Top

Mở cửa cho vay bất động sản

Cập nhật 04/11/2008 10:00

Cùng với việc giảm lãi suất cơ bản xuống còn 12%/năm. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các Ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và mở cửa cho vay với các dự án bất động sản (BĐS) có hiệu quả...

Ngân hàng, doanh nghiệp đều có lợi

Ngay trưa hôm qua (3/11), sau khi NHNN ban hành các quyết định điều chỉnh một số chính sách liên quan đến tiền tệ, một số NHTM đã điều chỉnh hạ ngay lãi suất cho vay.

Cụ thể, Vietcombank điều chỉnh giảm từ 1 - 1,5% lãi suất cho vay bằng VND; Agribank áp dụng lãi suất cho vay bằng VND với các đối tượng ưu tiên theo chính sách khách hàng của mình từ 15-16%/năm, đặc biệt cho vay hộ sản xuất ở địa bàn nông thôn là 15,5%/năm, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 15,9%/năm; BIDV áp dụng lãi suất cho vay bằng VND với các đối tượng ưu tiên theo chính sách khách hàng của mình (lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu...) từ 15-16%/năm.

Hiện nay, nhiều NHTM đang chịu áp lực… thừa vốn vì DN ngán lãi suất vay vẫn còn cao, đầu ra cho chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng gần như đã bị “khóa” lại. Cho đến cuối tháng 10/2008, hệ thống NHTM thừa khoảng 90.000 tỷ đồng (tính cả trái phiếu Chính phủ đáo hạn và tín phiếu bắt buộc- PV).

TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng nhận định trong bối cảnh hàng loạt DN vừa và nhỏ đói vốn, nền kinh tế có dấu hiệu giảm phát thì đây là một “lãng phí rất lớn” nên lãi suất cơ bản giảm, lãi suất vay giảm theo, DN dễ vay hơn, nên sẽ xóa dần được sự lãng phí này.

Thị trường bất động sản sẽ khởi sắc

Chủ tịch HĐQT Sacombank - ông Đặng Văn Thành cho rằng vốn NHTM thừa mà không cho vay được là “vốn chết” và cách hữu hiệu nhất theo ông Thành là giảm lãi suất vay để nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn hơn.

Lãnh đạo các NHTM khi trao đổi với PV chiều 3/11 đều nói quyết định giảm lãi suất cơ bản của NHNN vào thời điểm này là rất cần thiết vì càng để lâu thì khả năng số DN rơi vào khó khăn và không có vốn làm hàng dịp Tết sẽ càng lớn.

Tổng GĐ một NHTM đánh giá lãi suất vay vào thời điểm này không nên quá 16%/năm vì “với sức mua đang chựng lại, hàng xuất khẩu gặp khó, cả thế giới thắt chặt chi tiêu… thì các NHTM cho vay với lãi suất 16%/năm cũng là gánh nặng của nhiều DN rồi”.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân (ĐHKT TPHCM) khẳng định, giảm dự trữ bắt buộc sẽ là “cú hích” để các NHTM giảm lãi suất vay và nguồn vốn cũng dồi dào hơn để mạnh tay cho vay. Phó Tổng GĐ một NHTM lớn nói, ngân hàng ông sẽ có thêm từ 300-500 tỷ từ khoản giảm dự trữ bắt buộc này và sẽ dễ xoay xở hơn nếu nhu cầu vốn của khách hàng trong những tháng cuối năm lên cao.

Việc NHNN “bật đèn xanh” cho các NHTM nới rộng cho vay các lĩnh vực mà lâu nay họ còn ngần ngại, nhất là bất động sản và khối DN vừa và nhỏ được coi là tín hiệu vui. Bởi theo Hiệp hội DN vừa và nhỏ thì có đến 80% DN đang gặp khó khăn về vốn, nhiều DN có khả năng phá sản vì không vay được tiền.

Tại buổi làm việc với Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cả Hiệp hội bất động sản TPHCM lẫn các DN ngành này đều cho rằng “liều thuốc” tốt nhất để “cứu” thị trường này là vốn. Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho hay, các NHTM thận trọng với cho vay bất động sản là đúng nhưng không nên đánh đồng tất cả các dự án vì còn rất nhiều dự án có triển vọng, đủ khả năng trả nợ, sinh lời.

Theo ông Châu thì nếu NHTM mở rộng cửa cho vay bất động sản hơn như yêu cầu của NHNN thì thị trường này sẽ gượng dậy trong thời gian ngắn.

Tổng GĐ một Cty đang có ba dự án bất động sản tại khu Nam Sài Gòn thừa nhận: “95% DN kinh doanh bất động sản đều phải vay vốn ngân hàng, nên nếu ngân hàng đóng cửa xem như DN đi vào ngõ cụt. Cty tôi nếu được vay khoảng 30 tỷ trong ba tháng tới để thực hiện dự án thì 400 CB-CNV sẽ có việc làm, DN đỡ phải phát mãi tài sản trả nợ và dự kiến đến giữa năm 2009 sẽ giải quyết gần hết nợ ngân hàng khi xong phần móng và bán được căn hộ”.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong