Top

"Giấy đỏ, giấy hồng": chưa biết bao giờ có hồi kết!

Cập nhật 24/03/2009 08:15

Hơn một năm sau khi Quốc hội ra nghị quyết nêu rõ việc “thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, câu chuyện giấy đỏ, giấy hồng lại vẫn rối tung như phản ánh của Tuổi Trẻ số ra ngày 23-3.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung đã đặt lên bàn nghị sự nỗi bức xúc của cử tri rằng theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ cấp “một giấy” cho đất và nhà ở cùng trên một thửa đất, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa giao cho bộ nào làm đầu mối thực hiện, dẫn đến nhiều phiền hà cho người dân.

Trả lời chất vấn đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc đẩy “quả bóng” trách nhiệm sang phía Bộ Xây dựng, tuy nhiên khi bày tỏ quan điểm riêng thì ông Phúc thừa nhận hiện nay Luật nhà ở và Luật đất đai chồng chéo nhau rất nhiều. Ông Phúc nói: “Đây là vấn đề đã được tranh luận qua nhiều phiên họp Chính phủ. Trong đó, tôi đứng về phía đảm bảo quyền lợi cho người dân, nghĩa là phải đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục. Tôi luôn cho rằng đất, nhà ở và tài sản trên đất chỉ nên một giấy. Tôi còn dẫn chứng từ thời thuộc địa Pháp, giấy được thiết kế như thế nào, ghi nội dung trên đó ra sao”.

Ông Phúc dẫn chứng khi Chính phủ phân đất cho ông ở khu vực Hoàng Cầu (Hà Nội), việc giải quyết thủ tục đất và xây dựng nhà cũng chỉ một giấy gọi là “giấy hồng”. “Với tư cách là bộ trưởng, đại biểu Quốc hội, thấy vấn đề còn nhiều mắc mớ, tôi mong và cũng đề nghị Chính phủ xem xét lại” - ông Phúc nói.

Câu chuyện “giấy đỏ, giấy hồng” mà người dân thường xuyên kêu ca, báo chí tốn nhiều giấy mực, Chính phủ thảo luận nhiều lần, Quốc hội đã ra nghị quyết, nhưng chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết. Thậm chí nếu dự thảo Luật đăng ký bất động sản tới đây được trình ra Quốc hội, nhiều khả năng vấn đề sẽ càng thêm rối khi dự thảo luật này đã dự kiến quy định sẽ cấp một loại giấy là “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” và tuyên bố các loại giấy tờ nhà đất hiện hành vẫn có giá trị pháp lý.

Bên cạnh đó, dự thảo luật này còn có quy định về văn phòng đăng ký bất động sản, là đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Vậy là mảnh đất và căn nhà của người dân đang được “ba bộ” đồng tình quan tâm, gồm Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp, nhưng được quan tâm không đồng nghĩa với “dễ thở” hơn.

Tuy nhiên, nhận thấy còn nhiều vấn đề đặt ra từ dự thảo Luật đăng ký bất động sản, Ủy ban Pháp luật đã thẳng thắn đề nghị không trình Quốc hội dự luật này tại kỳ họp sắp tới. Như vậy, nguy cơ phát sinh thêm một loại giấy mới về chủ quyền nhà đất đã tạm được ngăn chặn nhưng những rắc rối vẫn còn đó khi ba bộ trên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ