Top

Quy hoạch sử dụng đất: Quyền hạn và trách nhiệm

Cập nhật 23/01/2008 15:00

Theo nhận định của một chuyên gia nghiên cứu địa chính, lẽ ra việc quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải trở thành cơ sở pháp lý cho thu hồi đất, giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, nếu như việc kiểm tra xem xét thực hiện quy hoạch sử dụng đất không bị buông lỏng. Hiện tượng tự chuyển mục đích sử dụng đất vì mục tiêu lợi nhuận còn phổ biến ở nhiều nơi.

Khu đô thị mới An Vân Dương, TP. Huế hiện đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt quy hoạch chi tiết một phần. Chuyện sẽ chẳng có gì phải bàn nếu không có việc đã có rất nhiều dự án đầu tư nhảy vào và được cấp đất vô tội vạ, làm bộ mặt của khu đô thị hiện đại mới tượng hình này có nguy cơ bị biến dạng. Kết quả tổng kiểm kê mới đây của Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Thừa Thiên - Huế trên khu vực rộng hơn 380ha tại khu A - đô thị mới An Vân Dương, cho thấy có 27 dự án đã được giao đất hoặc có chủ trương giao đất; nhiều dự án đã được cấp chứng chỉ qui hoạch từ nhiều năm trước. Và với việc giao đất dễ dãi như vậy đã khiến nhiều dự án "ăn" vào cả phần đất công trình công cộng của đô thị.

Việc không tuân thủ qui hoạch như thế chắc chắn sẽ gây hậu quả nặng nề đối với toàn thể khu đô thị mới An Vân Dương, bởi các phân khu chức năng bị đảo lộn. Còn gì là đô thị mới đồng bộ và hiện đại !

Vẫn theo chuyên gia này, mặc dù đã tập trung thực hiện việc dồn điền đổi thửa thành công ở nhiều nơi nhưng nhìn chung, thửa đất nông nghiệp vẫn còn quá nhỏ, toàn quốc còn tới 70 triệu thửa đất, do đó, canh tác manh mún, chưa tạo thuận lợi để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Chưa có đầu tư để sử dụng đạt hiệu quả cao đối với 1.168.529 ha đất nương rẫy, việc sử dụng đất chưa trở thành động lực để xóa đói giảm nghèo và tiến tới phát triển bền vững kinh tế - xã hội miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Việc chuyển một bộ phận đất chuyên trồng lúa để phát triển công nghiệp và dịch vụ chưa được cân nhắc một cách tổng thể đang là vấn đề cần chấn chỉnh. Mặc dù diện tích rừng tăng nhưng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục bị tàn phá và suy giảm chất lượng ở nhiều nơi, mức độ phục hồi chậm. Nơi còn nhiều đất có thể trồng rừng thì mật độ dân cư thưa, hạ tầng quá thấp kém.

Trên thực tế, UBND tỉnh Bình Phước vừa triển khai kế hoạch thu hồi cưỡng chế giải tỏa đất lâm nghiệp bị khai phá, lấn chiếm trái phép đợt 1 trong năm 2008. Đặc biệt chú ý thu hồi lại những diện tích đất lâm nghiệp bị khai phá trái phép từ năm 2006 đến nay và những diện tích mà người dân tái lấn chiếm trong thời gian qua; bảo đảm giữ được diện tích rừng hiện còn tại các ban quản lý rừng.

Nhận xét về hai năm thực hiện việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, tình hình phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp năm 2007 đã giảm so với những năm trước, nhưng vẫn còn xảy ra và có lúc có nơi còn phức tạp hơn. Nhất là ở các diện tích đất đã thu hồi giao cho các đơn vị và chương trình dự án của tỉnh đã diễn ra khá phức tạp.

Ở một khía cạnh khác, hệ thống quy hoạch sử dụng đất còn thiên về sắp xếp các loại đất theo mục tiêu quản lý hành chính, chưa tính toán đầy đủ về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững trong sử dụng đất, chưa phát huy cao nhất tiềm năng đất đai.

Nhìn trên tổng thể, các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất ở nước ta từ nay đến 2020 được nêu ra tại Hội thảo khoa học về quy hoạch sử dụng đất, tổ chức tại Viện Nghiên cứu địa chính cách đây chưa lâu, vẫn còn nguyên giá trị khoa học và thực tiễn. Phải gắn quyền hạn với trách nhiệm.

Một giải pháp trước mắt cần nhấn mạnh, đó là ngân sách Nhà nước cần đảm bảo đủ cho công tác lập quy hoạch sử dụng đất các cấp theo nguyên tắc cấp trên đảm bảo cho cấp dưới trực tiếp, huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện dự án đầu theo theo quy hoạch được duyệt.

Theo Bộ TN - MT