Top

Sửa đổi ngay những vướng mắc của Luật Đất đai

Cập nhật 08/03/2008 08:00

Giá căn hộ chung cư vẫn cao

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên tại hội nghị lấy ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, tổ chức tại TP.HCM ngày 7.3.

Sửa đổi những gì?

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Lâm Đồng. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi ngay những vướng mắc của Luật Đất đai 2003 cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Ông nói: "Kể từ khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực (từ ngày 1.7.2004), qua gần 4 năm, bộ luật này đã mang đến một số hiệu quả đáng kể đối với việc phát triển kinh tế-xã hội.

Có 3 vấn đề đạt được rất lớn: đó là công tác quản lý đất đai đã đi vào chiều sâu, góp phần rất lớn cho tăng trưởng kinh tế; nguồn thu cho ngân sách từ đất đai càng ngày càng tăng và đạt mức kỷ lục trong năm 2007 là 16 ngàn tỉ đồng, quyết định việc hình thành và phát triển 200 khu công nghiệp và gần 500 cụm công nghiệp trên cả nước; góp phần rất lớn cho việc bảo hộ quyền sử dụng đất của người dân và hàng triệu người dân đã có thể dễ dàng sử dụng đất đai của mình để thế chấp vay vốn phát triển kinh tế; hạn chế được rất nhiều những sai phạm tiêu cực trong quá trình quản lý, sử dụng đất tại các địa phương".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, qua thực tiễn áp dụng tại các địa phương, Luật Đất đai 2003 bộc lộ khá nhiều bất cập, vướng mắc cần phải sửa đổi "nóng" ngay trong năm 2008, để phấn đấu tiến tới năm 2011 phải có một bộ luật về đất đai hoàn chỉnh, chặt chẽ và áp dụng lâu dài.



Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên:
"Phải sửa đổi những vướng mắc
của Luật Đất đai 2003 để phù
hợp với thực tiễn cuộc sống".

Có 8 điểm cần phải sửa đổi - theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Thế Ngọc là: vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính về đất đai, giá đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; thời hạn sử dụng đất; quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa, lên sàn giao dịch chứng khoán; thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất; quản lý và phát triển thị trường bất động sản.

Thứ trưởng Trần Thế Ngọc cho biết: "Trong tháng 3, Bộ TN-MT sẽ tổ chức lấy ý kiến ở tất cả các vùng miền, nhiều cấp, nhiều giới để ban soạn thảo có những dữ liệu chính xác, góp phần cho việc sửa đổi luật hoàn thiện hơn".

Bằng khoán điền thổ rất đáng tham khảo

Ông Đào Anh Kiệt - quyền giám đốc Sở TN-MT TP.HCM - đưa ra một loạt các kiến nghị phải sửa đổi như: cần xóa cơ chế bao cấp về giá đất, Nhà nước chỉ cần kiểm soát về thị trường, về giá; nhiều vấn đề mà Luật Đất đai 2003 đưa ra rất mâu thuẫn với các văn bản của các bộ TN-MT, Xây dựng, Tư pháp khiến cho các sở rất lúng túng khi áp dụng.

Ông Kiệt bức xúc: "Suốt 5 năm qua, Sở chúng tôi bị cắt thi đua vì lý do không hoàn thành kế hoạch, trong đó có vấn đề liên quan đến giấy chứng nhận. Rất nhiều hồ sơ đã thụ lý xong hoặc trong quá trình thụ lý thì chính sách thay đổi, thế là đành phải bị chậm lại".

Ông Kiệt cũng cho rằng, việc quản lý theo hình thức của bằng khoán điền thổ trước đây vẫn còn giá trị khoa học của nó nên cần phải tham khảo. "Vấn đề hiện nay là chỉ thay đổi công nghệ quản lý thôi, chứ tôi thấy bằng khoán điền thổ cũng thể hiện đầy đủ và rất rõ ràng các tiêu chí sử dụng và sở hữu, giúp cho người dân thực hiện các quyền một cách thuận tiện.

Hiện nay, do quy trình cấp 2 giấy: nhà ở và đất ở, nên tồn tại hai hệ thống sổ bộ do hai sở TN-MT và Xây dựng quản lý, điều này rất khó cho công tác quản lý!" - ông Kiệt nói.

Ông Lê Hoàng Châu - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) - dẫn ra chi tiết về ưu điểm của bằng khoán điền thổ: "Ở trang 1 chỉ cần ghi mã số, trang 2 ghi họ tên chủ sở hữu, một trang dành để thể hiện bản vẽ nhà hoặc đất và tiếp theo là các tờ lược giải dùng để sử sụng khi chuyển nhượng, thế chấp... Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng tờ bằng khoán tồn tại từ năm 1927 cho đến thập niên 70 của thế kỷ trước đều được chấp nhận vì những ưu điểm của nó.

Tại sao chúng ta lại không tham khảo?". Đại diện các tỉnh Bình Dương, Trà Vinh, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang... cũng cho rằng chỉ nên thống nhất một giấy chứng nhận. Đó cũng là nguyện vọng của người dân khi đến cơ quan công quyền thực hiện các thủ tục chủ quyền nhà đất.

Hạn mức nhà ở: bao nhiêu?

Ông Lê Hoàng Châu dẫn ra việc Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) có dự thảo quy định chỉ cho phép hạn mức nhà ở là 100m2/hộ là "rất bất hợp lý, kéo lùi chất lượng sống của người dân". "Hoặc mới đây, lãnh đạo Bộ Xây dựng phát biểu với báo chí, chỉ cho phép hạn mức mỗi nhân khẩu là 30m2 nhà ở. Một gia đình hai vợ chồng và 2 đứa con nếu ở với hạn mức đó là có thể chấp nhận được, nhưng lúc có ông bà nội, ngoại thì ở vào đâu, tính hạn mức như thế nào?

Ngoài ra, tại các dự án, một lô nền thường từ 100m2 đất trở lên, nhiều nơi theo quy hoạch thiết kế, người dân phải xây 1 trệt 2 lầu. Như vậy, nếu đưa ra hạn mức nhà ở 100m2 thì chỉ cần xây thêm một lầu là đã vượt hạn mức. Tôi thấy lạ khi đưa ra dự thảo quy định như vậy" - ông Châu nói.

Cũng vấn đề hạn mức đất ở, đại diện tỉnh Tiền Giang cho rằng quy định hiện nay còn quá nhiều bất cập: "Chẳng hạn, hạn mức đất ở tại thành phố Mỹ Tho là 200m2, tại các thị trấn là 250m2 còn các vùng nông thôn là 300m2.

Nhưng đặc thù ở các tỉnh là người dân đều có vườn ao cùng một thửa với đất ở và đều được cấp giấy chứng nhận, khi đền bù thì tính bao nhiêu mét vuông đất ở? Đây là vấn đề rất khó vận dụng, cần phải có quy định chi tiết, rõ ràng".

Đại diện nhiều tỉnh, thành khác cũng nêu ý kiến cần phải phân loại và quy định chi tiết về hạn mức đất ở cho mỗi vùng, miền dựa trên các tiêu chí đô thị cũ, vùng đô thị hóa hay vùng nông thôn lân cận, vùng xa... Có như vậy, việc tính thuế nhà đất mới công bằng và không gây nên những bức xúc, phản ứng từ phía người dân.

Một số ý kiến khác thì cho rằng việc thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay ở mức 100% là quá cao, nên trở lại thu 40% như trước đây để tránh tình trạng người dân "trốn" không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận vì phải đóng số tiền quá lớn, mà như vậy thì Nhà nước không quản lý được.

* Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: "Bộ TN-MT sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến về vấn đề cấp giấy chứng nhận nhà đất để báo cáo Chính phủ theo hướng chỉ cấp 1 giấy. Về lâu dài, đến khoảng năm 2015 sẽ áp dụng giấy chứng nhận điện tử để thuận tiện cho việc quản lý".

* Ông Mai Ái Trực, nguyên Bộ trưởng Bộ TN-MT: "Theo tôi, nếu đã giao đất là giao luôn chứ không nên quy định thời hạn. Còn nếu thuê đất thì phải có thời hạn rõ ràng. Ví dụ, người nông dân được giao đất nông nghiệp thông qua giấy chứng nhận từ năm 1993 với thời hạn được ghi là 20 năm, thì năm 2013 phải đi gia hạn tiếp. Việc này đẻ thêm thủ tục hành chính không cần thiết. Trong khi cơ quan Nhà nước còn biết bao nhiêu việc phải làm...".


Theo Thanh Niên