Top

Quản lý đô thị bằng thiết kế

Cập nhật 09/09/2007 10:00

Nghị định 08/2005_CP được ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua ngày 26-11-2003. Tại mục 4, điều 30, 31 yêu cầu trong nội dung quy hoạch đô thị phải có khâu thiết kế đô thị (TKĐT). Toàn xã hội ồ lên: Thật mới mẻ và đột phá, hứa hẹn chấm dứt bức tranh lộn xộn đô thị thời mở cửa. Nhưng...

“TKĐT không phải là mới so với những việc mà các bậc tiền bối đã thực hiện bao đời nay để xây dựng được đô thị đẹp, giá trị sử dụng cao” - GS-TSKH Nguyễn Thế Bá (Chủ tịch Hội Quy hoạch VN ) đã tuyên bố trong diễn đàn nghiên cứu bàn về TKĐT mới đây tại Hà Nội. GS Kim Quảng Quân, tác giả cuốn sách TKĐT ở Trung Quốc, khẳng định: “Có xây đô thị thì có TKĐT”.

Chuyện xưa như trái đất

Cụm từ TKĐT (urban design) và cụm từ quy hoạch đô thị (QHĐT - urban planning) trong Luật Xây dựng hiện nay đang được gá thành cặp. TKĐT ra đời từ buổi bình minh của đô thị cổ đại. Nó làm nhiệm vụ nhạc trưởng tạo thành bản đại hợp xướng của nghệ thuật tổ chức đô thị, không gian, cảnh quan, phong cách kiến trúc, màu sắc, vật liệu... Các đô thị cổ đại xinh xắn, nhỏ bé lặng lẽ phát triển qua các thời đại chỉ với công cụ của TKĐT để hình thành cấu trúc đô thị độc đáo mà không một đô thị hiện đại nào sánh kịp.

Còn QHĐT ra đời muộn hơn rất nhiều. Năm 1909, kiến trúc sư E.He’brard công bố ở Rome đồ án đầu tiên có quan niệm về quy hoạch đô thị hiện đại, sau đó là ở Anh năm 1912 và ở Pháp năm 1913 với nguyên tắc mới “dựa vào phân vùng chức năng trong đô thị (zoning)”. Sau này QHĐT trở thành một khoa học tổng hợp về tổ chức môi trường không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Năm 1974, trong cuốn Urban design, kiến trúc sư Christopher Alexander (Mỹ) đã chỉ ra rằng: QHĐT tuy phát triển mạnh, nhưng sản phẩm chỉ đẻ ra các thành phố tẻ nhạt, giống nhau từ Đông sang Tây. Ông chỉ rõ cách thức hồi sinh quan điểm TKĐT trong quy hoạch đô thị chính là đô thị phải được tính toán kỹ càng tới từng bến đỗ xe, thùng rác, lối vào các căn nhà... một cách nghệ thuật để làm thành phố sinh động lên và đặc biệt phải đẹp lên như... thời xưa.

Chưa định hình đã…bấm máy sản xuất

Nội dung TKĐT của VN được luật hóa đã 4 năm, thể chế hóa đã 3 năm nhưng vẫn chưa thể đi vào cuộc sống, bởi chưa có đồ án QHĐT nào ở VN thể hiện nội dung TKĐT, vậy mà hằng ngày nó vẫn được phê duyệt cả trăm cái. Xét về bản chất, cả nước ta đang làm QHĐT trái luật. Tại sao vậy?

Sản phẩm của TKĐT có 3 dạng:

1- Chính là các bản vẽ thể hiện nội dung TKĐT trong quy hoạch chi tiết.

2 - Nhưng các quy chế, quy định, hướng dẫn đi kèm với bản vẽ mới là sản phẩm chính để đưa các bản vẽ TKĐT vào bộ máy quản lý Nhà nước, vào các cơ quan chuyên môn và đến với người dân thông qua các khung pháp lý và quy phạm, biến ý đồ chuyên môn thành các quy định dễ hiểu thông dụng cho mọi người.

3 - Các thể chế và chế tài thực thi TKĐT để bắt buộc mọi người tuân thủ TKĐT trong xây dựng bất kể quy mô nào.

Nhưng cả 3 sản phẩm đều chưa được đề cập và làm rõ trong Nghị định 08, cho nên các cơ quan lập quy hoạch, người thiết kế và các cấp chính quyền chưa hình dung mình phải làm gì và sản phẩm TKĐT hình thù ra sao, Bộ Xây dựng đã bấm máy... sản xuất TKĐT trong toàn quốc.

Để TKĐT trở thành công cụ quản lý đô thị

Về bản thiết kế: Nghị định 08 chỉ đưa nội dung quy hoạch đô thị ở hai cấp độ: quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, chứ chưa quy định cụ thể về TKĐT phải làm riêng cho các khu vực đặc thù của thành phố (thí dụ khu phố cổ cần bảo tồn thì bản vẽ TKĐT chủ yếu là cải tạo, chỉnh trang xen cấy chứ không tự ý... sáng tác được. Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước về QHĐT còn ban hành đơn giá quy hoạch, trong đó thể hiện “Sự đánh đồng về khối lượng thực hiện giữa các loại hình và khu vực đô thị, vì trong đơn giá quy hoạch nội dung TKĐT được trả chung cho mọi loại hình quy hoạch từ đơn giản đến phức tạp một mức chung là 28% là điều hết sức phi lý”.

Về các quy định, hướng dẫn kèm bản vẽ TKĐT cần phải có thì cũng chưa được đề cập trong Nghị định 08 một cách cụ thể. Lý do đơn giản là nghị định thiếu cơ sở khoa học về phân loại các loại hình và khu vực quy hoạch.

Về thể chế và chế tài thực hiện TKĐT: là nội dung bắt buộc hoặc khuyến khích các thành phần Nhà nước, tập thể, tư nhân tham gia xây dựng đô thị phải tuân thủ TKĐT trong quy hoạch. Nội dung này hầu như không có mặt trong Nghị định 08 và bất cứ văn bản hướng dẫn nào về TKĐT. Khâu này làm bế tắc công việc thực thi TKĐT, bởi nếu không có nó thì lấy gì bắt buộc đội ngũ quản lý và lãnh đạo địa phương ràng buộc với TKĐT. (Theo TS Phạm Hùng Cường - Đại học Xây dựng Hà Nội)


Theo Tuổi Trẻ