Top

Nguy cơ từ những khu nhà “đeo ba lô”

Cập nhật 19/04/2008 10:00

Đã có nhiều vụ cháy xảy ra ở những khu chung cư trên địa bàn Hà Nội, thiệt hại về người và tài sản là không đong đếm được. Có nhiều nguyên nhân gây ra hỏa hoạn, song nguyên nhân chủ yếu vẫn do chính sự tùy tiện của con người gây nên.

Tuy nhiên, những vụ hỏa hoạn xảy ra, sự khó khăn trong công tác cứu hỏa của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy do việc cơi nới tùy tiện dường như không trở thành lời cảnh báo cho những người dân sinh sống ở chung cư!?

Lơ lửng... những “chuồng cọp”

Hà Nội hiện có 77 nhà tập thể cao tầng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người dân. Hầu hết các ngôi nhà được xây dựng từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước đã xuống cấp trầm trọng.

Ghi nhận tại một số khu Kim Liên, Trung Tự, Quỳnh Mai, Nguyễn Công Trứ, Khương Thượng, Thành Công, Giảng Võ, Nghĩa Đô, Mai Dịch… chúng tôi hình dung không nổi đó là khu chung cư bởi hình thù của nó đã biến dị dạng! Nhà nhà đua lồng sắt, “chuồng cọp”, người người tăng thêm diện tích cho ngôi nhà mình bằng những tấm đan bê tông đua ra không trung.

Sự ngấm ngầm vi phạm về trật tự xây dựng đã dần trở thành việc thường làm ở khu... chung cư. Người ta không coi việc làm đó là hiểm họa, vi phạm, tự nhốt mình mỗi khi xảy ra cháy mà chỉ coi lợi ích ngắn trước mắt, đánh đổi cả mạng sống của mình, cũng như sứ mệnh những căn hộ. Một cán bộ công tác tại Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội đã khôi hài rằng: “Đố tìm được dãy nào không có lồng sắt đua ra ở những khu chung cư cũ ấy”.



Lồng sắt không chỉ gây mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn
biết bao nguy hiểm (Chụp tại C4 Thành Công).


Được biết, những khu chung cư này đã trải qua một thời gian dài sử dụng, chất lượng chỉ còn 20- 30% so với chất lượng khi xây dựng. Theo khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội, hầu hết các khu chung cư trước đây đều xây dựng trên nền đất yếu… Móng được kết cấu rất nông, chỉ từ 1,5 - 2,5m so với mặt đất. Do vậy rất dễ bị biến động khi có lực tác động. Nhiều khu nhà đã bị nứt, lún, nghiêng… Sự xuống cấp của những khu chung cư trên địa bàn Hà Nội do nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần không nhỏ do ý thức của những người trực tiếp sinh sống gây nên...

Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng, về cơ bản, tất cả những tác động trái với kết cấu của khu nhà sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nó. Sự lún nứt của những dãy nhà chung cư cũ hiện nay không nằm ngoài lý do bị người dân cơi nới, đua lồng sắt... Hiểm họa không chỉ dựng lại ở việc lún nứt, sập nhà, sự “cải tạo” tùy tiện đã tiềm ẩn biết bao nguy cơ... Khi cơi nới sẽ phải đục phá làm thay đổi kết cấu, kiến trúc, hệ thống kỹ thuật của công trình…

Nhiều hộ diện tích cơi nới ngang bằng hoặc thậm chí còn rộng hơn diện tích được cấp phép sử dụng. Hiện tại nhiều ngôi nhà tập thể cao tầng ở Thành Công, Thanh Xuân, Nguyễn Công Trứ, Trung Tự… mức độ ăn mòn sắt thép liên kết mối nối tại vị trí tường ngoài không bảo đảm an toàn bê tông, mối nối bị phá vỡ làm cho sắt thép bị ôxi hóa ăn mòn. Đặc biệt, việc cơi nới đã ảnh hưởng đến quy hoạch tại các khu này khiến các ngôi nhà trở thành mối nguy hiểm đối với sự an toàn của người dân.

Lạc vào “Thiên la địa võng”

Nhiều người cho rằng đi vào khu chung cư cũ như lạc vào “thiên la địa võng”, quả không sai. Cho dù những dãy chung cư trên địa bàn Hà Nội đã đánh số thứ tự 1,2,3, a,b,c... nhưng sẽ không hề dễ dàng cho người tìm nó. Hầu hết, đối với những khu nhà chung cư cũ thì việc di chuyển đồ vật hay vận chuyển thứ gì có kích thước lớn là điều rất khó khăn. Khu chung cư nằm sâu trong ngõ 190 Lò Đúc hay dãy chung cư thuộc khu tập thể Bộ Thủy sản (phường Ngọc Khánh) là một trong những khu chung cư được coi như ma trận.

Tất cả hàng trăm hộ dân sống quây quần, quay mặt vào giếng trời. Để vào được từng căn hộ thì buộc phải chui qua một lần cửa sắt và gầm cầu thang. Nếu hộ dân nào đó muốn chuyển đồ vào nhà nhất thiết đồ phải lọt vừa cái gầm cầu thang rộng chừng 1,5 mét. Vậy nhưng những khu chung cư đó vẫn được cho là tiện lợi hơn cả bởi nếu đem so sánh với một số khu “cùng thời”. Cái tên khu Thành Công và Nguyễn Công Trứ trở nên “nổi tiếng” lâu nay bởi sự xuống cấp.

Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy được nhà C1 khu tập thể Thành Công nghiêng và lún đến mức nào. Để vào được khu chung cư Nguyễn Công Trứ phải đi qua khu chợ đông đúc suốt từ sáng đến khuya. Sự xuống cấp cộng với ý thức người dân đã làm những căn hộ trở nên nguy hiểm. Không gian vốn có của những khu chung cư hầu như không còn bởi sự lấn chiếm, cơi nới... khiến tất cả thu hẹp không gian cũng như đường đi lối lại.

Điều dễ nhận thấy nhất ở những khu chung cư, để cấm ôtô hay phương tiện cồng kềnh vào người ta đã tự ý đổ những hàng cột bê tông án ngữ lối ra vào. Điều tưởng như đơn giản nhưng lại là sự cản trở không nhỏ cho việc khẩn cấp khi có sự cố xảy ra. Điều đáng trách là ai cũng biết nếu như hỏa hoạn thì sẽ “bó tay” trước vật cản đó, nhưng vẫn xuất hiện ở mỗi khu chung cư... Đây là “căn bệnh” chung dẫn đến biết bao hiểm họa cho những khu chung cư hiện nay.

Theo An Ninh Thủ Đô