Top

Xử lý nhà xây sai phép: Bộ Xây dựng sẽ có thông tư hướng dẫn

Cập nhật 12/01/2009 01:25

Thông tư sẽ quy định cụ thể những trường hợp xây dựng khác giấy phép nhưng không bị xử lý.

Như đã phản ánh, Sở Xây dựng TP.HCM đã từng dự thảo một văn bản liệt kê cụ thể các trường hợp người dân được tự thay đổi thiết kế mà không cần xin điều chỉnh giấy phép xây dựng, không bị xem là xây dựng sai phép.

Tuy nhiên, nội dung này đã không được thông qua do vướng các văn bản luật, nghị định liên quan. Trao đổi với PV chiều qua (11-1), Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho biết vấn đề này đang được Bộ thảo luận. Sắp tới, Bộ sẽ ban hành một thông tư hướng dẫn chung, không giao cho các địa phương tự vận dụng như chủ trương trước đây.

Luật không phù hợp với thực tế


“Theo Luật Xây dựng, tất cả công trình sai phép, không phép đều bị xử lý theo hướng xử phạt và phá bỏ phần xây trái phép. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, quy định của luật không phù hợp với thực tế. Vì vậy, việc xử lý nhà xây không phép, sai phép không thể cứng nhắc được” - ông Dương Thành Phố, Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, nói.

Ông Phố dẫn chứng, đối với trường hợp người dân xây nhà không có giấy phép xây dựng nhưng nhà xây trên đất quy hoạch làm nhà ở, chiều cao của nhà, chỉ giới đường đỏ người dân không vi phạm. Trường hợp này không thể đập bỏ mà cho người dân xin phép xây dựng, bởi đập bỏ thì tốn tiền của của người dân và xã hội.

Cũng theo ông Phố, trường hợp người dân xin giấy phép xây năm tầng mà chỉ xây ba tầng vì hết tiền thì cũng không thể phá dỡ nhà của người ta. Nhưng cần lưu ý đối với những dãy phố “nhạy cảm” thì cũng phải yêu cầu người dân làm cho đẹp. Trường hợp nếu nhà có thiết kế chiều cao một tầng là 3,5 m nhưng người dân làm tới 3,6 m thì cũng không thể đập bỏ.

Trường hợp người dân làm gác xép không đúng với giấy phép xây dựng nhưng nếu nó ở trong căn nhà và không ảnh hưởng đến kết cấu, kiến trúc thì cũng không cần thiết phải phá gác xép đó. Nếu người dân thay đổi cầu thang nằm trong khuôn viên nhà của họ thì xử lý theo hướng yêu cầu họ chỉnh sửa lại giấy phép xây dựng chứ không đập bỏ phần xây sai phép này...

“Nếu xây không phép, sai phép mà sai luôn cả quy hoạch, vi phạm chỉ giới đường đỏ, sai chỉ giới xây dựng, sai cốt nền, sai kết cấu kiến trúc mặt phố, sai đấu nối hạ tầng hoặc lấn chiếm đất công thì phải xử nghiêm” - ông Phố nhấn mạnh.

Bộ phải ra tay

Các văn bản xử lý vi phạm trong xây dựng chỉ nêu chung chung “sai nội dung giấy phép là buộc thực hiện cho đúng”, thậm chí phần sai giấy phép phải bị tháo dỡ. Điều đó dẫn đến cách hiểu: Bất kỳ việc xây dựng nào mà khác nội dung giấy phép thì chủ đầu tư đều phải xin điều chỉnh, kể cả những thay đổi “chẳng chết ai” như chuyển dịch vị trí cầu thang, phòng ốc, thay đổi kiểu dáng ban công, xây ít tầng hơn giấy phép... Nếu chưa điều chỉnh mà tự thực hiện sẽ là vi phạm vào trường hợp xây dựng sai phép và phải bị xử lý.

Để tránh những ách tắc không đáng có, từ đầu năm 2008, Sở Xây dựng đã liệt kê các trường hợp chủ đầu tư được phép thay đổi thiết kế mà không cần xin điều chỉnh giấy phép xây dựng, không bị xem là xây dựng sai phép. Tuy nhiên, đã một năm trôi qua, văn bản quy định những trường hợp người dân được tự thay đổi thiết kế so với giấy phép vẫn chưa thể ban hành do vướng các nghị định và luật liên quan.

“Muốn mọi nơi giải quyết đồng nhất thì phải có cơ sở pháp lý hướng dẫn trường hợp nào sai nội dung giấy phép thì xử phạt, buộc tháo dỡ, trường hợp nào chủ nhà được quyền tự thay đổi, không cần điều chỉnh giấy phép. Việc này phải do Bộ Xây dựng chủ trì vì vướng từ các nghị định và luật. Thành phố khó có thể tự định nghĩa, Sở Xây dựng lại càng không. Khi các quận, huyện hỏi, tôi vẫn luôn định hướng rằng xử lý đừng quá cứng nhắc, khắc nghiệt. Nhưng giải quyết linh động hay nguyên tắc thì tùy mỗi nơi, không thể ép được” - bà Hồ Thị Kim Loan, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP, cho biết.

Linh động lại bị “bắt giò”

“Trước đây, quận Phú Nhuận cũng giải quyết linh động cho một số trường hợp mà quận thấy sai phép không đáng kể và không vi phạm quy hoạch, không lấn chiếm, không ai tranh chấp. Tuy nhiên, quận bị “bắt giò” nên mới kiến nghị với Sở Xây dựng. Đến nay, những vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ nên quận phải xử lý theo luật. Còn trường hợp nào đã lỡ rồi thì phải chờ chủ trương của TP. Nếu muốn được cấp “giấy hồng” thì chủ đầu tư phải thực hiện quyết định xử lý như chỉ đạo vừa qua của TP” - ông Nguyễn Như Hồng - Chánh thanh tra Xây dựng quận Phú Nhuận cho biết.


Các trường hợp được tự thay đổi thiết kế

Trong dự thảo đầu năm 2008 trình UBND TP, Sở Xây dựng đề xuất đối với nhà ở riêng lẻ, chủ đầu tư được quyền:

- Thay đổi bố cục nội thất bên trong căn nhà (phòng, cửa, cầu thang, khu vệ sinh, tầng lửng, ô thông thoáng, chiều cao từng tầng) với điều kiện phải đảm bảo các chỉ tiêu về xây dựng, chiều cao căn nhà và phù hợp các quy định về kiến trúc.

- Mở rộng diện tích ô cầu thang tại sân thượng để làm phòng nhưng không vượt quá 1/4 diện tích mặt bằng sân thượng.

- Xây dựng giàn hoa trang trí tại mặt bằng sân thượng, thay đổi kiểu dáng kiến trúc của ban công nhưng phải phù hợp quy chuẩn xây dựng, quy định về kiến trúc.

Với các công trình còn lại, chủ đầu tư được tự thay đổi thiết kế mà không cần điều chỉnh nếu không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu xây dựng trong giấy phép xây dựng như mật độ xây dựng, khoảng lùi, chỉ giới xây dựng, số tầng cao, chiều cao công trình, hệ số sử dụng đất.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP