Thay vì giao với thời hạn 20 năm như hiện nay thì nên giao cho nông dân canh tác không giới hạn về thời gian.
Hôm qua (23-3), tại TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, chủ trang trại và lãnh đạo một số sở, ngành các tỉnh, thành phía Nam về bản dự thảo lần ba “Đề xuất sửa đổi pháp luật đất đai liên quan đến nông nghiệp, nông thôn” do Bộ đang soạn thảo. Nhiều ý kiến cho rằng muốn khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp có hiệu quả thì việc cần làm là phải sửa đổi chính sách pháp luật liên quan đến đất đai.
Thời hạn sử dụng đất quá ngắn
Ông Lã Văn Lý, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, cho biết quy định giao đất có thời hạn quá ngắn (đất trồng cây hàng năm 20 năm) khiến nông dân không yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất lâu dài. “Năm 2009, nhiều hộ nông dân ở An Giang có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã hết thời hạn sử dụng 20 năm nên ngân hàng không cho vay vốn. Điều này rất kẹt cho nông dân” - ông Vũ Quang Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT An Giang), dẫn chứng.
Ông Lý tiếp tục chỉ rõ, chính sách hạn điền hiện tại (không quá 4 ha ở đồng bằng sông Hồng, 6 ha ở đồng bằng sông Cửu Long) đã không khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển kinh tế trang trại, phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại. “Có thực tế là nhiều chủ trang trại khi tích tụ ruộng đất đã phải mượn người khác đứng tên “giấy đỏ” để tránh vượt hạn điền” - ông Lý nói.
Vẫn theo ông Lý, chính sách về đất đai hiện hành không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp do thiếu cơ chế để có đất quy hoạch cho phát triển làng nghề, cụm công nghiệp nông thôn, đất cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung. Ông Nguyễn Văn Thiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, kể câu chuyện mới đây Tập đoàn Tân Tạo đã liên hệ với lãnh đạo tỉnh với ý định đầu tư hàng chục triệu USD phát triển 10.000 ha chuyên trồng lúa thơm xuất khẩu sang Mỹ. Ý định này ban đầu được lãnh đạo tỉnh Long An và nhiều chuyên gia nông nghiệp đánh giá cao nhưng khi xem lại quy định hạn điền hiện hành thì rõ ràng không phù hợp.
Tăng mức hỗ trợ cho nông dân mất đất
Trong dự thảo, Bộ NN&PTNT nêu rõ mục tiêu sửa đổi pháp luật đất đai là để khơi thông các nguồn lực của xã hội đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, việc sửa đổi nhằm tăng giá trị trong thu nhập nông nghiệp và tạo thêm nhiều việc làm phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn.
Vấn đề tháo gỡ hạn điền, thời gian sử dụng đất, thị trường đất nông nghiệp để thúc đẩy tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn được nhiều người quan tâm. Theo ông Vũ Quang Cảnh, cần nâng mức hạn điền đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản lên 5 ha và nâng mức nhận chuyển nhượng từ 6 ha lên 10 ha, đồng thời tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất hàng hóa quy mô trang trại. “Ngoài ra, nhà nước nên giao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân (không giới hạn thời gian sử dụng) để nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất” - ông Cảnh nhấn mạnh.
Ông Cảnh kiến nghị thêm, cần tăng mức và thời gian hỗ trợ cho nông dân khi bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp. Cụ thể là tăng thời gian hỗ trợ đời sống nông dân lên sáu tháng (quy định hiện hành là ba tháng) nếu không phải di chuyển chỗ ở. Trường hợp phải di chuyển chỗ ở đến các địa bàn khó khăn thì thời gian hỗ trợ là 18 tháng hiện nay là 12 tháng). Mức hỗ trợ bằng tiền cho một nhân khẩu/tháng phải gấp hai lần so với quy định hiện hành.
“Theo tôi, không nên giới hạn hạn điền nhưng phải ràng buộc đối tượng sử dụng là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bởi nếu quản lý không chặt, người cần sản xuất thì không có đất mà đất lại rơi vào những đối tượng đầu cơ, bỏ tiền ra mua rồi để hoang hoặc cho nông dân thuê lại” - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An Nguyễn Văn Thiệp nêu ý kiến.
Tìm cách “cứu” làng nghề
Ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết một vấn đề rất đáng quan tâm là công tác quy hoạch, phát triển các làng nghề bởi hiện cả nước có khoảng 2.000 làng nghề ảnh hưởng tới 12 triệu người người lao động. Tuy nhiên, việc tìm đất và giải pháp phát triển làng nghề đang hết sức nan giải, bế tắc. Do đó, trong dự thảo sẽ có quy định đất được quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn được ưu tiên về cơ chế cho thuê, thời hạn thuê, được hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng và được ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: