn ông.
GS Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội KTS VN: Phải duy trì cả tổng thể quỹ kiến trúc Pháp cổ
Sự có mặt của hàng trăm nhà biệt thự Pháp cổ đã biến các thành phố lớn như HN, TPHCM và Đà Lạt trở thành các bảo tàng hải ngoại của kiến trúc Pháp giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Chúng tạo ra một quỹ kiến trúc độc đáo, mang lại vẻ đẹp và chất thị thành cho các thành phố, nơi mà diện mạo kiến trúc khá lam lũ.
Theo tôi, hai hương sắc tạo nên cái duyên cho HN ngàn năm văn hiến từ xưa đến nay chính là khu phố cổ 36 phố phường và quỹ kiến trúc các công trình Pháp cổ, trong đó phải kể đến quần thể biệt thự.
Thực sự, sau kiến trúc Pháp, chúng ta chưa tạo ra hay có được một nền kiến trúc nào đẹp hơn. Hơn nữa, với nhiều biệt thự Pháp cổ tuổi đời hơn 100, 200 năm (hiếm có nhà nào của kiến trúc cổ VN có tuổi đời lâu như vậy), quần thể kiến trúc này có giá trị lịch sử rất lớn.
Vì vậy, chúng ta phải duy trì quỹ công trình này. Sự duy trì đó không thể hiện ở mức độ đơn chiếc mà phải cả ở mức độ tổng thể cảnh quan mà chúng tồn tại. Hiện nay, chỉ còn có khu Ba Đình (Hà Nội) còn giữ được nguyên vẹn như xưa, còn khu kiến trúc Pháp cổ tại phía nam hồ Gươm đã bị phá vỡ hoàn toàn bởi các công trình xây dựng to lớn xung quanh. Bên cạnh đó, khá nhiều khu biệt thự bị biến thành chung cư hay cơi nới một cách vô tội vạ, trở thành những dị thể ứ tồn cho kiến trúc thành phố.
Để không mất đi những "viên ngọc quý giá" này, chính quyền phải thực sự biết coi trọng, phải kiểm kê, đánh giá giá trị của tất cả các biệt thự, phân loại chúng và có những quy chế ứng xử đặc trưng. Nhưng tốt hơn hết là nên giữ lại toàn bộ và tìm ra những người mua chấp nhận mọi yêu cầu giữ kiến trúc, cảnh quan của chúng.
Tôi cho rằng, nghị quyết bán lại các nhà biệt thự có diện tích dưới 500m2 cho dân của TP HN là cực kỳ phi lý, chỉ mang giá trị thương mại. Giá trị của công trình kiến trúc không phụ thuộc vào diện tích mà phụ thuộc vào thời gian xây dựng, chất lượng công trình, thẩm mỹ kiến trúc và sự phù hợp với cảnh quan.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Biệt thự Pháp cổ là một lớp thời gian lịch sử
Trải qua nghìn năm văn hiến, kiến trúc HN được pha trộn bởi nhiều giai đoạn kiến trúc khác nhau, từ kiến trúc cổ VN, kiến trúc thời Pháp thuộc và kiến trúc hiện đại. Nói cách khác, khu phố cổ 36 phố phường, các công trình công cộng và biệt thự Pháp cổ, những công trình hiện đại là những lớp thời gian khác nhau của thành phố, toát lên được bề dày cũng như giá trị lịch sử của HN.
Vì nghĩ chiếm giữ lâu dài nên người Pháp đã rất kỳ công nghiên cứu, thuê các kiến trúc sư giỏi và không ngại bỏ tiền để xây nên những khu biệt thự. Thực sự mỗi công trình đều mang trong mình một ngôn ngữ, ý nghĩa riêng, có tính thẩm mỹ cao, tạo nên một vẻ đẹp hết sức độc đáo cho HN.
Tuy nhiên, trong thời gian chúng ta quản lý sau khi người Pháp rời đi, nhiều khu biệt thự Pháp cổ đã bị phá vỡ, cơi nới vô tội vạ để phục vụ nhu cầu mặt bằng. Sự đánh mất dần đi di sản kiến trúc đó làm HN xấu đi một cách ghê gớm.
Theo tôi, nên khôi phục lại và bảo tồn các khu biệt thự Pháp cổ để trả lại sự hấp dẫn của HN. Việc UBND TPHN cho phép bán chúng cho người dân cũng là một cách bảo tồn tốt bởi Nhà nước không đủ điều kiện, nguồn lực để di tu chúng. Tuy nhiên, phải có quy chế, quy định bắt buộc đối với người mua chứ không phải để họ muốn làm gì thì làm trên ngôi nhà mà họ mua được.
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo: Suy nghĩ ăn xổi và nghèo là không giữ được lịch sử, dĩ vãng
Phố cổ HN được bao trùm bởi các lớp kiến trúc như kiến trúc VN cổ, Pháp cổ, xen lẫn phong cách Á Đông... Chính vì thế, phố cổ HN đa dạng hơn phố cổ Hội An. Sự đa dạng đó mang lại cho HN những giá trị lịch sử, xã hội sâu sắc và một vẻ đẹp độc đáo. Thế nhưng với suy nghĩ thiển cận là kiến trúc Pháp cổ mang hơi thở thực dân hay không đáp ứng được nhu cầu ở hiện nay, chúng ta đã lạnh lùng xoá sổ chúng dần đi hoặc chắp vá chúng bừa bãi. HN - một chàng trai đang mặc complet đỏm dáng bỗng khoác lên mình chiếc áo dài, đội mũ phớt... một cách kệnh cỡm. HN biến dạng hoàn toàn chỉ trong 20 năm trở lại đây.
Theo ví von của tôi, những biệt thự cổ là những giai điệu nhỏ làm nên thanh âm cho cả bản hoà ca kiến trúc HN. Giống như bao người sống lâu năm và yêu sâu sắc HN, tôi lại thấy xót xa mỗi khi một biệt thự Pháp cổ nào đó bị biến dạng hay biến mất. Nhưng biết sao được khi ý thức của con người và cơ chế quản lý những di sản văn hoá cổ mới chỉ nằm trên giấy tờ mà thôi.
Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Phúc: Bán mà không quản lý là trao quyền phá cho dân
Người Pháp đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng các yếu tố cảnh quan, môi trường khi xây các khu biệt thự tại HN trong thời gian đô hộ nước ta. Cho tới nay, các công trình mang những chi tiết kiến trúc Pháp cổ đó vẫn tỏ ra hài hoà với một HN đang phát triển mạnh mẽ. Chúng là dấu ấn rõ nét của một giai đoạn lịch sử mà HN ngàn năm văn hiến từng trải qua. Vì vậy, theo tôi, rất cần bảo tồn các biệt thự Pháp cổ tại HN và duy tu một cách hợp lý, thẩm mỹ để phù hợp với nhu cầu sống hiện tại.
Tôi nhận thấy rằng chính quyền HN mới chỉ để mắt tới việc quản lý một số công trình Pháp cổ lớn, công cộng, nhưng lại bỏ ngỏ những công trình nhỏ do người dân sử dụng. Do đó, nghị quyết cho phép bán nhà biệt thự cổ cho người dân mà HĐND HN vừa đưa ra giống như con dao hai lưỡi: có thể giúp Nhà nước dễ quản lý, bảo tồn các biệt thự hơn nhưng quản lý yếu sẽ dẫn đến việc tạo "quyền" cho người dân phá chúng.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: