Chỉ còn 500 ngày nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều sự kiện, công trình đặc biệt sẽ được tổ chức và hoàn thành. Một câu hỏi đặt ra: Tương lai của Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 sẽ ra sao? Sau báo cáo lần 1 của tư vấn nước ngoài PPJ vào cuối tháng 4-2009, Chính phủ đã chỉ đạo cần nghiên cứu đề xuất thêm một số phương án quy hoạch Thủ đô và huy động tối đa kiến thức của các chuyên gia tham gia ý kiến tư vấn.
Dưới đây là bài viết của TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, là chuyên gia đã có quá trình tham gia quản lý, nghiên cứu và đang giảng dạy về quy hoạch - kiến trúc tại một số trường đại học.
Thủ đô Hà Nội có lịch sử phát triển lâu dài, đã không ít lần thay đổi địa giới và chỉ từ năm 1954 đến nay đã có 6 lần điều chỉnh quy hoạch chung (không kể các lần điều chỉnh cục bộ). Để nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội trong hội nhập, giữ vai trò đô thị quan trọng của cả nước, có sức hút và tác động với khu vực, cũng như giải quyết những tồn tại của đô thị hiện có, từ 1-8-2008 Hà Nội được mở rộng với quy mô đất tự nhiên 3.344km2, dân số gần 6,3 triệu, với 29 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 quận, 18 huyện, 1 thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức lớn cho công tác quy hoạch xây dựng, mà bước đi đầu tiên là phải có quy hoạch chung xây dựng cả Thủ đô. Theo kế hoạch, quy hoạch chung sẽ được phê duyệt, công bố vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thời gian để nghiên cứu không nhiều, đối tác được giao nghiên cứu là Liên danh Tư vấn quốc tế PPJ có sự phối hợp với một số đơn vị trong nước. Trong báo cáo cuối tháng 4-2009, tư vấn đã đưa ra 2 ý tưởng phát triển trên cơ sở đánh giá hiện tượng và phân tích bài học kinh nghiệm quốc tế. Ý tưởng phát triển bền vững được đề cập với 3 hình ảnh Hà Nội. Đó là thành phố sinh thái (bền vững về môi trường), thành phố bền vững về văn hóa - xã hội (thủ đô) và thành phố bền vững về kinh tế (công nghiệp trí thức), với dự tính dân số 10 triệu người, GDP bình quân 20.000 USD vào 2030. Đây là những ý tưởng mới, hiện đại đã tiếp cận với nguyên tắc quy hoạch chung, kinh nghiệm của nước ngoài. Song, khách quan nhận thấy còn không ít tồn tại, mà nổi rõ là tính khả thi chưa cao, chưa chọn lọc khai thác được những ưu điểm của quá trình quy hoạch, thực hiện xây dựng theo quy hoạch trong giai đoạn trước và lớn hơn cả là chưa rõ bản sắc văn hóa của Thăng Long và Hà Nội mở rộng.
Ý tưởng về thành phố sinh thái là xu thế của thế giới hiện nay. Song, xác định mô hình hành lang xanh với tỷ lệ 60% diện tích (gồm 40% là vùng bảo tồn, 20% là vùng phát triển dựa trên bảo tồn) để thay thế cho mô hình vành đai xanh xác định trong quy hoạch đã duyệt năm 1998, cần làm rõ các khu vực bảo tồn. Trong xác định không gian mới cho Hà Nội, yếu tố văn hóa, bảo tồn di sản là vấn đề được đặt ra đúng mức.
Trong khu vực Hà Nội cũ, lịch sử đã để lại cho chúng ta gần 2.000 di tích, với hơn 500 di tích xếp hạng trải đều trên khu vực Thăng Long - Hà Nội và có khu phố cổ (dấu ấn đô thị thời phong kiến) với quy mô 100ha; có khu phố Pháp với quy mô khoảng 800ha (trong nội đô hiện nay) với quy hoạch và thiết kế đô thị có nét đặc trưng với nhiều công trình kiến trúc từ công cộng đến nhà ở có bản sắc, gắn kết hài hòa tạo nên những không gian đô thị riêng phù hợp với điều kiện khí hậu, với lối sống truyền thống.
Ngày nay, với Hà Nội mở rộng, chúng ta thêm nhiều di tích (tổng số gần 5.200 di tích, trong đó hơn 1.000 di tích xếp hạng quốc gia). Có gần 1.270 làng nghề truyền thống, có văn hóa "xứ Đoài", có Đường Lâm, có những di tích thắng cảnh như chùa Hương, Quan Sơn... Bảo tồn để giữ được truyền thống, bản sắc để có sức hút không chỉ với khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương, mà còn cả với thế giới. Gìn giữ bản sắc để hội nhập, không "hòa tan" là xu thế cần xác định. Xin nêu ví dụ, nếu Hội An (Đà Nẵng) được xem như là một bảo tàng về lối sống đô thị cổ, thì Đường Lâm (Hà Tây cũ) phải được xem như là bảo tàng lối sống nông thôn cổ xưa nơi có tới gần 20 di tích với 7 di tích xếp hạng quốc gia, có hơn 900 ngôi nhà cổ truyền thống (trong đó 57 ngôi nhà đã được xếp hạng với lịch sử tồn tại hơn 200 năm). Đó là chưa kể đến những di sản phi vật thể phong phú: sinh hoạt dòng họ, lễ hội dân gian... Đây là một đặc trưng văn hóa sẽ tạo nên động lực để phát triển du lịch.
Với khu phố cổ Hà Nội, khu "36 phố phường" cần được xác định cơ chế bảo tồn thích hợp để thu hút đầu tư nhằm bảo tồn, khai thác có hiệu quả. Nhìn ra bên ngoài ta thấy có những bài học: chẳng hạn ở Bắc Kinh nhân sự kiện Olimpic 2008 thế giới mới biết đến "Lưu Li Xưởng" phố văn hóa nghệ thuật cổ, chỉ cách Thiên An Môn khoảng 2km. Với lịch sử phát triển gần 800 năm, chiều dài phố không đến 1km, nhưng đã được gìn giữ, tôn tạo trở thành "bảo tàng phố cổ" chủ yếu là sách và tranh. Đây là bài học kinh nghiệm cần quan tâm cho việc gắn kết bảo tồn và phát triển. Bên cạnh các khu vực cần bảo tồn, các khu di tích cần tôn tạo, quy hoạch chung lần này phải làm rõ các khu chức năng trung tâm như Trung tâm Hành chính quốc gia, các trung tâm thương mại tài chính, các khu nghỉ dưỡng, khu triển lãm - hội chợ, các trung tâm giáo dục - đào tạo, các khu công nghệ.
Việc xác lập hợp lý cơ cấu, quy mô các khu chức năng sẽ là tiền đề để phát triển bền vững, để Hà Nội luôn đủ điều kiện xứng tầm là Thủ đô. Diện mạo mới của Hà Nội còn phải giải quyết thỏa đáng hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật cho lâu dài khi vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu đang được cả thế giới quan tâm. Một Hà Nội mới trong tương lai với quy hoạch chung có chất lượng cao, có sự tham gia của cộng đồng, cách quản lý chặt chẽ sẽ là Thủ đô phát triển bền vững và hội nhập. (TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm)
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: