Rất hợp lý khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc trong lúc nhiều khu công nghiệp đang phải bỏ trống vì ít “khách” hoặc gặp khó về đầu ra, dẫn đến cắt giảm nhân công, thậm chí tạm ngừng sản xuất.
Mới đầy một nửa
Trong bức tranh kinh tế kém sôi động của năm 2008, vẫn có những con số “đẹp” cho thấy đầu tư vào khu công nghiệp đang chuyển động, khi số vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp (vốn đăng ký) lại tăng cao nhất trong gần 17 năm trở lại đây.
Chưa tính vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các khu công nghiệp trên cả nước đã thu hút 12,79 tỉ Đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, trong đó vốn dự án cấp mới đạt 10,45 tỉ Đô la Mỹ và 2,34 tỉ Đô la Mỹ vốn tăng thêm với 537 lượt điều chỉnh dự án.
Việc thu hút đầu tư trong nước cũng có những con số thống kê khả quan, khu công nghiệp là 3,5 tỉ Đô la Mỹ, khu kinh tế là 1,85 tỉ Đô la Mỹ.
Tính đến cuối tháng 12/2008, cả nước có 219 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 61.472 héc ta. Trong đó, 118 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 101 khu đang xây dựng cơ bản, chủ yếu là các khu công nghiệp mới thành lập trong hai năm gần đây.
Tuy nhiên, theo một con số thống kê của Vụ Quản lý các khu công nghiệp, tính chung các khu công nghiệp cả nước, tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 46% với 17.000 héc ta đất đã cho thuê.
Ngoài ra, điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay đã buộc một số doanh nghiệp “khỏe” phải co hẹp sản xuất, cũng như buộc các khu công nghiệp phải năng động hơn trong việc tìm kiếm thị trường. Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội cho biết, Hà Nội đang định hướng cho nhiều doanh nghiệp tìm thị trường mới qua những sản phẩm mới.
“Trong khi thị trường tiêu thụ của khu công nghiệp đang gặp khó, có những doanh nghiệp chuyển từ làm thiết bị công nghiệp sang hàng tiêu dùng. Có thể bước đầu lợi nhuận không cao nhưng vẫn tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đây cũng là giải pháp giữ chân người lao động của nhiều khu công nghiệp hiện nay”, ông nói.
Ông Chính cũng cho biết thêm, hiện Hà Nội đã “bắt tay” liên kết với ban quản lý khu công nghiệp các tỉnh để phân luồng đầu tư. Theo ông, việc liên kết với các địa phương khác nhằm giãn bớt áp lực những dự án có khả năng gây ô nhiễm cao như dự án thép, hóa chất, xây dựng ra ngoài thủ đô, tới những nơi có đất đai rộng rãi hơn mà vẫn làm thỏa mãn nhu cầu đầu tư của chủ đầu tư.
Ông Chính nói, quỹ đất sạch tại Hà Nội hiện không còn nhiều, vì vậy việc cấp mới các khu công nghiệp phải thật sự thận trọng và hiệu quả. Lúc khó khăn cũng chính là thời gian chuẩn bị đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế trong vòng hai năm tới.
Từ nay đến 2010, Hà Nội sẽ có thêm 1.500 héc ta đất khu công nghiệp cấp mới. Ông Chính cho rằng, quan trọng là liều lượng phân bổ các khu công nghiệp phải hợp lý. Nghĩa là sẽ có nhiều khu công nghiệp mới phân bổ về những vùng xa xôi như Nam Thường Tín, Bắc Thường Tín, hoặc những khu vực mới như Chương Mỹ, Thanh Oai, Sóc Sơn.
Thực tế, việc đầu tư khu công nghiệp đang có xu hướng xúc tiến theo chuỗi với nhiều tập đoàn lớn và cụm các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nhằm kéo nhiều nhà đầu tư thứ cấp cùng đầu tư.
Đáng chú ý, mô hình khu công nghiệp gắn với khu đô thị đang có xu hướng gia tăng. Theo ông Chính, đây là xu hướng phát triển của những doanh nghiệp có "tầm" nhất định, ví dụ như khu công nghiệp, khu đô thị Yên Phong I; khu đô thị, công nghiệp Quế Võ 2; khu công nghiệp, đô thị VSIP Bắc Ninh; khu công nghiệp, đô thị Nam Sơn...
Xây nhà cho công nhân: Khó trăm bề
Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải cắt giảm nhân công vì sản xuất gặp khó, nhưng nhiều trường hợp khác thì công nhân lại bỏ khu công nghiệp ra đi vì không có chỗ ở.
Trong một đề án về chính sách nhà ở đối với công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất năm 2008 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng cho biết, chỉ có gần 10% trong số một triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trong cả nước được ở trong các khu nhà được xây dựng từ nguồn ngân sách của nhà nước hoặc doanh nghiệp.
Điều đó có nghĩa là, hơn 90% số lao động còn lại phải loay hoay tìm chỗ ở trong những không gian chen chúc, chật hẹp.
Theo một thống kê của Bộ Xây dựng, 90% tổng số nhà trọ công nhân đang thuê là do các hộ dân xung quanh khu công nghiệp xây dựng. 20% trong số đó là những loại nhà làm thành từng dãy, mỗi dãy có từ 8-10 phòng, rộng 12-14m2 cho 3-5 người trọ.
Còn lại hầu hết là loại nhà trọ được làm tạm trên đất vườn, đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhà xây thành dãy, tường gạch, lợp mái tôn hoặc tấm lợp xi măng. Thậm chí có cả mái và tường che bằng phên lá. Hầu hết những loại nhà này đều không có khu vệ sinh và khu vực nấu ăn riêng, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu về vệ sinh, môi trường và an toàn.
Đến việc hội nghị xúc tiến đầu tư trên, nhiều doanh nghiệp cũng đem nhiều cái vướng khi xây nhà cho công nhân đặt lên bàn các cơ quan chức năng. Một số chủ đầu tư khu công nghiệp cho rằng, không phải họ không nhận ra rằng, nhu cầu nhà ở cho công nhân đã rất bức xúc, nhưng chính họ cũng đang rất lúng túng.
Tuy nhà nước có những chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà công nhân nhưng còn chung chung và không đầu tư từ ngân sách để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng hạ tầng (điện, nước, thoát nước) làm nhà ở cho người lao động thuê, trong khi đầu tư loại nhà này hiệu quả đầu tư không cao.
Ông Trương Thái Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân cho rằng, giải pháp mấu chốt cho việc phát triển nhà ở công nhân là nhà nước phải có quỹ đất hình thành từ đất công hoặc ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây nhà và hạ giá thành sản phẩm.
Cũng có ý kiến nêu ra sự cần thiết phải hỗ trợ về vốn và lãi suất với thời hạn vay từ 15-20 năm, lãi suất ưu đãi 3-4%/năm cho doanh nghiệp.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: