Top

Hành xử với chung cư cũ

Cập nhật 08/03/2008 09:00

Một thời, chung cư cũ từng là mơ ước của nhiều người. Nó là chốn đi về, là nơi chia ngọt sẻ bùi của nhiều thế hệ người Hà Nội. Nhưng bây giờ chung cư cũ không còn phù hợp: Xấu xí, lạc hậu, xuống cấp và thực chất nó đã hết vai trò lịch sử. Vậy chúng ta phải hành xử thế nào với chung cư cũ?

Vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, chung cư được xây dựng ồ ạt để giải quyết nhà ở cho cư dân Hà Nội. Đến nay, nhiều ngôi nhà bị lún nứt nghiêm trọng. Mẫu nhà ở cũng thuộc loại thấp cấp, thường chỉ 30m2 cho một căn hộ. Chiều cao của mỗi căn hộ cũng chỉ 2,2m đến 2,5m.

Trong điều kiện chật chội như vậy, hầu hết những người đến ở đều "vẩy" ra xung quanh. Ở trên cao thì làm lồng sắt, có những phố ngẩng mặt nhìn lên chỉ thấy lồng sắt, nó trở thành phố lồng sắt trong con mắt của người Hà Nội (ảnh). Có người bảo lồng sắt cũng là một thứ tượng trưng, như tượng trưng phố cổ (?!).

Những ngôi nhà này bây giờ không còn phù hợp: Chật chội, hư hỏng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Vậy chúng ta phải có thái độ như thế nào với nhà chung cư cũ? Chúng ta hành xử thế nào, thì nhận được thế ấy.

Chuyện xây chen

Có người bảo, thấy dân lấn chiếm nhiều quá, nên Nhà nước cũng lấn. Mà Nhà nước lấn thì càng kích thích dân lấn ồ ạt hơn. Thế là những khoảng trống giữa những dãy nhà chung cư, sau một thời gian cùng lấn, đã trở thành chật cứng.

Những dãy nhà được cấp số nhà, mà có thêm chữ b, thì thường là Nhà nước lấn. Chẳng hạn như dãy nhà B4b Trung Tự, gồm 14 căn hộ, chính là dãy nhà xây chen, nằm giữa nhà B3 và B4 Trung Tự. Dãy nhà C4b cũng 14 căn hộ, là nhà xây chen nằm giữa nhà C4 và C5 Trung Tự.

Nhà xây chen chỉ 2 tầng thôi, nhưng sau khi phân phối cho cán bộ công nhân viên, thì họ cải tạo lại, bây giờ thành 3, 4 tầng. Có nơi chủ trương xây chen, bị dân sở tại phản đối quyết liệt. Việc Nhà nước lấn, thì thua dân lấn là cái chắc, bởi vì dân có đến 3, 4 tại chỗ. Cho nên chiến dịch xây chen chỉ nở rộ một thời gian rồi chấm dứt.

Chuyện ốp nhà

Có lẽ thấy cảnh dân tình "vẩy" ra nhem nhuốc quá, làm xấu bộ mặt đô thị, cho nên thành phố có chủ trương "vẩy" hộ dân. Cũng là vẩy, nhưng đây là vẩy có thiết kế, có khoan khảo sát và có cả con mắt thẩm mỹ hẳn hoi.

Tôi vào thăm ông bạn ở nhà ốp khu K Bách Khoa, mới thấy nhà ốp ăn đứt nhà tự vẩy. Rộng rãi, sáng sủa, nền nhà lát gạch men trông cứ sáng choang. Ngồi ở nhà ốp, mới thấy chuyện ốp nhà thích thật. Nhà ốp mà cứ y như nhà xịn. Nhưng chuyện ốp nhà chỉ triển khai được một thời gian rồi mất hút.

Thời chung cư mới

Chuyện này nếu không có con mắt nhìn xa thì sẽ để lại hệ luỵ khó lường. Tôi có dịp đi xem những chung cư cũ của Singapore, thấy họ không làm như mình. Họ làm biến mất chung cư cũ không còn dấu tích gì, chỉ còn lại một dãy nhà cũ để làm bảo tàng sống, cho du khách đến tham quan.

Nhìn vào ngôi nhà cũ, thấy nó giống hệt như chung cư của ta, cũng cơi nới, cũng lồng sắt, quần áo phơi trong lồng sắt gió bay phơ phất. Khách đến tham quan chỉ được đứng nhìn sau hàng rào bảo vệ, còn chung cư cũ thì được xây dựng mới theo quy hoạch hoàn chỉnh, với không gian xanh và những tiện ích công cộng hoàn hảo.

Còn chúng ta? Điều dễ nhận thấy, là các nhà đầu tư chỉ đầu tư vào những vị trí đắc địa nhất để thu lợi. Lợi nhuận là mục đích tối cao đối với họ. Khu Kim Liên thì họ chọn tất cả những dãy nhà quay mặt ra phố Phạm Ngọc Thạch để đầu tư. 2 nhà đã thế chỗ xong là B7 và B10. Nhà B14 đang làm. Nhà B4 đang chuẩn bị làm.

Khu Giảng Võ thì dãy nhà B6 quay mặt ra phố Nam Cao đang chuẩn bị làm. Dãy nhà A6 đã làm xong ở ngay cạnh hồ Giảng Võ. Khu Quỳnh Mai thì dãy nhà E7 quay mặt ra phố Kim Ngưu đang chuẩn bị được thế chỗ. Dãy nhà E7 Quỳnh Mai cũng không đến nỗi nào, trong khi đó thì có những dãy nhà lún mất nửa tầng 1 như ở khu Thành Công, khu Văn Chương... thì không thấy nhà đầu tư đoái hoài!

Hành xử với chung cư cũ theo kiểu này chỉ làm cho cuộc sống của người dân tồi đi, vì mật độ cư dân đông đúc lên, trong khi đó, đường giao thông, cây xanh, khoảng không, nhà trẻ, trường học và những tiện ích công cộng không hề được cải thiện.

Có nhà khoa học hài hước ví von rằng: Gí vào chung cư cũ những chung cư mới cao ngất ngưởng có khác nào vá miếng vải lĩnh vào chiếc áo đụp!Có những sai lầm chỉ để lại di chứng trong một thời gian ngắn. Nhưng hành xử sai lầm với chung cư cũ, sẽ để lại di chứng trăm năm. Ai là người có lỗi?

Theo Lao Động