Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ yêu cầu các địa phương khẩn trương lập quỹ phát triển nhà ở góp phần hỗ trợ các dự án nhà ở hoặc cho vay ưu đãi mua nhà ở đối với các đối tượng thu nhập trung bình và thấp bằng hình thức cho thế chấp bằng chính nhà ở và lãi suất thấp hơn cho vay kinh doanh và do UBND tỉnh, thành phố quy định.
Đây là một trong nhiều giải pháp nhằm "hâm nóng" thị trường bất động sản (BĐS). Theo nhận định của các chuyên gia, sự suy giảm của thị trường BĐS thời gian qua đã ảnh hưởng đến một số ngành kinh tế khác. Vì vậy, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư BĐS sẽ có tác động tích cực, làm thị trường sôi động trở lại; tạo điều kiện cho một số ngành khác tăng trưởng theo.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Nhà nước có thể xem xét miễn lệ phí trước bạ đối với người dân mua căn hộ chung cư có diện tích dưới 60 m2 và áp dụng cho lần đầu; giảm 50% lệ phí trước bạ cho các đối tượng bán nhà để mua nhà ở khác nhằm cải thiện điều kiện sống, hoặc bán nhà để mua nhà ở mới do di chuyển chỗ ở cho phù hợp với điều kiện làm việc, học tập...
Để hỗ trợ doanh nghiệp, thời hạn vay cho kinh doanh BĐS có thể kéo dài hơn các ngành nghề khác để phù hợp với đặc điểm của loại hình kinh doanh có thời gian thu hồi vốn dài. Bên cạnh đó, chính sách thuế nhà đất nên được nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng luỹ tiến đối với người sử dụng nhà, đất cao hơn hạn mức, hoặc có nhà đất nhưng không sử dụng.
Đặc biệt, giai đoạn này, chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở thuê và thuê mua cần tập trung tối đa nguồn lực để phát triển.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc khoanh nợ, giãn nợ cũng rất cần thiết vì hiện nay các doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn hoặc không dám vay tiếp vì thị trường ảm đạm. Các biện pháp giãn nợ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có kinh phí triển khai dự án để tăng nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó cần thiết lập một định chế tài chính mới là quỹ tín thác BĐS như một kênh huy động vốn giúp doanh nghiệp có thể huy động tối đa nguồn vốn trong nhân dân.
Hiện nay, quy định chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đã thi công xong phần móng cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để đề xuất sửa đổi quy định này theo hướng vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo quyền lợi của người dân và nguyên tắc công khai minh bạch trong kinh doanh BĐS.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: