12 tỷ USD là con số dự kiến mà Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra để phát triển các dự án thuộc lĩnh vực phát triển các khu đô thị, giao thông, cấp nước sạch, thoát nước, xử lý chất thải... từ nay đến năm 2020.
Trong những năm qua, nguồn vốn để phát triển lĩnh vực hạ tầng đô thị chỉ chiếm khoảng 13,5% vốn đầu tư toàn xã hội. "Việc phát triển đáp ứng nhu cầu đô thị hóa với tốc độ phát triển nhanh trên địa bàn các tỉnh, thành phố là một trong những thách thức rất lớn đòi hỏi sự quan tâm góp sức của toàn xã hội cùng các nhà tài trợ ODA", ông Trương Văn Đoan, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.
Việt Nam hiện có 731 đô thị, trong đó có hai đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TP HCM), 4 đô thị loại 1, 13 đô thị loại 2, 43 đô thị loại 3, 38 đô thị loại 4, 631 đô thị loại 5. Trong đó, mỗi người chỉ có trung bình 10,7 m2 nhà ở và dự kiến năm 2010, sẽ đạt 15 m2.
Đến năm 2020, dự kiến sẽ hoàn thành các điều chỉnh quy hoạch chung về xây dựng của các đô thị loại 4 trở lên đồng thời thực hiện đầu tư hai tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP HCM cùng 14 tuyến quan trọng khác.
Đô thị loại 3 trở lên, 100% số dân được cung cấp nước sạch với tiêu chuẩn 150 lít mỗi người một ngày. Đô thị loại 4 và 5 cung cấp đủ nước sạch cho 90% số dân với mức 150 lít mỗi người một ngày. Các đô thị từ loại 4 trở lên có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, tỷ lệ phục vụ đạt 80 tới 90% diện tích. Nước thải từ các đô thị loại 3 trở lên được thu gom và xử lý triệt để.
Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sẽ phải ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kết cấu hạ tầng như miễn, giảm tiền sử dụng đất và miễn giảm có thời hạn tiền thuê đất, các loại thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Đối với các dự án BOT có thời hạn thu hồi vốn kéo dài, ngân sách Nhà nước sẽ tham gia góp vốn cùng thực hiện.
DiaOcOnline.vn - Theo Đô Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: