Nếu không có gì thay đổi, ngày 24/1/2008 tới đây Ban quản lý đầu tư xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về việc xây dựng 3 công trình công cộng có tính chất là điểm nhấn cho Thủ Thiêm: quảng trường trung tâm, công viên bờ sông và cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn.
Trước đó chưa lâu Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cũng vừa mới hoàn tất cuộc thi tìm kiếm ý tưởng thiết kế cho trung tâm hiện hữu của Sài Gòn. Việc “phủ” kín quy hoạch và làm thiết kế đô thị đang ở phía trước. Vẻ đẹp nào cho khu vực trung tâm TPHCM trong thế kỷ 21 dường như vẫn trong quá trình tìm kiếm…
Quảng trường là... phòng khách của đô thị?
Chưa tới ngày tổ chức hội thảo nhưng những góp ý của các nhà khoa học về cụm 3 công trình trên đã dày lên ở Ban quản lý đầu tư xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm (sau đây gọi tắt là Ban quản lý).
Chỉ đọc các tài liệu này thôi cũng có thể hình dung ra sự sôi động sẽ có ở hội thảo. Các ý kiến thật đa dạng và rất lý thú. Gần như duy một vấn đề được hầu hết các nhà khoa học thống nhất, đó là 3 cụm công trình trên phải là không gian mở, nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân thành phố và là nơi người dân thành phố “đón tiếp” bạn bè. Kiến trúc sư Khương Văn Mười và kiến trúc sư Trương Song Trương đã ví von “nơi đây phải được xem là phòng khách của đô thị”.
Cuộc tranh luận (nếu xảy ra) có lẽ sẽ bắt đầu từ chuyện “phòng khách” này sẽ được “bày biện” như thế nào? Từ vấn đề này, các ý kiến của các nhà khoa học thật khác nhau.
Thạc sĩ kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn đề nghị: quảng trường đẹp phải được định hình rõ nét theo các nguyên tắc hình học và được bao bọc bởi những công trình xung quanh, tạo được phần không gian trống tích cực.
Các công trình vây quanh quảng trường phải được xây theo chỉ giới thẳng hàng và chiều cao đồng nhất một cách tương đối để tạo cảm giác trật tự - liên tục - thống nhất. Các chi tiết kiến trúc của các công trình này như ban công, cửa sổ… cũng nên được cân nhắc khi thiết kế sao cho tạo được nhịp điệu trong kiến trúc. Kiến trúc sư Hải còn đề xuất: “thổi sức sống” vào quảng trường bằng những công trình nghệ thuật như đài phun nước, tượng đài…
Hệ thống chiếu sáng, biển hướng dẫn cũng phải có chức năng trang trí cho quảng trường. Kiến trúc sư Hải cũng lưu ý: tránh những mảng bê tông lớn cho các công trình kiến trúc ở đây vì rất không phù hợp với khí hậu nóng bức của miền Nam.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, bộ môn Đô thị học Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, hơi có một chút băn khoăn vì hình thế quảng trường: chiều dài gấp 3,5 lần chiều rộng, một đầu to và một đầu nhỏ sẽ không tiện cho các lễ hội chính trị trọng đại.
Và ông đã đề xuất phương án giải quyết bất cập này, nên chăng xây dựng quảng trường và công viên với các module di động. Khi cần sẽ “xếp hình” tạo ra vườn hoa, cây xanh…, khi khác có thể di dời để trả lại mặt bằng cho các hoạt động diễu binh, diễu hành.
Ông Hòa cũng e ngại các công trình nhà cao tầng xung quanh quảng trường (nếu có) sẽ vô hình trung kẹp quảng trường vào giữa như một cái ống trong khi các quảng trường trên thế giới thường xa nhà dân, nếu có nhà thì cũng là nhà thấp, có tán lá che khuất.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười và kiến trúc sư Trương Song Trương lại nhấn mạnh đến tính an toàn, an ninh cho quảng trường. Theo hai ông, vấn đề này luôn rất quan trọng đối với bất cứ không gian kiến trúc công cộng nào.
Hai ông nêu quan điểm, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái và an tâm hơn trong một khu vực có cái nhìn bao quát và hệ thống chiếu sáng đầy đủ. Do vậy, thiết kế mang tính chiều sâu là một công cụ tăng cường cảm giác sảng khoái của con người và làm cho không gian thân thiện với mọi người.
Và một trong những giải pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng là tạo ra không gian dễ nhìn thấy, dễ quan sát, giảm thiểu các xung đột về giao thông giữa người đi bộ và các phương tiện giao thông khác. Cần tránh những vật dụng hoặc công trình kiến trúc làm cản tầm nhìn.
“Hồn” nào cho quảng trường?
Vấn đề này chắc chắn cũng sẽ được tranh luận sôi nổi không thua kém chuyện “bày biện” như thế nào? Mà thực ra, chuyện “bày biện” ở một góc độ nào đó cũng làm nên cái “hồn” cho quảng trường…
Phó giáo sư - tiến sĩ Mạc Đường, Chủ tịch Hội Dân tộc học TPHCM, phân tích: TPHCM nổi lên 3 truyền thống lịch sử và văn hóa mang tính khác biệt về nhân văn so với cả nước.
Đó là truyền thống phát triển thương mại (nơi đây từ lâu đã trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước); truyền thống chống nô dịch và lệ thuộc nước ngoài (với truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng); truyền thống canh tân xã hội (luôn là điểm khởi đầu của đổi mới).
Do vậy, cả ba truyền thống này phải được thể hiện trong thiết kế quảng trường, công viên dọc bờ sông và cầu đi bộ. “Muốn thiết kế theo tinh thần này thì phải đặt tên phù hợp cho công trình.
Tên công trình sẽ giúp ta định hướng nội dung thiết kế”, ông Đường tiếp tục lý luận. Và ông đã đề xuất: quảng trường mang tên Hồ Chí Minh, công viên mang tên Đổi Mới, cầu đi bộ Thành Đồng với các hình ảnh, tượng đài về Bác Hồ, về sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và đổi mới của thành phố.
Kiến trúc sư Lương Tú Quyên, Phó Chủ nhiệm khoa Quy hoạch Đô thị - Nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lại có suy nghĩ rất lãng mạn. Kiến trúc sư lập luận: Lịch sử phát triển của các nước trên thế giới cho thấy các không gian công cộng lớn trường tồn khi nó phản ánh được ước vọng của con người về cuộc sống, về thiên nhiên tươi đẹp. Những ước vọng này thay đổi theo thời gian, theo điều kiện kinh tế - xã hội…
Trong chiến tranh những cái tên Chiến Thắng, Hòa Bình… được ưa chuộng, nhưng trong hòa bình thì những cái tên Thịnh Vượng, Hạnh Phúc lại chiếm ưu thế. Ngày nay ước vọng về một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên thì những cái tên như Vầng Trăng, Mặt Trời, Ánh Sáng… hay được sử dụng.
Cân nhắc nhiều phương án, kiến trúc sư đề nghị: Công viên ven sông với dải đất cong cong như hình lưỡi liềm, nên chăng lựa chọn tên Lưỡi Liềm, Ánh Trăng hay Vọng Nguyệt…
Trong quy hoạch chi tiết đã ấn định mặt bằng quảng trường hình tia, nên chăng lấy tên là quảng trường Ánh Sáng. Nếu tên quảng trường là Ánh Sáng thì cầu đi bộ nên là Cầu Vồng.
Kiến trúc sư liên tưởng: Thật thú vị khi vào buổi tối nhìn thấy vầng sáng chói lòa, rực rỡ trên bầu trời thì biết đó là quảng trường Ánh Sáng. Vào ban ngày thì rực lên sáng nhờ hiệu ứng ánh sáng từ mặt nước và các vật liệu phản quang. Lan can cầu thì dùng kính màu như 7 sắc cầu vồng, nhìn từ xa luôn thấy dường như có một dải lụa bắc qua sông…
Dự kiến từ nay đến ngày hội thảo sẽ còn nhiều ý kiến đóng góp khác được gửi tới Ban quản lý. Vẻ đẹp nào cho khu vực trung tâm thành phố xem ra còn phải cân nhắc nhiều
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM
Sẽ có một vẻ đẹp hài hòa giữa đô thị hiện hữu và Thủ Thiêm
Theo quy hoạch chung TPHCM, khu vực quận 1, 3 một phần của quận 4 và Bình Thạnh cùng với đô thị mới Thủ Thiêm sẽ trở thành trung tâm TPHCM. Như vậy, về nguyên tắc khu đô thị hiện hữu và đô thị mới sẽ không được “chõi” nhau về kiến trúc. Về việc này ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho biết:
Ngay khi làm quy hoạch Thủ Thiêm, các nhà làm quy hoạch đã tính toán đến việc hài hòa giữa đô thị hiện hữu và đô thị mới… Như khi quy hoạch quảng trường trung tâm Thủ Thiêm họ đã phải nghĩ đến việc kết nối với quảng trường Mê Linh (quận 1), công viên dọc bờ sông phía Thủ Thiêm với công viên Bạch Đằng dọc bờ sông phía quận 1…
Ngược lại khi thi ý tưởng thiết kế trung tâm đô thị hiện hữu, các tư vấn cũng đã quan tâm đến các công trình bên Thủ Thiêm. Quảng trường trung tâm Thủ Thiêm là không gian sinh hoạt cộng đồng thì phía quận 1, đoạn từ đường Tôn Đức Thắng - khu vực gần Ba Son tới cầu Khánh Hội đã tính toán đến khả năng cho các phương tiện giao thông đi ngầm.
Nơi đây sẽ chỉ dành cho người đi bộ thư giãn và có thể qua cầu (đi bộ của Thủ Thiêm) để sang bên quảng trường tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Các trục đường gần đó như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi cũng sẽ được xem xét tổ chức thành đường đi bộ. Tất cả để phục vụ cho một không gian sinh hoạt cộng đồng lớn của TPHCM - nơi biểu trưng cho văn hóa, con người thành phố.
Quảng trường trung tâm:
Sẽ là quảng trường rộng nhất Việt Nam, dài khoảng 700m, rộng từ 80-200m. Quảng trường sẽ nằm gần như đối diện với quảng trường Mê Linh, quận 1.
Công viên bờ sông:
Rộng 16ha, nằm dọc bờ sông Sài Gòn, dài khoảng 2km nhìn về hướng đô thị hiện hữu.Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn: Dài khoảng 320m, bắc qua sông Sài Gòn sẽ kết nối quảng trường trung tâm Thủ Thiêm với quảng trường Mê Linh.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: