Top

Bản đồ công trình ngầm: Phải có quy định tạm thời

Cập nhật 02/09/2008 11:30

Trong khi nhà nước chưa thể ban hành những quy định về tiêu chuẩn “Quy trình kỹ thuật điều tra và đo vẽ bản đồ công trình ngầm đô thị", trước mắt trong năm 2008, TP.HCM cần biên soạn quy định bắt buộc các đơn vị thi công phải đo đạc và lập bản vẽ hoàn công trước khi lấp đất.

Như chúng ta đã biết, thời gian vừa qua, ở TP.HCM đã xảy ra hàng loạt sự cố kỹ thuật trong quá trình thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm (CTN) và công trình nhà cao tầng có tầng ngầm. Điển hình như công trình xây dựng cao ốc Pacific đã làm sập toàn bộ Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH & NV) vùng Nam bộ, công trình xây dựng tòa cao ốc Sài Gòn Residences làm nứt chung cư số 5 Nguyễn Siêu quận 1, các công trình thuộc gói thầu C - dự án cải tạo môi trường nước TP liên tục đụng phải các CTN khác khiến phải ngưng thi công để tìm biện pháp khắc phục.

Dưới góc độ của nhà chuyên môn hoạt động trên lĩnh vực thông tin - bản đồ và GIS - tư vấn, với hơn 10 năm nghiên cứu về thực trạng đô thị và quá trình đô thị hóa ở TP.HCM, tôi xin đưa ra những ý kiến dưới đây.

Hiện trạng các công trình ngầm

Hiện nay, có thể nói hệ thống CTN tại tất cả các đô thị lớn ở Việt Nam thực sự là một mê hồn trận thách thức tất cả những ai muốn tìm kiếm và xác định nó trên thực địa, kể cả các đơn vị chủ quản cũng như các đơn vị thi công. Các bản đồ, bản vẽ CTN mà các đơn vị chủ quản có cũng không thể hiện chính xác, mỗi nơi mỗi kiểu và không đầy đủ nên khả năng sử dụng rất hạn chế.

Do vậy, khi cần, chính họ cũng không thể cung cấp thông tin cho các đơn vị khác một cách chính xác. Sự đan xen chằng chịt dưới lòng đất của mạng lưới điện, cấp nước, thoát nước, điện thoại… gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo trì, đại tu và xây dựng mới. Chỉ đến khi thi công, “đào đâu đụng đó” mới biết. Điều này đã gây ra những thiệt hại rất lớn về thời gian, tiền bạc, làm ảnh hưởng đến cả đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Hơn thế nữa, trong thời gian tới, thành phố còn triển khai nhiều công trình xây dựng ngầm khác như metro, bãi đậu xe ngầm, tổ hợp công trình đa chức năng ngầm, hạ ngầm mạng lưới điện, điện thoại… chắc chắn sẽ khó tránh khỏi các sự cố tương tự hoặc những rủi ro mới mà bây giờ chúng ta chưa thể lường trước.

Đâu là nguyên nhân?

Các văn bản quy phạm kỹ thuật về việc thành lập bản đồ CTN mới đang triển khai ở giai đoạn thông qua đề cương biên soạn tiêu chuẩn “Quy trình kỹ thuật điều tra và đo vẽ bản đồ công trình ngầm đô thị”.

Hiện nay, thành phố chưa có bộ bản đồ hiện trạng mạng lưới CTN hoàn chỉnh và chính xác để phục vụ cho công tác quản lý. Trong quá trình thi công CTN, các đơn vị thi công mới chỉ lập bản vẽ thiết kế theo từng đoạn, từng tuyến thi công mà chưa có sự liên kết với nhau thành hệ thống.

Và đặc biệt là trong quá trình thi công, tất cả các đơn vị thi công đều bỏ qua công đoạn đo đạc và thành lập bản vẽ hoàn công trên đó thể hiện vị trí mặt bằng, độ cao (sâu, mặt cắt của các tuyến CTN trước khi lấp đất. Đây là một thiếu sót rất lớn không chỉ của đơn vị thi công mà còn là của cả cơ quan quản lý và nhà đầu tư.

Do vậy trong tương lai gần, nếu thành phố không mạnh dạn đưa ra những quy định tạm thời và đầu tư xây dựng dự án “thành lập bộ bản đồ công trình ngầm TP.HCM”, chúng ta sẽ chưa thể xây dựng được bộ bản đồ hiện trạng mạng lưới các CTN phục vụ cho công tác quản lý và thi công. Và vì vậy, càng chưa thể thành lập được bộ bản đồ quy hoạch CTN TP.HCM. Cả hai tài liệu này đều hết sức quan trọng và cần thiết cho công tác quản lý đô thị.

Những giải pháp

Trong khi nhà nước chưa thể ban hành những quy định về tiêu chuẩn “Quy trình kỹ thuật điều tra và đo vẽ bản đồ công trình ngầm đô thị, trước mắt trong năm 2008, thành phố cần biên soạn quy định bắt buộc các đơn vị thi công phải đo đạc và lập bản vẽ hoàn công trước khi lấp đất. Việc này đơn giản, nhưng hết sức cần thiết và giúp chúng ta tiết kiệm được khoản kinh phí khá lớn sau này khi tiến hành thành lập bản đồ hiện trạng CTN phục vụ cho các dự án ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật nổi như “mạng nhện” trên cột hiện nay.

Từ nay đến năm 2010, cần khẩn trương tiến hành lập dự án khảo sát đo đạc và thành lập bộ bản đồ hiện trạng của toàn bộ mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm trên địa bàn thành phố. Tiếp theo đó, trên cơ sở bản đồ hiện trạng này lập bộ bản đồ quy hoạch và phát triển không gian ngầm làm tiền đề cho công tác lập quy hoạch, quản lý và thi công CTN sau này.

Cũng rất cần thiết nhắc lại rằng bản đồ quy hoạch CTN phải được tiến hành sau khi có bản đồ hiện trạng CTN, nếu không chúng ta sẽ lặp lại sai lầm giống như trong thời gian qua: chúng ta lập bản đồ quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết nhưng chưa có bản đồ nền hiện trạng dẫn đến tình trạng “treo” hàng loạt các khu quy hoạch vì thiếu tính khả thi. Việc làm ngược quy trình khoa học như vậy sẽ dẫn đến những sai sót hệ thống là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, bản đồ mạng lưới CTN chỉ là một loại tài liệu cơ bản đầu tiên, trong công tác quản lý đô thị và quá trình thực hiện còn cần các quy định, hướng dẫn theo tính chất của từng khu vực địa lý đô thị, từng đối tượng quản lý và đặc biệt là các thể chế đi kèm trong đó quy định những điều khoản bắt buộc và những điều khoản khuyến khích thực hiện. Có như vậy, xét trên bình diện các công cụ phục vụ công tác quản lý, mới đảm bảo tính hệ thống để tránh được những sai sót lãng phí và những thiệt hại trong quá trình thực hiện.

Theo Sài Gòn Giải Phóng