Ngay sau khi khởi đăng loạt bài “Kích cầu nhà ở xã hội, từ đâu?”, đã có nhiều ý kiến bức xúc của các chuyên gia, bạn đọc xoay quanh việc xây dựng nhà ở xã hội. Sau đây là một số ý kiến trong số đó.
*
Ông Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường: Phải có trợ giúp của Chính phủ!
Hiện nay người ta bàn tới vấn đề nhà ở xã hội (NƠXH) nhiều là do đề xuất của Bộ Xây dựng về gói kích cầu cho NƠXH. Thực ra vấn đề NƠXH đã được thảo luận quyết liệt khi soạn thảo cũng như thông qua Luật Nhà ở. Trong đó, vấn đề NƠXH được đề cập rất nhiều nhưng sau đó lại chưa triển khai được một cách mạnh mẽ. Vì sao, bởi vì đây là vấn đề liên quan đến thị trường, đồng thời cũng là vấn đề an sinh xã hội, chúng ta chưa có cơ chế kích thích đầu tư cho NƠXH. Nói chung vấn đề này chưa được giải quyết một cách thấu đáo là vì cơ chế giải quyết của chúng ta còn thiếu để kích thích khu vực này của thị trường.
NƠXH phải giải quyết hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư để họ mạnh dạn thực hiện. Chắc chắn NƠXH phải có sự trợ giúp của Chính phủ, thông qua việc cho vay trước vào lương, rồi xử lý thu lại từ lương, cũng như tính đến quỹ NƠXH cho những người lao động bình thường… Hay nói cách khác, một vấn đề mang tính xã hội nhưng phải giải quyết bằng cơ chế thị trường, đó là cái khó khăn lớn nhất.
Còn những vấn đề liên quan đến pháp luật hiện nay, có lẽ không có gì ngăn trở cả, cũng đã ủng hộ hết mức cho việc tạo thành NƠXH. Theo tôi, chỉ là vấn đề cơ chế lúc tạo thành như thế nào để nhà đầu tư thấy có lợi mà dồn vốn vào phân khúc này. Mặt khác, NƠXH chắc chắn giá phải thấp hơn những loại khác, do đó chúng ta quản lý NƠXH như thế nào để đảm bảo an sinh xã hội là tiêu chí đầu tiên, chứ không phải tiêu chí thị trường. Tiếp đó, sự trợ giúp của Chính phủ cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường, lúc đó mới có tác dụng tích cực.
Tôi cho rằng, vấn đề này chúng ta nên có tham khảo chính sách của một số nước. Hình thức hợp tác xã nhà ở là hình thức mà Thụy Điển cũng như các nước Bắc Âu khác áp dụng để quản lý thị trường nhà chung cư cho những người lao động và họ quản lý rất tốt, không có đầu cơ, không ai tích trữ để sinh lợi cả. Hợp tác xã sẽ bao sân toàn bộ việc sử dụng thừa thiếu như thế nào, chuyển nhượng, làm cho vấn đề an sinh xã hội thực chất là an sinh xã hội, không lấn cấn chuyện gì vào đây.
*
Ông Phạm Uyên Nguyên thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà Sài Gòn Giá căn hộ có thể còn 500 triệu đồng
Theo thống kê, hiện nay có 70% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi, rất nhiều bạn trẻ không dám lập gia đình vì không có nhà ở. Như vậy mới thấy được nhu cầu về nhà ở của đối tượng trên khá cao. Đây cũng là đối tượng có thể kích cầu được thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải giải quyết đồng bộ bài toán sau. Thứ nhất, Nhà nước cần phải hỗ trợ cho các DN về đất (miễn thu tiền sử dụng đất) vì chi phí đền bù, giải tỏa một khu đất đã nhiều, nếu thêm tiền sử dụng đất thì giá thành của căn hộ sẽ tăng lên. Thứ hai, cần phải tinh giản tối đa thủ tục hành chính vì hiện nay, trung bình một dự án từ khi lập dự án đến khi xây dựng mất ít nhất từ 1,5 - 2 năm, như vậy giá thành cũng sẽ “đội” lên mà doanh nghiệp cũng ngán nên không tham gia.
Thứ ba, kỹ thuật xây dựng tại Việt Nam hiện nay còn quá thấp (chậm hơn các nước khoảng 30 năm) nên thời gian kéo dài, giá thành sản phẩm tăng lên. Và điều này chúng ta hoàn toàn có thể “hoàn thiện” được vì hiện có nhiều kỹ thuật xây dựng tiên tiến trên thế giới. Chẳng hạn như tại Hàn Quốc, hiện đã có công nghệ xây dựng với giá thành chỉ bằng khoảng 30% so với giá thành xây dựng của ta hiện nay.
Thứ tư, cần quy hoạch những khu đất có quy mô khoảng 10 ha để xây dựng nhà cho đối tượng trên, như thế sẽ giảm được chi phí đầu tư vào hạ tầng (một phần không nhỏ trong các dự án) và giảm diện tích căn hộ xuống còn khoảng 35 - 40m² (Hong Kong, Singapore, Malaysia đã thực hiện chính sách căn hộ nhỏ cỡ 30m²/căn). Thứ năm là phải đẩy mạnh tín dụng bất động sản cá nhân.
Hiện nay, các ngân hàng hầu như không quan tâm đến việc này (hoặc là thủ tục cho vay quá khắt khe) nên những người có nhu cầu mua nhà cũng không biết làm sao để vay, trong khi đây là đối tượng căn cơ mà các ngân hàng cần phải hướng tới, nhất là trong thời điểm hiện nay nhằm kích cầu thị trường. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách cho vay với lãi suất thấp hơn (khoảng 10%/năm - ngân hàng vẫn có lời) để hỗ trợ người mua nhà.
Giải quyết được các vấn đề trên, giá thành căn hộ sẽ còn khoảng 500 triệu đồng/căn, trả trước 20% - 30%, số còn lại có thể trả góp từ 20 năm thì những người thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng hoàn toàn có thể sở hữu được một căn hộ theo thu nhập của mình.
Các hộ dân tái định cư dài hạn được vay lo chỗ ở mới
Để giải quyết cho người dân tạm cư dài hạn có chỗ ở mới, UBND TPHCM vừa chấp thuận về chủ trương cho vay đối với các hộ dân tái định cư. Theo đó, UBND TP giao cho Quỹ Phát triển nhà ở TP chịu trách nhiệm giải quyết cho vay đối với các trường hợp tạm cư trong thời gian dài, bị giải tỏa trong các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách. Các hộ dân thuộc diện này được giải quyết vay theo nhu cầu nhưng mức vay tối đa không vượt quá tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ mà các hộ dân đã nhận được. Các hộ dân sẽ trả tiền vay trong thời hạn 15 năm với lãi suất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của ngân hàng thương mại trên số dư nợ.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: