Kính chào Café Luật!
Tôi có một vấn đề cần chia sẻ:
Ba mẹ tôi sinh được 5 người con ( 4 con trai ,1 mình tôi là con gái ). Hiện tại ba mẹ tôi sở hữu phần đất đang ở gồm 200 m2 chưa có sổ đỏ và đóng thuế đất hàng năm. Được nhà nước phân thêm 120 m2 đã bán 60 m2 còn lại 60m2 đất nữa. Tổng hơn 260m2 đất.
5 anh em tôi đều đã lập gia đình và có con, riêng bản thân tôi là phận gái kém may mắn về gia đình, lấy chồng đẻ con được 1 tuổi 2 mẹ con phải về sống nhà ông bà ngoại vì sự ngược đãi của gia đình nhà chồng từ đó đến nay đã được 7 năm.
Hai mẹ con tôi đã nhập khẩu về ông bà ngoại. Nhưng cuộc sống ở chung với bố mẹ và các anh chị tôi bị ức chế rất nhiều, về những người anh của tôi....nên tôi xin phép bố mẹ tôi đi thuê nhà ở được 3 năm nay rồi.
Cuộc sống ở ngoài 1 mẹ 1 con khó khăn, bố mẹ tôi đã cho các anh tôi quyền xây nhà nhưng đã xây hết phần đất hơn 200m đó. Bố tôi mới bán được mảnh đất 60 m2 đất được 4 tỷ nhưng cũng ko chia cho tôi. Mặc dù tâm của tôi nghĩ đơn giản một điều bố mẹ cho cũng được không cho cũng được, vì phải trả nợ còn ít tiền xây căn nhà nên cho khang trang ở dưỡng già. Nhưng ý nghĩ ko đơn giản như tôi nghĩ, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về xách đối nhân xử thế sao cho không mệt mỏi và ức chế nhưng với hoàn cảnh của tôi có chịu thiệt thòi cũng là sự ngu ngốc, nhu nhược đối với các anh tôi mà thôi.
Vậy giờ tôi muốn hỏi:
Theo quyền phân chia tài sản bố mẹ tôi phải phân chia như thế nào để có sự công bằng cho 5 người con ruột?
Vì: Khi bố mẹ tôi phải đóng tiền đất cho nhà nước để có được mảnh đất 120 m2 đất bố mẹ tôi có gần 1 tỷ, 2 anh thứ 3 và thứ 4 có đi mượn cho bố mẹ tôi tầm gần 1 tỷ (lúc đó có thoả thuận bằng miệng trả lãi như ngân hàng ). Khi bán được 1/2 mảnh đất các a tôi gần như bắt ép bố mẹ tôi trả số tiền lãi hơn 500 triệu đồng ko có sự chứng kiến của 3 anh em còn lại. Vậy trường hợp này sẽ là gì? khi chính các con của mình cho bố mẹ vay bằng lãi cắt cổ (bố mẹ tôi già yếu cả đời ko tích góp được ngần ấy tiền ) bản thân tôi nói riêng đồng ý cho bố mẹ tôi bán đất cũng là cho ông bà đỡ khổ nhưng cầm tiền về các con trai lấy gốc và lãi cũng hết. Tôi cảm thấy bất công cho chính bố mẹ sinh thành.
-Tôi và con trai ( cháu ngoại ) có được hưởng quyền thừa kế ở gia đình nhà ngoại hay không?
- Con trai tôi có được hưởng quyền thừa kế ở gia đình nhà chồng cũ của tôi ko?
Xin giúp tôi tìm ra giải pháp để 2 mẹ con tôi ko phải sống thuê nhà nữa.
Rất mong nhận được sự tư vấn tận tình từ luật sư!
Tôi xin chân thành cảm ơn !
Kính gửi Quý bạn đọc
Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vn và Công ty luật Trí Minh xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Café Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:
Về câu hỏi của bạn Luật sư Hoàng Văn Thạch- VPLS Trí Minh như sau:
1. Về việc bố mẹ bạn phải phân chia tài sản như thế nào để có sự công bằng cho 05 người con.
Theo như bạn trình bày thì hiện nay bố mẹ bạn vẫn còn sống và tài sản mả bạn đề cập đều là của bố mẹ bạn. Vì vậy khi còn sống bố mẹ bạn có toàn quyền định đoạt khối tài sản đó. Việc tặng – cho ai bao nhiêu cũng là quyền của bố mẹ bạn. Do vậy để đảm bảo công bằng cho bạn thì bạn chỉ có thể trao đổi và trình bày thẳng thắn về tình trạng và suy nghĩ của bạn với bố mẹ bạn để bố mẹ bạn có sự phân chia hợp lý.
2. Về việc các anh chị bạn cho bố mẹ bạn vay lãi.
Quan hệ cho vay giữa các anh chị bạn và bố mẹ bạn là một quan hệ dân sự được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên lãi suất cho vay được pháp luật giới hạn trong một mức nhất định. Cụ thể: Điều 475 BLDS quy định lãi suất tối đa không quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Ví dụ: trong khoảng 03 năm trở lại đy mức lãi suất cơ bản cố định là 9%. Như vậy anh chị bạn chỉ được phép cho bố mẹ bạn vay với lãi suất tối đa là 13,5%/năm. Nếu lãi suất vượt quá mức này thì bạn có thể khuyên bố mẹ bạn khởi kiện tại Tòa án yêu cầu tuyên vô hiệu phần lãi suất vượt quá 13,5%/năm.
3. Về việc bạn và con trai bạn có được hưởng thừa kế bên nhà ngoại hay không?
Vấn đề thừa kế chỉ đặt ra khi bố mẹ bạn mất và thời điểm mất bố mẹ bạn còn tài sản để lại.
Các trường hợp có thể xảy ra.
- Nếu khi mất bố mẹ bạn còn tài sản và để lại di chúc. Nội dung di chúc cho bạn và con bạn được hưởng thừa phần tài sản của các cụ để lại thì bạn và con bạn sẽ được hưởng phần thừa kế theo như bố mẹ bạn định đoạt trong di chúc.
- Nếu khi mất bố mẹ bạn còn tài sản nhưng không để lại di chúc. Lúc này tài sản thừa kế sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế thuộc hàng thứ nhất theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 676 BLDS (gồm: vợ, chồng, cha, mẹ, con của người chết). Như vậy trong trường hợp này chỉ có bạn với tư cách là con gái của các cụ là thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng thừa kế còn con trai bạn thì không.
4. Về việc bạn hỏi con trai bạn có được hưởng thừa kế bên nhà nội?
Tương tự như mục trên dã phân tích. Chỉ đặt ra vấn đề thừa kế khi người để lại thừa kế chết và họ còn tài sản để lại. Giả sử bố mẹ chồng bạn mất và để lại thừa kế cho chồng bạn mà chồng bạn còn sống thì chồng bạn là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng thừa kế (còn con trai bạn thì không). Sau này chồng bạn mất đi và còn tài sản để lại thì bạn cùng với con bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng thừa kế (cùng với các đồng thừa kế khác nếu có – vd: bố mẹ chồng bạn nếu họ còn sống, con riêng của chồng bạn nếu có).
Trân trọng,
***
Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email cafeluat@diaoconline.vn hoặc qua Tổng đài tư vấn 19006665
* Bạn đọc vui lòng gửi nội dung được ghi bằng tiếng Việt có dấu.
Trân trọng.
Chuyên mục Café Luật
DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.
Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.
DiaOcOnline.vn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: