Tuy chưa đến nỗi sụp đổ nhưng nếu để tình hình như hiện nay thì hệ quả xấu trực tiếp là nhà đầu tư bất động sản (BĐS) thua lỗ dẫn đến nợ nần, thất nghiệp.
Phát biểu tại tọa đàm “Giải pháp khôi phục và ổn định thị trường bất động sản” do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Hiệp hội BĐS TP.HCM tổ chức hôm qua, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty BĐS Đất Lành, nói rằng trong thời gian qua, các nhà đầu tư chủ yếu tập trung đầu tư những dự án căn hộ cao cấp để thu lợi.
Giá một số dự án lên đến 4.000 - 6.000 USD/m2 trong khi thu nhập của người dân hiện nay vẫn còn thấp. Sự lệch pha này đã tạo nên mầm bệnh đối với thị trường BĐS. Khi chính sách tiền tệ siết chặt thì thị trường BĐS phát bệnh thật sự. Thị trường đóng băng, rớt giá mạnh, nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS thua lỗ, nợ nần.
Một DN BĐS khác cho rằng thị trường BĐS nóng - lạnh là chuyện bình thường nhưng 8 tháng qua rơi vào tình trạng khá nghiêm trọng. Dù giá BĐS giảm hơn 40% nhưng tính thanh khoản trên thị trường vẫn không có. Nếu tình hình này kéo dài, dù lãi suất cho vay của NH giảm xuống 10%/năm (hiện nay lãi suất cho vay cao nhất 19,5%/năm – PV) đi nữa thì DN BĐS cũng chết.
Theo phân tích của ông Đặng Đình Tuấn, Tổng giám đốc Công ty BĐS Sài Gòn Thương tín (Sacomreal), người mua hiện nay đang lo lắng không biết giá BĐS đã đến đáy chưa, thuế thu nhập cá nhân ra sao; phân vân bởi gửi tiền NH lời hơn đầu tư vào BĐS.
Để tạo thanh khoản thị trường, cần có chính sách tập trung kích cầu thứ cấp, cho những người chưa đủ tiền mua nhà vay. Thị trường sụt giảm khiến các NH thẩm định giá thế chấp quá thấp, đến phi thực tế nhằm tránh rủi ro. Một số DN cho rằng các DN BĐS đang đứng trước tình trạng sụp đổ, phá sản hàng loạt khi chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cho vay cao, DN không huy động được vốn...
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), thông tin việc lãi suất tăng đột ngột với biên độ lớn không những khó cho DN mà còn khó cho cả các NH do tình trạng khách gửi tiền chuyển sang gửi NH khác có lãi suất cao hơn.
NH gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn dài. Theo ông Thành, các DN BĐS cần tập trung huy động vốn trên thị trường vốn để không bị áp lực xiết nợ khi đến hạn, lãi suất vay cao...
Theo đánh giá của ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thị trường BĐS đang trầm lắng, đóng băng và có thể dẫn đến những nguy cơ xấu nếu không có hỗ trợ của Chính phủ, ban ngành, NH...
Tuy chưa đến nỗi sụp đổ nhưng nếu để tình hình như hiện nay thì hệ quả xấu trực tiếp là nhà đầu tư BĐS thua lỗ dẫn đến nợ nần, thất nghiệp...; nợ xấu NH tăng lên, rất khó cho NH thu hồi nợ; những dự án BĐS tốt sẽ rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi đang tìm cách xử lý nợ BĐS NH như thế nào, cơ cấu lại nợ cho vay BĐS như thế nào để phục hồi, phát triển được thị trường, chứ không đơn giản máy móc chuyển nợ quá hạn. Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm xử lý nợ tồn đọng NH đến năm 2002 khoảng 23.000 tỉ đồng từ NH. Hiện các NH đã trích lập dự phòng rủi ro 80% nợ xấu nhưng nếu nợ xấu tăng thì cần một phương án tổng thể xử lý nợ xấu trong nền kinh tế, phần lớn gắn liền với BĐS”, ông Lê Đức Thúy nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: