Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi khẳng định, TP không cấp phép xây dựng cho 173 trường hợp nhà hoặc lô đất "siêu mỏng, siêu méo". Thế nhưng, biện pháp xử lý vi phạm thì còn chờ... nghiên cứu hồ sơ và phân loại.
Chọn 11 tuyến phố để chỉnh trang kiến trúc
Tại phiên chất vấn sáng 18/4, kỳ họp 13 HĐND TP Hà Nội khóa XIII, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết, tính từ cuối năm 2007 đến nay, các quận huyện trên địa bàn TP đã kiểm tra và thống kê được 173 trường hợp nhà hoặc lô đất mặt đường mặt phố có kích thước hình học không hợp lý.
Theo đó, quận có số nhà, lô đất ''siêu mỏng siêu méo'' (SMSM) nhiều nhất là Tây Hồ với 80 trường hợp, chủ yếu nằm trên tuyến Lạc Long Quân thuộc các phường Bưởi, Xuân La, Nhật Tân. Quận kế tiếp là Ba Đình với 53 trường hợp, nằm trên các tuyến đường Đào Tấn, Văn Cao, Kim Mã. Kế tiếp là các quận Hai Bà Trưng 18 trường hợp; Đống Đa có 12 trường hợp; Cầu Giấy 2 trường hợp; huyện Từ Liêm 6 trường hợp...
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam thắc mắc, con số 173 trường hợp là thống kê cả nhà hoặc lô đất, vậy cả TP Hà Nội hiện có bao nhiêu nhà SMSM? Bao nhiêu nhà có phép, bao nhiêu nhà không phép? Có phép thì vì sao được cấp, không phép sao vẫn chưa xử lý?
Ông Khôi lý giải, 173 trường hợp này đang trong tình trạng... phân loại. Những trường hợp này không cấp phép nhưng nhưng do quản lý chưa triệt để nên để nên phát sinh. Ông Khôi khẳng định sẽ xử lý những vi phạm này nhưng phải nghiên cứu hồ sơ, phân loại rồi mới có biện pháp xử lý cụ thể theo từng nhóm.
Ông Khôi cũng cho biết, đối với các trường hợp SMSM, TP Hà Nội đang chỉ đạo các ngành, quận, huyện không cấp phép xây dựng công trình mới, kể cả cấp phép tạm đối với trường hợp hiện là đất trống hoặc nhà cấp 4 cũ chưa xây dựng. Đối với phần đất hoặc công trình còn lại sau khi giải phóng mặt bằng để mở đường thì chính quyền địa phương tập trung quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng;
Cũng theo ông Khôi, Hà Nội đang chọn 11 tuyến đường phố để chỉnh trang phần kiến trúc kết hợp giải quyết công trình nhà SMSM. Đồng thời, tập trung triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị. Hoàn thành quy định tạm thời quản lý kiến trúc đô thị 2 bên trục đường phố và chế tài xử lý vi phạm để làm cơ sở quản lý, giữ gìn mỹ quan chung đô thị.
Xử lý nhà sai phép đã đạt hiệu quả răn đe?
Về xử lý các công trình xây dựng vi phạm, theo ông Khôi, hiện nay, một số công trình điểm vi phạm nghiêm trọng đã được xử lý như: công trình 221-223 Bạch Mai đã tháo dỡ xong 4 tầng xây dựng sai phép, chủ đầu tư hoàn thiện công trình, dự kiến xong trong quý 2/2008; công trình số 9 Đào Duy Anh chủ đầu tư cũng tự khắc phục, tháo dỡ 2 tầng vi phạm và đưa công trình vào sử dụng; công trình số 4 Đặng Dung đã tháo dỡ xong 2 tầng sai phép và dự kiến hoàn thiện trong quý 2/2008...
Cũng theo ông Khôi, các công trình khác như số 2, ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh chủ đầu tư cũng tự tháo dỡ xong 4 tầng sai phép và cũng hoàn thiện trong quý 2/2008; công trình số 16, tổ 2 phường Bưởi và công trình tổ 31, cụm 2 phường Quảng An cũng đã tháo dỡ xong 4 tầng sai phép, đang hoàn thiện hồ sơ và dự kiến xong trong quý 2/2008; Các công trình vi phạm tại công viên Thủ Lệ hiện đã cưỡng chế xong 13/14 công trình, công trình còn lại sự kiến xong trong tháng 4 này.
Theo ông Khôi, việc xử lý những công trình vi phạm nghiêm trọng các quy định về trật tự xây dựng của Hà Nội đã đạt được yêu cầu răn đe, tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành của chủ đầu tư, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức.
Năm 2007, Hà Nội kiểm tra 9.387 công trình, lập biên bản để xử lý 3.611 vụ, trong đó sai phép là 406 vụ, không phép là 1.429 vụ, trái phép là 1.268 và 508 vụ vi phạm khác. Hà Nội cũng cưỡng chế 1.113 công trình vi phạm.
Tỷ lệ công trình xây dựng có phép năm 2007 là 82%, quý 1/2008 đạt trên 90% (tăng 20% so với cùng kỳ năm trước).
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: