Top

Bất thường trên thị trường địa ốc: Không có người mua, giá vẫn… tăng

Cập nhật 15/02/2008 09:00

Vẫn còn trong "tháng ăn chơi" nên các nhà đầu tư bất động sản chưa "động thủ”, thế nhưng giá bất động sản vẫn tăng đều đều. Nhiều nơi, người bán "hét" giá tăng từ 500.000-1 triệu đồng/m2.

Các chợ địa ốc lớn đã mở cửa trở lại, riêng các chợ nhỏ vẫn chưa mở cửa. Sáng Mồng 8 (14-2), tại chợ địa ốc ACB có khoảng 30 khách hàng nhưng hầu hết chỉ đến xem rồi về.

Đẩy giá để bán

Theo một nhân viên, liên tục từ Mồng 6 đến nay tình hình chung là khách hàng đến thăm dò giá cả, chưa có giao dịch nào thành công. Ông Lâm Văn Chúc - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Phúc Đức - cho biết khách hàng qua hệ thống chợ cũng chỉ lai rai, kể cả những khu vực "nóng" như quận 2, quận 7. Theo trưởng phòng kinh doanh một công ty địa ốc, có thể đến hết tháng giêng thị trường mới giao dịch bình thường trở lại.

Dù không có người mua, người rao bán nhà đất vẫn "đòi" tăng giá. Một khách hàng rao bán nền đất tái định cư khu 143ha Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 đã đẩy giá bán lên 23 triệu đồng/m2 trong khi giá rao trước Tết là 21 triệu đồng. Theo người bán này, đã có khách hàng trả 22 triệu đồng nhưng anh chưa đồng ý bán.

Còn tại dự án chung cư 22 tầng ở Bình Dương, người bán đã tăng thêm 500.000 đồng/m2 so với giá mua trước Tết là 11,5 triệu đồng. Đất nền một số dự án tại Bình Dương, Long An... cũng tăng từ 200.000-500.000 đồng/m2. Một công ty kinh doanh địa ốc cho biết có khá nhiều khách hàng hỏi thăm nhưng chưa mua, còn người bán thì rất ít người chịu bán ra vào thời điểm này.

Tuy nhiên, các mức giá này mới chỉ là giá rao do bên bán đưa ra. Do phần lớn người mua vẫn còn nghe ngóng nên các mức giá mới này chưa thể phản ánh được xu hướng của thị trường sau Tết. Cũng theo một số chuyên gia, việc người bán đẩy giá để sớm tiêu thụ hàng đã ôm vào trước đó.

Phân tích về giá đất tăng thời điểm này, những người quản lý các chợ địa ốc đều cho rằng nguyên tắc thị trường có giao dịch mới biết giá tăng hay giảm. Còn hiện nay, người bán thì đã sẵn sàng, người mua thì chần chừ. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn đó là dấu hiệu không tốt cho thị trường bất động sản.

Nhà đầu tư đã... run tay?

Mặc dù giới kinh doanh bất động sản vẫn lạc quan khi cho rằng thị trường vẫn phát triển tốt, tuy nhiên cũng có ý kiến lo lắng thị trường có thể đổi chiều do đã tăng giá quá "nóng" và tới đây Nhà nước sẽ đưa ra hàng loạt chính sách nhằm "kìm cương" thị trường bất động sản. Các chính sách này xét ra có vẻ nặng hơn cả đối với người kinh doanh chứng khoán. Đó là đánh thuế lũy tiến đối với người có nhiều nhà đất, ngân hàng hạn chế cho vay đầu tư bất động sản, đầu năm 2009 áp dụng thuế thu nhập cá nhân...

Theo nhiều chuyên gia, xu hướng sắp tới nhà đầu tư sẽ cân nhắc hơn trong đầu tư do giá nhà đất đã quá cao. Đặc biệt, giao dịch mua bán đầu năm chựng lại đã để lại "dấu lặng" khiến nhiều nhà đầu tư phải suy nghĩ. Thời gian qua, có quá nhiều người đổ tiền ra mua nhà đất, thị trường mua bán rôm rả, tính thanh khoản của bất động sản còn "tuyệt vời" hơn cả chứng khoán đã khiến nhiều nhà đầu tư mải mê ôm hàng bất chấp giá cả. Thế nhưng, nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro lớn nếu cứ tiếp tục ôm hàng giá cao nhưng không đẩy hàng ra bán được.

Sửa đổi qui trình làm dự án

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên - môi trường TP dự thảo qui trình và các điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất để tham mưu UBND TP ban hành trong thời gian tới. Qui trình này đưa ra các điều kiện về năng lực tài chính, năng lực triển khai dự án và bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các đơn vị xin chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn TP.