Top

Bố đi xa gửi nhà đất cho xã, nay muốn lấy lại nhưng không được

Cập nhật 11/04/2013 16:35

Xin chào Café Luật,

Bố tôi là con trai duy nhất, ông bà nội mất khi bố tôi còn nhỏ. Lớn lên bố tôi đi học, sau đó đi bộ đội. Trước khi đi bố tôi có gửi nhà, đất và tài sản khác cho xã. Sau khi đi bộ đội về bố tôi lấy mẹ và ở xã khác cho đến tận bây giờ. Nay bố tôi về đòi lại đất để làm nhà thờ thì chính quyền trả lời là đất lâu ngày không nộp thuế nên không cấp bìa đỏ và không cho sử dụng. Vậy xin hỏi như vậy đúng hay sai? và gia đình tôi có lấy lại được đất không?

Xin chân thành cảm ơn!



Kính gửi: Quý bạn đọc

Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vnHội Luật Gia TP.HCM xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Cafe Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:

Luật sư  Nguyễn Thị Ngọc Thu - PGĐ. Trung tâm TVPL -  Hội Luật gia TP.HCM:

Do bạn không cung cấp thông tin về thời điểm và có chứng cứ chứng minh gì nguồn gốc tài sản thuộc quyền sở hữu của gia đình bạn …v.v ?  Nhà, đất này hiện nay đang được ai sử dụng ?  với mục đích gì ? Vì vậy chỉ có thể tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ  Công văn số 169/2002/KHXX ngày 15/12/2002 của TANDTC  Tòa Án Nhân Dân Tối cao hướng dẫn đường lối giải quyết các khiếu kiện, các tranh chấp đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng,  theo đó:

- Cơ quan có thẩm quyền đã quyết định hoặc bằng văn bản về thu hồi đất, hoặc giao đất cho người khác sử dụng khi thực hiện chính sách cải tạo của Nhà nước; Theo nguyên tắc Nhà nước không công nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước.Tòa án căn cứ vào Điều 1 Luật Đất đai năm 1987, khoản 2 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993 và khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003, Bộ Luật Dân sự, Điều 25, Điều 168, khoản 2 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự để xử lý:

a- Đối với trường hợp khiếu nại đương sự cho rằng họ bị cải tạo sai, thì đây không phải là tranh chấp dân sự, không thuộc thẩm quyền của tòa dân sự mà thuộc thẩm quyền của UBND.

b- Nếu đương sự khởi kiện yêu cầu tòa án hủy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì việc khởi kiện này thuộc của cơ quan hành chính, tòa án hành chính giải quyết.

c- Đối với trường hợp đất tranh chấp cả hai bên đều không kê khai, không đứng tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính và không có bất cứ giấy tờ nào khác theo qui định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, thì tranh chấp đó thuộc thẩm quyền của UBND.

d- Đối với trường hợp chủ đất cũ hoặc các thừa kế của họ xuất trình một trong các loại giấy tờ được qui định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 để kiện đòi lại đất; nếu có tài liệu chứng minh rằng có văn bản, quyết định thu hồi đất, giao đất cho người khác sử dụng theo chính sách cải tạo Nhà nước, thì tòa án không nhận đơn thụ lý chiếu theo điểm e Điều 168 Bộ Luật Tố tụng Dân sự trả lại đơn khởi kiện cho đương sự.

e- Đối với trừơng hợp đất đã được đưa vào tập đoàn sản xuất, hợp tác xã, mà sau đó các tổ chức này giải thể thì được giải quyết tranh chấp theo qui định tại tiểu mục 2.4 mục 2 phần II Nghị quyết số 02/2004-NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ngày 10- 08- 2004, theo đó đất được cá nhân, tổ chức đưa vào tập đoàn sản xuất, hợp tác xã trong quá trình thực hiện chính sách hợp tác hóa nông nghiệp và các tổ chức này đã giao đất đó cho người khác sử dụng, thì tòa án căn cứ vào Điều 1 Luật Đất đai năm 1987, khoản 2 Điều 2 Luật đất đai năm 1993 và khoản 2 Điều 10 Luật đất đai năm 2003 và Bộ Luật Dân sự xử lý và giải quyết theo qui định của pháp luật. Còn chủ đất cũ hoặc người thừa kế không kê khai, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì tòa án không nhận đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý thì bác yêu cầu đòi lại đất của chủ cũ.

Vì vậy, đất đã được một bên sử dụng trước hoặc trong thời gian của Luật Đất đai năm 1987 có hiệu lực và một thời gian dài không có tranh chấp, nếu chủ đất cũ đòi lại, thì cơ quan có thẩm quyền hoặc tòa án phải xem xét đến quyền lợi của người lao động đã trực tiếp quản lý, canh tác, sử dụng đất liên tục trong thời gian dài, đã thực hiện đầy đủ và đúng các chính sách pháp luật về đất đai. Mặt khác còn phải nghiên cứu vận dụng xác lập quyền sử dụng được qui định tại Điều 247 Bộ Luật Dân sự năm 2005 (trừ trường hợp chủ đất cũ gặp tình huống bất khả kháng).

Nói cho rõ hơn, trường hợp chủ đất cũ không kê khai, không đứng tên trong sổ đăng ký đất hoặc sổ địa chính, không thực hiện quyền quản lý, sử dụng của chủ sử dụng đất; còn người đang sử dụng đất đã kê khai, đăng ký đứng tên trong sổ bộ ruộng đất hoặc sổ địa chính; được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có căn cứ pháp luật, thực hiện đúng qui định của Luật đất đai năm 1987, năm 1993, năm 2003 và các văn bản pháp luật có liên quan thì nay chủ đất cũ không thể đòi lại quyền sử dụng đất đó.

***
 
Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email cafeluat@diaoconline.vn.

* Bạn đọc vui lòng gửi nội dung được ghi bằng tiếng Việt có dấu.

Trân trọng.

Chuyên mục Café Luật

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.


DiaOcOnline.vn