Top

Phập phồng cùng... chung cư cũ

Cập nhật 02/02/2009 11:45

Sống trong những căn hộ chật hẹp, chất lượng nhà ở xuống cấp vì “quá hạn sử dụng”, không biết khi nào phải di dời... là những nỗi khổ của cư dân trong các chung cư cũ nát tại TPHCM.

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn TP từ nay đến năm 2010. Trong đó, có rất nhiều chung cư nằm trong danh sách sửa chữa nhiều năm liền.

Dột, ngập, nghẹt: chuyện thường ngày


Quận 5 hiện có 235 chung cư và hầu hết đều được xây dựng trước năm 1975. Do đã sử dụng 40-60 năm nên phần nhiều đều hư hỏng hoặc xuống cấp nặng.

Nằm trong danh sách “đen” phải kể đến chung cư 206 Trần Hưng Đạo (phường 11, quận 5) với tỉ lệ hư hỏng gần 60%. Có kết cấu như nhà tập thể gồm một trệt, một lầu, lối dẫn vào chung cư này rất hẹp, cầu thang sắt dẫn lên tầng 1 đã gỉ sét hết.

Còn lan can chạy dọc trên lầu không mấy chắc chắn nên người dân không cho trẻ nhỏ đến gần. Theo người dân ở đây, chung cư này “sống” qua tuổi 70 với 70 hộ dân sinh sống. “Cách đây 5 năm, Công ty Quản lý nhà quận 5 đã dựng đà sắt dưới tầng trệt để phòng bị sập và thay hết mái ngói bị mục nát ở các căn hộ bên trên”- một người dân kể.

Bà Phan Thị Mỹ Lệ (nhà số 30) than phiền: “Mưa xuống là nhà nào cũng bị thấm dột, hệ thống cống lại ngập, nghẹt liên miên. Lâu lâu lại thấy có cán bộ xuống đo đạc nhưng chưa nghe chính quyền thông báo cụ thể việc cải tạo hay xây dựng chung cư”.

Còn tại chung cư 24 Ngô Quyền (phường 6, quận 5), vốn là nhà ở công vụ nên diện tích mỗi căn hộ ở đây chỉ khoảng 16 - 49 m2. Đường dẫn vào các căn hộ ở tầng trệt rất tối, ẩm thấp và ngột ngạt. Không gian chung cư càng bịt bùng hơn với hàng trăm ống nhựa chằng chịt chạy từ dưới lên các tầng lầu. Hệ thống ống nhựa này do các hộ bên trên bỏ tiền túi mua để kéo nước sạch lên sử dụng vì máy bơm nước đã bị hư từ lâu.

Chưa hết, các dây cáp điện thoại cũng góp phần biến chung cư này thành một ổ “mạng nhện” tua tủa. Bà Nguyễn Thị Hải Yến (nhà số 03) cho biết: “Nhà có 4 nhân khẩu nhưng chỉ được cấp căn hộ rộng 30 m2 (kể cả gác xép) nên rất chật chội. Sàn rửa chén nằm chung với nhà vệ sinh nên bất tiện lắm”.

Còn bà Huỳnh Thị Huỳnh Hoa (nhà số 24, lầu 1) chỉ cho chúng tôi xem cái máng xối dài được lắp ngay trong phòng khách. “Nước mưa từ trên thấm xuống chảy như suối nên nhà tôi phải lắp máng để dẫn nước vào nhà tắm. Hôm nào mưa to coi như... tát nước liên tục!”- bà Hoa lắc đầu. Hầu hết các hộ dân ở đây đều phải tự “cứu mình” như bà Hoa, nhưng đa số không dám sửa chữa lớn vì sợ tốn kém mà việc di dời thì chưa biết lúc nào!

Bị ách vì vướng chính sách đền bù


“Nhiều lần nghe hứa hẹn sửa chữa, xây dựng lại nhưng ngóng hoài không thấy...” là tình cảnh người dân tại một số chung cư xuống cấp nghiêm trọng ở quận 10. Toàn quận có tổng số 49 lô chung cư với hơn 6.300 căn hộ chen chúc nhau được xây dựng từ những năm 1969-1970. Thời hạn sử dụng ban đầu chỉ khoảng 25 - 30 năm nhưng đến nay những chung cư “quá đát” này vẫn là nơi trú ngụ của hơn 34.000 nhân khẩu.

Qua kiểm định chất lượng, có đến 38 lô chung cư có nguy cơ sụp đổ cao, gồm chung cư Ngô Gia Tự (16 lô phường 2 và 7 lô phường 3), 9 lô chung cư Nguyễn Kim (phường 7), 6 lô chung cư Ấn Quang (phường 9). Thế nhưng, đến nay quận 10 mới tháo dỡ, di dời được 7 lô. Theo lãnh đạo quận 10, một trong những khó khăn chính là chính sách đền bù giải tỏa, tái định cư của TP thường phải điều chỉnh theo thời giá nên rất mất thời gian.

Điển hình là trường hợp lô B chung cư Ngô Gia Tự. Nằm trong danh sách những lô chung cư ưu tiên di dời, từ tháng 3-2008, quận 10 đã trình TP chính sách bồi thường, trong đó có hướng tái định cư các hộ dân vào cao ốc A Ngô Gia Tự khánh thành vào cuối tháng 4-2008.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Khắc Cần, Chủ tịch UBND quận 10, cho biết đến tận tháng 11-2008 TP mới thông qua chủ trương này nên dự kiến cuối quý I/2009 quận mới hoàn chỉnh và công bố cho dân. 184 hộ dân tại đây vừa phải đón thêm một cái Tết nữa trong thắc thỏm, âu lo.

Cũng bị ách lại vì vướng đền bù giải tỏa là chung cư 251 Hoàng Văn Thụ (phường 2, quận Tân Bình). Theo kế hoạch TP đề ra, đây là chung cư duy nhất mà quận Tân Bình phải xử lý dứt điểm cho đến năm 2010. Thế nhưng, đến nay cả 87 hộ phải di dời đều chưa đồng thuận với giá đền bù mà quận công bố trong năm 2008.

Ông Châu Văn La, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết: “Theo đánh giá của chúng tôi, mức giá này khá cao, tương đối sát giá thị trường và thay đổi tùy theo pháp lý của từng hộ... Do người dân chưa đồng ý nên chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Địa ốc quận Tân Bình tăng tiền đền bù. Thế nhưng theo Quyết định 73 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các chung cư cũ mà TP vừa ban hành, những hộ không đủ điều kiện mua hóa giá nhà sở hữu Nhà nước thì không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ không quá 20%. Nếu vậy, nhiều khả năng dự án “đứng” luôn vì vấp phải sự phản đối của người dân. Cách đây một tháng, quận đã kiến nghị với TP cho phép bồi thường theo giá cũ nhưng chưa có phản hồi”- ông La giải thích.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động