Top

Hướng dẫn mới về thuế thu nhập cá nhân

Cập nhật 06/01/2009 14:20

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa có công văn 16.181 hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để xử lý thời gian quá độ trước và sau 1-1-2009 (chuyển từ pháp lệnh thuế thu nhập với người có thu nhập cao sang Luật thuế TNCN).

Theo các chuyên gia thuế, với hướng dẫn này, nhiều cá nhân được lợi như nhận cổ tức, bán căn hộ chung cư nhưng cũng có người không được lợi vì thuế vẫn nộp... như cũ.

Hướng dẫn của Bộ Tài chính


* Cổ tức, tiền lương, tiền thưởng... của cá nhân có nguồn gốc phát sinh từ năm 2008 trở về trước nhưng được chi trả vào năm 2009 thì áp dụng các chính sách thuế của năm phát sinh thu nhập, không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đối với các khoản thu nhập này.

* Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho khoản doanh thu phát sinh trong tháng 12-2008, kê khai vào tháng 1-2009. Đồng thời thực hiện quyết toán thuế (nếu nộp thuế theo kê khai) chung vào năm 2008.

* Cá nhân chuyển nhượng bất động sản (BĐS): chia hai trường hợp.

- Cá nhân chuyển nhượng BĐS đã có hợp đồng chuyển nhượng theo quy định của pháp luật trước ngày 31-12-2008 nhưng từ 1-1-2009 chưa nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng thì cá nhân thực hiện kê khai nộp thuế TNCN.

- Cá nhân chuyển nhượng nhà chung cư: do năm 2008 trở về trước chưa có chính sách động viên về thuế đối với chuyển nhượng nhà chung cư của cá nhân, vì vậy các trường hợp cá nhân đã có hợp đồng chuyển nhượng nhà chung cư và đã thanh toán tiền trước 31-12-2008 thì không thu thuế TNCN.

* Cách chọn phương án tính thuế BĐS: cũng theo công văn này, Bộ Tài chính đã đề nghị cục thuế chỉ đạo cơ quan thuế áp dụng tính thuế theo mức thuế suất 2% tính trên giá chuyển nhượng BĐS.

Trường hợp nếu tính theo mức thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng có số thuế phải nộp cao hơn thì được áp dụng theo mức thuế suất 25% tính trên thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS (nếu lỗ thì không phải nộp thuế TNCN). Cá nhân áp dụng mức thuế suất 25% khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ để làm căn cứ xác định thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng BĐS.

Người lợi, kẻ không


Theo các chuyên gia ngành thuế, việc xác định thu nhập năm nào tính thuế theo chính sách thuế của năm đó chứ không theo nguyên tắc thu nhập thực nhận năm nào tính thuế theo năm đó sẽ dẫn đến một số người được lợi nhưng cũng có người không. Hướng dẫn tại công văn 16.181 của Bộ Tài chính có khác với các giải thích, tư vấn trước đây về thuế TNCN của các cơ quan thuế địa phương.

Được lợi là các trường hợp nhận cổ tức vì không phải nộp thuế. Do vậy, cơn sốt chia cổ tức năm 2008 để tránh thuế TNCN diễn ra từ 31-12-2008 trở về trước mà các công ty cổ phần đã thực hiện là... không cần thiết. Nếu văn bản này ban hành sớm, chắc chắn các công ty... không vội chia cổ tức và sẽ không diễn ra “mùa cổ tức đến sớm”.

Theo công văn 16.181 của Bộ Tài chính, thu nhập phát sinh từ năm 2008 trở về trước thì áp dụng chính sách thuế của năm phát sinh thu nhập. Từ 31-12-2008 trở về trước, theo pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thì cổ tức không phải chịu thuế TNCN.

Tương tự như người nhận cổ tức, cá nhân chuyển nhượng nhà chung cư trước 31-12-2008 cũng “thở phào” vì từ thời gian này trở về trước không có quy định nào buộc người bán nhà chung cư phải nộp thuế.

Không được lợi là các cá nhân có lương, tiền thưởng... của năm 2008 nhưng chi trả trong năm 2009. Theo công văn 16.181, các khoản thu nhập này được tính theo pháp lệnh thuế đối với người có thu nhập cao. Nếu số thuế này được tính vào thu nhập của năm 2009, do thực nhận trong năm 2009 và được tính theo Luật thuế TNCN thì cá nhân sẽ được lợi nhờ được giảm trừ gia cảnh.



Băngrôn nhắc ngày thuế có hiệu lực trên đường phố TP.HCM - Ảnh: T.T.D.


Cũng không được lợi là cá nhân kinh doanh, vì khoản doanh thu của tháng 12-2008 vẫn phải nộp theo thuế thu nhập doanh nghiệp dù kê khai trong năm 2009 nhưng không được tính theo Luật thuế TNCN nên không được giảm trừ gia cảnh.

Với cá nhân bán BĐS nhưng thủ tục “dắt dây” từ năm 2008 sang năm 2009 thì phải nộp thuế theo Luật thuế TNCN cũng không được lợi vì nếu nộp theo thuế chuyển quyền sử dụng đất, tuy thuế suất là 4% nhưng được tính trên giá đất do UBND tỉnh, thành phố quy định thấp hơn giá thị trường.

Còn tính theo Luật thuế TNCN, tuy thuế suất chỉ 2% nhưng tính theo giá trị hợp đồng nên số thuế nộp có thể cao hơn. Trừ trường hợp giá ghi trên hợp đồng thấp hơn thì theo khung giá đất của UBND tỉnh, thành phố quy định thì thuế nộp sẽ ít đi.

Bất động sản, chọn phương án có lợi cho dân

Theo một cán bộ thuế của Cục Thuế TP.HCM, hướng dẫn tại công văn 16.181 của Bộ Tài chính, với các trường hợp chuyển nhượng bất động sản, cơ quan thuế sẽ tính cả hai phương án thuế là 2% trên giá chuyển nhượng và 25% trên chênh lệch giá bán trừ giá mua và chi phí (với điều kiện cá nhân phải có đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh chi phí).

Trong trường hợp cách tính thuế theo thuế suất 2% có số thuế phải nộp cao hơn so với cách tính thuế 25% thì cơ quan thuế sẽ áp dụng cách tính thuế 25%, hướng là phương án nào có số thuế nộp thấp hơn thì áp dụng cho dân.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ