“TP.HCM chỉ còn một khu phố cổ duy nhất trên đường Hải Thượng Lãn Ông”- đó là kết quả đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử giai đoạn 2006-2020 được công bố vào đầu tháng 7 của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM.
Từ trên sân thượng tòa nhà siêu thị thuốc đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông nhìn sang bên kia đường Triệu Quang Phục chỉ trơ trọi nhà số 102, 104 còn giữ được một phần kiến trúc cổ - Ảnh: Hoàng Lộc |
Tọa lạc giữa ngã tư Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục (Q.5, TP.HCM), thoạt nhìn ít người có thể nhận ra đó là khu phố cổ cuối cùng ở Sài Gòn bởi những khu nhà cổ còn sót lại với số lượng cực kỳ ít ỏi, phần lớn đã bị thay hình đổi dạng theo thời gian. Xen lẫn giữa những ngôi nhà cổ, những ngôi nhà cao tầng theo lối kiến trúc hiện đại mọc lên ngày càng nhiều.
Phố cổ ngày càng mới
Đó là nhận định của nhiều người khi đến tham quan thực trạng ở khu phố cổ Hải Thượng Lãn Ông. Những cửa hàng thuốc bắc truyền thống nay vẫn còn đó, nhưng nhà cổ chỉ còn lác đác ở các số nhà 43, 45, 47, 49, 57, 59, 61, 63, 65... Hải Thượng Lãn Ông và 102, 104... Triệu Quang Phục. Dãy phố này thành khu phố cổ nhất Sài Gòn bởi một lý do khá buồn: những khu phố khác đã bị tàn phá và biến mất. Và điều may mắn nhất khiến nó còn được gọi là phố cổ có lẽ còn bởi cư dân nơi này vẫn giữ được nghề thuốc bắc truyền thống.
Khu nhà siêu thị thuốc đông y (45, 47, 49, 57, 59 Hải Thượng Lãn Ông) được xem là “hạt nhân” của khu phố cổ cũng không thoát khỏi tình trạng thoi thóp do sự phát triển chóng mặt của cơ sở hạ tầng. Phía trước nhà vẫn còn dáng dấp cổ xưa với những gian hàng bán thuốc đông y sầm uất nhưng phía bên hông và sau khu nhà thì kiến trúc cổ đã bị thay đổi rất nhiều. Chen lẫn trong những ngôi nhà cổ, những ngôi nhà với lối kiến trúc hiện đại mọc lên với nhiều công ty tư nhân thuê mặt bằng kinh doanh đủ ngành nghề.
Đối diện với siêu thị thuốc đông y, ở địa chỉ số 70 Triệu Quang Phục, tòa nhà ba tầng của Ngân hàng Bắc Á cũng được tái tạo từ bộ khung một ngôi nhà cổ. Nhiều người dân cho biết: “Trước kia tòa nhà với kiến trúc ba lầu rất đẹp, nhưng qua mấy lần cho thuê thì lối kiến trúc dần bị phá bỏ và bây giờ trở thành trụ sở làm việc của ngân hàng với tấm panô che lấp bề mặt ngôi nhà cổ”.
Chúng tôi lên lầu 1, lầu 2 của siêu thị thuốc đông y để nhìn tận mắt những khu nhà cổ. Nhưng đập vào mắt là những khu nhà tối thui, nhếch nhác bởi người dân phơi đủ loại quần áo. Chị Nguyễn Thị Thủy, 38 tuổi, sống ở khu phố này 23 năm, cho biết căn phòng quá rộng, người trong gia đình ở không hết nên gia đình chị đã ngăn thành sáu phòng nhỏ cho thuê. Mỗi phòng có giá thuê 700.000 đồng/tháng.
Chị cho biết thỉnh thoảng vẫn có một số người khách nước ngoài đến đây tham quan, quay phim, chụp ảnh nhưng thấy họ tham quan một lát rồi lắc đầu, nói với nhau điều gì đó rồi bỏ đi chóng vánh. Không khí như náo nhiệt hơn khi đám trẻ con trong phố thi nhau ra dáng cho những du khách mỗi lần tìm đến đây chụp hình. “Cháu được mấy ông Tây chụp hình quen rồi, lâu lắm không thấy mấy ổng quay lại” - một bé gái vừa ra dáng vừa nói lớn như khoe!
Trong số những cư dân phố cổ, vẫn còn có người nặng tình với phố. Nhà bà Nguyễn Thị Mai ở 57/4 Hải Thượng Lãn Ông là nơi nhiều nét cổ vẫn còn được nâng niu. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu nhà, chỉ tay lên trần nhà với những hoa văn cổ in màu nâu đậm, bà Mai cho biết: “Màu sơn cổ rất bền, hơn cả trăm năm mà vẫn thế, những hoa văn này không bao giờ lạc hậu”. Bà kể vì nhà xuống cấp quá nên phải sửa chữa thường xuyên, nhưng “sửa gì thì sửa chứ nhất định phải giữ những thứ cổ xưa này”. Bà không ngăn phòng cho thuê vì sợ lớp vôi vữa nguyên thủy sẽ theo đó mất đi.
Phố cổ ngày càng mới không chỉ bởi người dân mà đôi khi do chính bàn tay của những người trùng tu. Ông Bá, một cán bộ về hưu sống ở đây 20 năm, dẫn chúng tôi đi theo bậc cầu thang lên sân thượng của siêu thị thuốc đông y đã bị bào mòn. Chỉ tay vào tượng con sư tử trên nóc sân thượng, ông Bá giọng buồn buồn: “Ở chỗ đó trước kia là hình bát quái nhưng đợt phục chế năm 2000 thì bát quái biến thành sư tử, tường được sơn màu vàng rực. Trước kia, toàn bộ mái nhà được lợp bằng ngói vảy trông rất cổ và đẹp thì nay thay bằng tôn hoặc mái bằng. Như vậy ai gọi là cổ nữa...”.
Lúng túng
Nhiều người dân ngụ khu phố cổ cho rằng họ rất tự hào và muốn giữ nguyên hiện trạng các căn nhà như cổ xưa nhưng không thể để gia đình sống chen chúc trong những căn nhà đã quá xuống cấp, trong khi cuộc sống của một số gia đình rất khó khăn. Do vậy, việc cho các công ty, người từ nơi khác đến thuê nhà hoặc sửa chữa nhà là điều tất yếu. “Muốn giữ được phố cổ, chúng tôi cần được sự hỗ trợ về quy hoạch, sửa chữa nhà và cả định hướng phát triển du lịch, sinh hoạt văn hóa ở khu phố... đem lại thu nhập cho người dân như nhiều khu phố cổ trên thế giới” - một người dân ở đây nói.
Ông Trần Huy Cường, phó chủ tịch phụ trách quản lý đô thị, UBND P.10, Q.5, cho biết đang kiến nghị các cấp có những biện pháp kịp thời để bảo vệ. Không cấp phép cho dân xây mới, sửa chữa nhà trong phạm vi khu phố cổ. Đồng thời sẽ tổ chức những đợt trùng tu để lưu giữ những nét đặc thù riêng của khu phố.
Tuy nhiên, điều cần nhất là đánh giá tổng thể tình hình ở khu phố cổ Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục lại chưa có. Theo ông Huỳnh Thiện Triết - phó Phòng quản lý đô thị Q.5, hiện vẫn chưa có một quy chuẩn cụ thể nào về cấp hay không cấp phép xây dựng nhà dân trong khu phố cổ, vì vậy phải xét từng trường hợp cụ thể, đánh giá, xin ý kiến chỉ đạo từ các sở rồi mới đưa ra hướng giải quyết.
Băn khoăn hơn, ông Lê Văn Thành, nghiên cứu viên chính phòng quản lý khoa học (Viện Nghiên cứu phát triển), cho rằng: Điều mấu chốt hiện nay ở khu phố cổ Hải Thượng Lãn Ông là mới chỉ có trong danh sách công nhận là di sản văn hóa chứ chưa được xếp hạng. Chưa được xếp hạng đồng nghĩa với nguy cơ bị xâm hại rất lớn và không thể cấm người dân sửa chữa. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nguy cơ “xóa sổ” các di sản văn hóa rất lớn, không chỉ tại khu phố cổ mà còn ở nhiều công trình di sản văn hóa khác.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đào Văn Chương, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM (Sở VH-TT&DL), khẳng định hiện trung tâm chưa có văn bản xếp hạng khu phố cổ. Chưa có thống kê chi tiết hiện có bao nhiêu nhà cổ tồn tại, bao nhiêu nhà cổ đã được sửa chữa và mức độ xuống cấp ra sao. Để có được điều đó phải cần thời gian làm một cuộc điều tra về đối tượng công trình, địa điểm và giá trị về kiến trúc, sự kiện lịch sử... Nhưng tất cả mới chỉ trên bản thảo.
Tất cả sự lúng túng ấy đang bóc dần lớp thời gian cũ kỹ trên từng mái ngói, từng bức tường vôi, từng nét hoa văn và sự kiên nhẫn của người dân ở khu phố cổ cuối cùng.
Tại tòa nhà siêu thị thuốc đông y chỉ còn căn nhà của bà Nguyễn Thị Mai (số nhà 57/4) giữ được một số kiến trúc cổ - Ảnh: Hoàng Lộc |
Phố cổ Sài Gòn có từ khi nào?
Phố Hải Thượng Lãn Ông cùng với nhiều khu phố cổ ở Sài Gòn xưa được hình thành từ sau năm 1864 khi Pháp kiểm soát Nam kỳ. Khi đó, chuẩn đô đốc Pháp là G.Roze đã ký nhiều văn bản cấm dựng nhà lá tại các dãy phố này. Nhà cổ Sài Gòn còn được mô tả chi tiết về kiến trúc trong bài Gia Định phú với câu: Ngói lợp vếnh lên, phố thương khách tòa ngang tòa dọc/ Hàm che cánh én, nhà quan dân hàng vắn hàng dài.
Hầu hết nhà cổ ở các khu phố cổ của Sài Gòn trước đây như Lương Nhữ Học, Hùng Vương, Phù Đổng Thiên Vương... đều được xây trước năm 1920, sau đó ngưng trệ vì tình hình tài chính khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, phố Hải Thượng Lãn Ông là một ngoại lệ khi việc kinh doanh của người Hoa, chủ yếu là buôn bán thuốc bắc, vẫn phát đạt.
Vì thế nhà cổ theo phong cách lai tạp chủ yếu châu Âu và Trung Hoa vẫn được xây thêm. Hiện khu phố cổ nằm ở ngã tư Hải Thượng Lãn Ông - Triệu Quang Phục (Q.5) với tổng thể gồm 16 nhà kiến trúc xưa còn giữ được hình dáng phố cổ ở phía ngoài như hiện trạng thời kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhưng nội thất bên trong đã bị chia nhỏ.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: