Từ một đất nước có tới 70% hộ gia đình sống trong khu ổ chuột, đến nay Singapore là nước nổi tiếng về giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội cho người dân.
Theo các chuyên gia địa ốc tại Singapore, hiện 91% người dân nước này được sở hữu nhà, trong đó có tới 83% đang ở nhà giá thấp.
Trong một cuộc hội thảo về nhà giá thấp vừa được Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea) tổ chức gần đây, Phó Giáo sư SIM Loo Lee, Trưởng khoa Bất động sản, ĐH Quốc gia Singapore, cho biết, trước những năm 1960, Singapore rất kém phát triển với dân số 1,6 triệu người. Hơn 70% hộ gia đình của nước này sống trong những khu nhà ở chật ních, xuống cấp, mất vệ sinh; 1/4 dân số sống ở các khu nhà ổ chuột và 1/3 người khác sống trong các khu nhà tự phát ven thành phố.
Sau đó, đất nước này đã thiết lập những định chế rất quan trọng trong việc quy hoạch và phát triển nhà ở giá thấp. Và hiện nay, cùng với Hong Kong, Singapore là quốc gia châu Á nổi tiếng về việc phát triển và giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội cho người dân.
Để làm được điều này, theo bà Lee, Chính phủ Singapore đã thành lập Cơ quan Phát triển nhà ở (HDB), có nhiệm vụ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; tái định cư, quy hoạch các khu phố mới; thiết kế, xây dựng và phân phối các căn hộ; trợ cấp và cho vay đối với người mua nhà ở với giá phải chăng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng lập Quỹ tiết kiệm Trung ương (CPF). Quỹ này phụ trách các tổ chức tuyển dụng lao động đóng 13% và người lao động đóng 20% tổng số lương hàng tháng vào quỹ như một khoản tiết kiệm theo lãi suất ngân hàng để sử dụng mua nhà. Người dân có quyền dùng số tiền trên để mua nhà, thanh toán viện phí, chi phí học lên cao và được trả lãi.
Những người dân đóng góp vào CPF được Chính phủ hỗ trợ mua nhà giá rẻ hơn hai lần và những người này có thể bán những căn hộ của mình theo giá thị trường. Đây là điều kiện để người dân “làm giàu”. Theo bà Lee, do phải trợ giá nhà cho người dân nên hầu như năm nào HDB cũng bị lỗ vốn. Số tiền lỗ trên sẽ được Chính phủ hỗ trợ bằng vốn ngân sách hoặc trích từ quỹ CPF.
Những doanh nghiệp tư nhân tham gia vào xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp cũng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước và các thủ tục hành chính rõ ràng, được thực hiện nhanh chóng. Trong khi đó, giá bán nhà của các doanh nghiệp tư nhân do doanh nghiệp tự quy định. Điều này đã thu hút được nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia góp sức cùng Chính phủ chăm lo cho người nghèo.
Tại Việt Nam, đến nay những chương trình về nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đưa ra chưa thu hút được cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Một trong những bất cập là tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực này thấp. Trong khi đó, thủ tục cấp phép xây dựng, thiết kế, thuế sử dụng đất… rườm rà, mất nhiều thời gian.
Theo tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP HCM, để chương trình nhà ở xã hội có thể "chạy" tốt, Nhà nước cần thu hồi đất tại những dự án không đúng kế hoạch, tiến độ đề ra, giúp cơ quan phát triển nhà ở có nguồn đất sạch để dễ dàng triển khai dự án khi cần.
Đối với những doanh nghiệp tham gia dự án này, Chính phủ nên có chủ trương miễn tiền sử dụng đất, miễn các loại thuế. Nếu làm được điều này, giá nhà sẽ thấp, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
Theo đề án nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2009 - 2015, cả nước sẽ đầu tư trên 18.000 căn hộ, tổng vốn gần 50.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của 30% số hộ gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: