Top

Thuế lũy tiến đối với nhà, đất (phần 2)

Cập nhật 15/02/2008 13:00

Bộ Xây dựng đề xuất thuế suất sở hữu nhà ở cơ bản là 30.000 đồng/m2 sàn/năm.

Có bao nhiêu nhà, đất thì phải đóng thuế? Đây là câu hỏi khó trả lời nhất ngay cả với những cơ quan được giao nghiên cứu hạn mức nhà, đất làm căn cứ tính thuế.

Tính theo đầu người hay hộ gia đình?

Ông Lê Cao Tuấn, Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), cho biết trong chiến lược phát triển về nhà ở được phê duyệt năm 2004, Chính phủ đề ra hướng phấn đấu đến năm 2010 đạt bình quân 15 m2 nhà/đầu người, đến năm 2020 là 20 m2 nhà/đầu người. “Có thể dựa trên tiêu chí này để xây dựng hạn mức sở hữu nhà ở làm căn cứ tính thuế. Nhưng phải nghiên cứu và khảo sát rất kỹ, đảm bảo khi đánh thuế thì bất động sản được sử dụng có hiệu quả mà thị trường vẫn phát triển ổn định” - ông Tuấn nói.

Cạnh đó là một vấn đề cần cân nhắc. “Nếu quy định hạn mức theo hộ gia đình thì cân đối thế nào đối với hộ gia đình tam đại đồng đường với hộ gia đình độc thân? Còn nếu tính theo đầu người thì chẳng lẽ tôi có một căn hộ chung cư để ở cũng bị đánh thuế?” - ông Tuấn phân tích.

Hạn mức có thể lên tới 100 m2/hộ

Tiến sĩ Đặng Hùng Võ khẳng định không nên đánh thuế người thuê nhà, dù thuê nhà của nhà nước hay của tư nhân. Những người ở nhà thuê thì chỉ đóng tiền thuê nhà, còn tiền thuế nhà thì do chủ cho thuê nhà phải đóng.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết Bộ đang dự kiến hạn mức sở hữu nhà cho một hộ gia đình khoảng 100 m2. Hộ gia đình, cá nhân sở hữu một nhà ở hoặc căn hộ có diện tích trên 100 m2 sàn thì phải nộp thuế theo nguyên tắc lũy tiến. Trường hợp sở hữu từ hai nhà ở hoặc căn hộ trở lên, nếu vượt hạn mức nhà ở cũng thực hiện đánh thuế lũy tiến theo nguyên tắc càng sở hữu nhiều nhà thì mức nộp thuế càng tăng.

Theo ông Hà, đối với khu vực nông thôn có thể không nên đặt vấn đề đánh thuế nhà, đất bởi vì thuế đất nông nghiệp chúng ta cũng còn đang miễn. Bộ Xây dựng cũng dự kiến đề xuất thuế suất sở hữu nhà ở cơ bản là 30.000 đồng/m2 sàn/năm.

Hạn mức đất tùy theo địa phương

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hạn mức sử dụng đất ở hiện tại do UBND tỉnh, thành phố quy định căn cứ điều kiện từng địa phương nhưng cơ bản ở mức 100-250 m2/hộ. “Nhưng khi đặt vấn đề đánh thuế lũy tiến thì nên quy định hạn mức đất, nhà ở theo nhân khẩu” - ông Đỗ Đức Đôi, Phó Vụ trưởng Vụ Đăng ký và Thống kê (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cũng cho rằng hạn mức tính thuế nên tính theo nhân khẩu, bởi vì nếu tính theo hộ gia đình thì sẽ làm cho những gia đình đông người suy giảm quyền lợi.


 Hơn nữa, khái niệm hộ gia đình theo luật dân sự hiện nay cũng chưa rõ ràng, gắn với huyết thống hay gắn với hộ khẩu cũng chưa quy định cụ thể. Tính hạn mức theo đầu người sẽ đảm bảo công bằng và làm cho người sử dụng đất cảm thấy thỏa đáng hơn. Chứ còn hộ độc thân mà cũng tính như hộ có nhiều người thì sợ rằng sẽ khuyến khích tình trạng độc thân. Thậm chí họ ở với nhau nhưng không cưới vì cưới xong thì hạn mức lại thấp xuống (hai hộ nhập một).

Theo tiến sĩ Đặng Hùng Võ, hiện nay pháp luật hiện hành mới có hạn mức giao đất ở và hạn mức công nhận đất ở. Phải nghiên cứu xem có thể kế thừa gì từ các loại hạn mức này khi đặt ra hạn mức sử dụng đất để làm căn cứ tính thuế. Phải căn cứ tình hình của từng địa phương để có hạn mức phù hợp chứ không phải cả nước chung một hạn mức. Thậm chí trong một tỉnh, thành phố thì cũng có thể có nhiều loại hạn mức.

Ông Phùng Văn Nghệ, Vụ trưởng Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng muốn đưa ra hạn mức đánh thuế lũy tiến thì phải có điều tra xã hội học bài bản ở từng vùng... Phải phân loại đối tượng, theo đó: “Người nông dân có nhiều đất thì khác với nhà kinh doanh bất động sản có nhiều đất, không phải đất nào cũng đánh thuế, ví dụ đất của ông bà để lại thì phải cân nhắc”.

Vượt hạn mức đóng thuế gấp hai, ba lần

Ông Lưu Đức Huy, chuyên gia nhóm nghiên cứu sửa đổi Pháp lệnh Thuế nhà, đất (Bộ Tài chính), không cho biết mức thuế suất căn bản cũng như các mức thuế lũy tiến đối với nhà, đất vượt hạn mức.

Tuy nhiên, ông Huy tiết lộ mức thuế suất trong hạn mức sẽ rất thấp còn nếu ngoài hạn mức thì đánh thuế cao hơn, có thể gấp hai lần, ba lần và thuế lũy tiến đối với nhà đất sẽ là thuế lũy tiến từng phần. Theo ông, đề xuất đưa ra mức thuế nhà ở 30.000 đồng/m2 sàn/năm của Bộ Xây dựng có hợp lý hay không, căn cứ vào đâu để đưa ra như vậy cũng phải tính toán kỹ trên cơ sở trao đổi với các bộ, ngành liên quan và địa phương.

Còn theo tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nhà, đất trong hạn mức nên đánh thuế rất ít hoặc thậm chí miễn. Từ hạn mức đó trở lên thì đánh thuế cao và sẽ do UBTVQH quyết.

Trong khi Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì sửa đổi Pháp lệnh Thuế nhà, đất chưa đưa ra thuế suất lũy tiến cụ thể đối với trường hợp có nhiều nhà, đất vượt hạn mức thì Bộ Xây dựng đề xuất mức này từ 130% đến 200%.

Cụ thể, người sở hữu nhà có diện tích từ 100 m2 trở xuống thì không phải đóng thuế sở hữu nhà. Sở hữu diện tích từ 101 đến 150 m2 phải nộp 130% thuế suất nhà ở cơ bản (30.000 đồng/m2/năm) nhân với phần diện tích chênh lệch tăng thêm. Diện tích từ 151 đến 200 m2 phải nộp 150% thuế suất nhà ở cơ bản nhân với phần diện tích tăng thêm. Trên 200 m2 thì phải nộp 200% thuế suất nhà ở cơ bản nhân với phần diện tích tăng thêm.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Đánh thuế lũy tiến để tránh lãng phí nhà

Hiện nay lượng cung nhà rất thiếu cho nên đánh thuế cao để hạn chế những người lãng phí quỹ nhà, có nhà nhưng không sử dụng trong khi người khác tìm một m2 không ra. Điều này cũng có nghĩa là hạn chế khả năng người ta tích tiền vào nhà gây ra tình trạng đầu cơ, góp phần làm cho nguồn cung nhà được cân bằng.

Nhưng mục tiêu quan trọng hơn của việc đánh thuế lũy tiến là góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nộp thuế ít thì muốn sử dụng đất thế nào cũng được, kể cả bỏ không nhưng nếu phải nộp thuế cao thì dứt khoát phải sử dụng đất có hiệu quả mới đủ tiền nộp thuế. Ngoài ra, việc đánh thuế này còn tạo công bằng xã hội giữa người được tiếp cận nhiều hơn với nhà, đất với những người không có điều kiện để tiếp cận. Nguồn thu từ sắc thuế này có thể hình thành những quỹ hỗ trợ nhà ở cho người nghèo...

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng:

Đánh thuế nhưng không nên lũy tiến

Đối với thị trường bất động sản, nếu đánh thuế lũy tiến lúc này tức là chỉ thừa nhận một loại người mua là loại người mua để dùng. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản quy định có thể mua để dùng hoặc mua để kinh doanh. Do đó, cần xem xét kỹ lưỡng việc đánh thuế lũy tiến đối với nhà, đất. Vì đánh thuế lũy tiến sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người mua nhà, xây nhà để kinh doanh (cho thuê hoặc bán). Ví dụ một nhà đầu tư bất động sản xây khoảng 50 biệt thự để bán nhưng chỉ bán được 20 nhà, còn lại chưa bán được vì không ai mua.

Nếu đánh thuế lũy tiến đối với trường hợp này thì nhà đầu tư sẽ chết vì vừa ế vừa bị đánh thuế cao. Hoặc một nhà đầu tư mua một chục căn hộ với ý định kinh doanh theo kiểu cho thuê, điều này Luật Kinh doanh bất động sản cho phép. Nhưng lúc chưa cho thuê được hết thì lại bảo ông này có đến chục cái nhà, phải đánh thuế lũy tiến. Do đó theo tôi, thuế nhà, đất là phải đóng, diện tích bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu nhưng không tính lũy tiến.

>Thuế lũy tiến đối với nhà, đất (phần 1).

Theo Pháp Luật TP.HCM