Top

Sai phép lặt vặt: Không nên làm khó dân!

Cập nhật 15/01/2009 08:20

Muốn xây thêm cái gờ hứng nước chỉ vài tấc để nước mưa khỏi rơi xuống cửa cũng bị buộc điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Như đã thông tin, tại TP.HCM hiện còn tồn khoảng 11.000 căn nhà xây dựng sai phép, không phép, trái phép sau ngày 1-7-2004 đang bị xem xét, xử lý. Các cơ quan chức năng vẫn chưa quyết diện nào được tha, diện nào buộc phải đập những phần vi phạm hay phải đập tất cả những phần vi phạm. Một trong những vấn đề người dân quan tâm nhất là việc xử lý những nhà xây sai phép trong số nhà nêu trên quá cứng nhắc, không phù hợp thực tế.

Thanh tra xây dựng “bắt chẹt”

Trong rất nhiều trường hợp, từ khi lập bản vẽ thiết kế nhà để xin giấy phép xây dựng đến khi xây nhà, không phải chủ nhà nào cũng ưng ý từ A đến Z đối với bản vẽ. Nhiều trường hợp người dân phải thay đổi thiết kế căn nhà do thấy nó không phù hợp với khu đất, phân các phòng chưa hợp lý, thay kiểu dáng ban công, vị trí nhà bếp, nhà vệ sinh... Muốn thay đổi thiết kế trong giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư phải xin điều chỉnh giấy phép, nếu không sẽ bị xử phạt, buộc tháo dỡ phần sai phép.

“Thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng không khó bởi đã có hồ sơ gốc ban đầu. Nếu thay đổi toàn bộ thiết kế thì quận mới khảo sát lại, thời gian cấp lại gần như bằng với hồ sơ cấp mới, còn những thay đổi nhỏ thì luôn được giải quyết trước thời hạn quy định” - ông Phan Thế Huy, Phó phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận 3, cho biết.

Ông Huy đồng tình rằng không phải hễ cứ làm khác với giấy phép thì đều phải xin điều chỉnh. “Thực tế tôi cũng gặp một số trường hợp xin điều chỉnh giấy phép do thanh tra xây dựng “bắt” quá khó. Chẳng hạn dời vị trí cầu thang từ giữa phòng đến cuối phòng, bỏ tầng lửng... Những thay đổi này không ảnh hưởng gì đến diện tích sử dụng, thậm chí còn làm nhỏ hơn” - ông Huy nói.

Phường gây phiền phức không đáng

Tại quận 11, thời gian điều chỉnh giấy phép xây dựng và thủ tục điều chỉnh tùy thuộc quy mô công trình hoặc công trình đã khởi công hay chưa. “Nếu chưa khởi công mà chủ đầu tư muốn xây tăng thêm thì phải có hồ sơ khảo sát móng nộp kèm. Còn nếu công trình đã khởi công giữa chừng thì quận yêu cầu thiết kế mới phải do đơn vị tư vấn có tư cách pháp nhân lập để ràng buộc trách nhiệm của đơn vị này” - ông Võ Xuân Quang, Trưởng phòng QLĐT quận 11, giải thích.

Ông Quang cũng xác nhận đã từng nhận không ít hồ sơ thay đổi thiết kế không đáng phải làm thủ tục điều chỉnh do phường quá cứng nhắc. Chẳng hạn chủ đầu tư muốn xây thêm cái gờ hứng nước chỉ vài tấc để nước mưa khỏi rơi xuống cửa hoặc bỏ tầng lửng, phường cũng buộc xin điều chỉnh giấy phép mới cho xây.

“Những trường hợp này quận trả hồ sơ và ghi rằng không cần điều chỉnh, chủ nhà được tự thay đổi. Quận cũng đã gửi văn bản cho 16 phường thống nhất các nội dung trên để người dân khỏi bị phiền phức không đáng” - ông Quang nói.

Quận 12 cũng nhận được những hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép xây dựng chỉ vì muốn thay đổi thiết kế cục bộ bên trong. Tuy nhiên, quận này không trả hồ sơ như quận 11 mà vẫn giải quyết. “Vì người dân có nhu cầu và sau này đỡ phiền cho họ” - ông Huỳnh Tấn Việt, Trưởng phòng QLĐT quận 12, giải thích.

Ông Việt cho biết do đề xuất của Sở Xây dựng về các trường hợp được thay đổi thiết kế mà không cần xin điều chỉnh chưa được ban hành nên phải làm theo luật. Thanh tra xây dựng phát hiện chủ đầu tư làm khác giấy phép và buộc thực hiện theo giấy phép là đúng. Còn nếu chủ nhà không biết nên xây sai phép thì khi nộp hồ sơ hoàn công, thanh tra xây dựng hỏi ý kiến Phòng QLĐT xem trường hợp nào thì phạt buộc tháo dỡ mới được hoàn công, trường hợp nào... bỏ qua luôn.

“Hướng xử lý của Phòng QLĐT quận 12 vẫn thoáng, bảo vệ quyền lợi của người dân chứ không cứng nhắc đâu. Ví dụ thay đổi thiết kế bên trong, chiều ngang 3,5 m mà chủ nhà xây 3,6 m nhưng không lấn chiếm đất ai thì không xử” - ông Việt khẳng định.

Vì chủ nhà ngại khó?


Phó phòng QLĐT quận 3 Phan Thế Huy nhận xét sở dĩ có tình trạng chủ đầu tư tự ý sửa thiết kế, xây thêm phần này, bỏ phần kia mà không xin điều chỉnh giấy phép là do ngại thủ tục khó khăn, tốn tiền làm lại bản vẽ. Được biết, giá đo vẽ bản vẽ giấy phép xây dựng hiện nay khoảng 16 ngàn đồng/m2 đến 20 ngàn đồng/m2. Các đơn vị tư vấn khi vẽ lại thường lấy 70% giá cũ. “Ngại tốn một ít tiền vẽ lại, có khi sau này họ phải tốn cả mấy chục triệu đồng nếu phần xây sai phép đó bị tháo dỡ” - ông Huy nói.

Bên cạnh là tâm lý ngại khó, ông Võ Xuân Quang, Trưởng phòng QLĐT quận 11, cho rằng còn có nguyên nhân là chủ nhà thường hay thuê một ông thầu xây dựng lo từ A đến Z, kể cả giấy phép xây dựng. Do đó, khi họ bày vẽ thêm hoặc khi chủ nhà muốn làm khác giấy phép thì họ bảo là chẳng sao đâu và không đi điều chỉnh giùm chủ nhà. Sau này không hoàn công được thì chỉ có chủ nhà chịu thiệt.

Lãnh đạo Phòng QLĐT quận 12 lại cho rằng lý do quan trọng chính là nhiều người không biết phải xin điều chỉnh giấy phép. Họ nghĩ rằng xây dựng không lấn chiếm đất của ai thì chẳng sao. Nhiều trường hợp đến khi hoàn công thì mới rầu rĩ do xây dựng sai bị phạt buộc tháo dỡ phần vi phạm.

Ngại điều chỉnh lâu nên tự xây sai phép!

Khi chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh, thay đổi thiết kế được duyệt kèm theo giấy phép xây dựng phải được sự chấp thuận của cơ quan cấp giấy phép xây dựng. Hồ sơ xin thay đổi thiết kế gồm:

- Đơn xin thay đổi thiết kế.

- Bản chính giấy phép xây dựng kèm bản vẽ được duyệt.

- Bản vẽ thiết kế xin điều chỉnh.

Thời gian cấp giấy phép xây dựng thay thế giấy phép xây dựng đã cấp không quá 15 ngày làm việc đối với nhà ở tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

(Trích Điều 23 Quyết định 04/2006 của UBND TP về cấp giấy phép xây dựng)


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP