Top

Liệu có cấm được chuyển nhượng nhà ở xã hội?

Cập nhật 29/03/2009 09:15

Ông Phạm Sỹ Liêm, Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Trong nền kinh tế thị trường, người nghèo có thể phải di chuyển kiếm sống, số lượng thành viên gia đình biến động và nhiều lý do khác khiến người ta cần di chuyển chỗ ở. Do vậy, không thể cấm đoán việc chuyển nhượng nhà.

Đầu thì đã xuôi…

Theo Đề án phát triển nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, mục tiêu vào năm 2009- 2010 sẽ đầu tư 11.000 tỷ đồng để xây dựng tổng cộng 4,4 vạn căn hộ với 2,2 triệu m2. Trong đó, có 2.500 tỷ đồng để xây dựng khoảng 1 vạn căn hộ cho thuê (0,5 triệu m2); 2.500 tỷ đồng xây dựng lượng căn hộ như trên để cho thuê mua; 6.000 tỷ đồng để xây dựng khoảng 2,4 vạn căn hộ giá thấp để bán (1,2 triệu m2); tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 110ha, với 22 vạn người sẽ được cải thiện nhà ở.

Đến nay, đã có một số công ty tham gia xây dựng một số dự án. Điển hình là Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng VN (Vinaconex) đã xây dựng nhiều căn hộ diện nhà ở xã hội tại Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và Chương Mỹ (Hà Nội) đang được Vinaconex bán với giá 180-190 triệu đồng một căn. Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị - HUD cũng vừa đăng ký với Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thí điểm xây dựng 4.104 căn nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp tại dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh, Hà Nội…

Việc phát triển nhà ở xã hội sẽ có tác động lớn trong xã hội, giúp chính sách kích cầu thêm hiệu quả và đúng mục đích. Tăng trưởng ngành bất động sản sẽ kéo theo sự tăng trưởng nhiều ngành kinh tế khác. Nên phát triển nhà ở xã hội cũng sẽ tạo ra nguồn cầu lớn cho thị trường bất động sản, nhằm tạo hiệu ứng dây chuyền.

"Giả sử năm 2009 huy động được 5.000 tỷ đồng (khoảng 300 triệu USD) vào xây dựng 1 triệu m2 nhà ở xã hội thì do ảnh hưởng lan tỏa mà tác động đến nền kinh tế có thể tương đương với khoản tiền khoảng 1 tỷ USD. Đối với nền kinh tế quốc dân quy mô khoảng 80 tỷ USD thì tác động của nó sẽ rất lớn" - ông Liêm tính toán.

Ngoài ra, do hiệu ứng lọc (filter effect) sẽ có khoảng 30 vạn m2 nhà ở do chủ dọn đi đến nơi ở mới để lại cho người khác dọn đến ở. Những người này đến lượt họ cũng bỏ thêm tiền sửa nhà và mua sắm đồ đạc, tạo ra kích cầu "bổ sung".

Mặt khác, để sang năm có thể xây dựng được từng ấy mét vuông nhà thì ngay trong năm nay đã chuẩn bị đầu tư, nhờ đó thị trường tư vấn trở nên nhộn nhịp hơn. Thêm vào đó, thông qua phát triển nhà ở xã hội, phần lớn khoản tiền kích cầu vẫn ở lại trong nước do ít phải mua hàng nhập khẩu, điều này sẽ tránh được kích cầu… nhầm cho nước khác.

… Nhưng đuôi chưa lọt!

Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng: Chính sách nhà ở xã hội còn phải trải qua chặng đường gian nan mới đi vào cuộc sống. Thách thức đầu tiên là khuôn khổ thể chế còn rất sơ sài. Nhiều quy định về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở cũng cần được điều chỉnh bổ sung, chẳng hạn chưa có loại nhà giá thấp, như trong Đề án của Bộ Xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế trong điều 47 quá gò bó cứng nhắc.

"Tư duy thị trường về nhà ở xã hội còn mờ nhạt, tư duy bao cấp còn rơi rớt. Chẳng hạn, tại sao không được chuyển nhượng nhà? Trong kinh tế thị trường, người nghèo thường phải di chuyển kiếm sống, số lượng thành viên gia đình biến động, và nhiều lý do khác khiến người ta cần di chuyển chỗ ở, cho nên không thể cấm đoán được" - ông Liêm nhấn mạnh.

Lưu ý trong việc xây dựng chính sách, ông Liêm nói: Chính sách nhà ở xã hội rất quan trọng, nhưng cũng rất khó. Chính sách nhà ở nước ta trước đổi mới thuộc dạng nhà ở công, chứa đựng nhiều ý tưởng tốt đẹp nhưng không thành công. Các nhà làm chính sách bây giờ nên xem lại các kinh nghiệm thất bại trước đây để phòng tránh.

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân