Mặc dù phần nghiên cứu của đề án mở rộng Hà Nội vẫn còn là "bí mật" đối với giới chuyên môn và nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội, nhưng qua phát biểu của những người trong cuộc, ta có thể hiểu lý do cơ bản: thủ đô đã quá tải và cần thêm đất để phát triển, để bố trí các dự án tầm cỡ quốc gia.
Vậy liệu mở rộng diện tích gấp hơn ba lần và tăng dân số gấp hai lần có giúp Hà Nội thoát khỏi chiếc áo chật của mình?
Sự quá tải của Hà Nội trong những năm vừa qua chủ yếu là do sự phát triển cơ sở hạ tầng quá chậm so với sự phát triển dân số, chứ không phải do quĩ đất nhỏ. Sự chậm trễ trong phát triển cơ sở hạ tầng làm gia tăng áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng đã cũ, làm quĩ đất nhỏ, giá đất cao và gia tăng chi phí phát triển hạ tầng mới (chi phí để mở con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa dài hơn 1km mà tốn đến 600 tỉ đồng tiền đền bù).
Cái vòng luẩn quẩn giữa qui hoạch, quản lý đô thị yếu kém và chi phí tốn kém để thực hiện qui hoạch đang băm nát Hà Nội. Nếu thành phố tiếp tục phát triển phình to theo kiểu thổi bóng bay như hiện nay, thì việc khoác một cái vỏ rộng thùng thình không giúp quả bóng xì hơi mà chỉ gia tăng gánh nặng hành chính và thúc đẩy đô thị hóa những ngôi làng xứ Đoài (Hà Tây).
Còn nếu muốn phát triển các thành phố vệ tinh như vẫn bàn từ trước thì cái cần không phải là địa giới rộng - hẹp thế nào, mà là một hệ thống giao thông và giao thông công cộng liên đô thị nối kết chúng lại với nhau. Hà Nội với năm huyện ngoại thành như hiện nay thôi mà quá trình đô thị hóa cũng rất lem nhem. Các dự án phát triển thường ở qui mô khu dân cư hoặc khu công nghiệp, thiếu sự tổ chức để thành những đô thị vệ tinh hoàn chỉnh, nối kết và san sẻ gánh nặng phát triển với nội thành chật hẹp.
Các dự án quốc gia cũng không nên và không cần thiết phải nằm cả trong địa giới Hà Nội hay bất cứ một địa phương nào. Những dự án như vậy có chức năng và vai trò đối với toàn vùng thủ đô, toàn miền Bắc và cả nước. Nếu Hà Nội không có đất để xây dựng một sân bay quốc tế mới thì công trình có thể ở Vĩnh Phúc, Hà Tây hay Bắc Ninh, bởi thủ đô không phải là chủ đầu tư, cũng không là cơ quan quản lý và càng không phải là địa phương duy nhất hưởng lợi ích từ một dự án như vậy.
Thành phố tốt nhất để sống trên thế giới: Vancouver (Canada) thật ra là một vùng đô thị 2 triệu dân trải ra trên 10 thành phố độc lập, trong đó bản thân Vancouver chỉ có 500.000 dân. Hệ thống giao thông công cộng, Trường đại học British Columbia danh tiếng và sân bay quốc tế nằm gần trung tâm Vancouver, nhưng được tách khỏi địa giới thành phố và quản lý bởi một cơ quan cấp vùng. Vùng đô thị trù phú nhất thế giới: Tokyo, cũng trải ra trên diện tích sáu tỉnh với sân bay quốc tế Narita đặt tại tỉnh Chiba. Hà Nội, cũng như TP.HCM, nên hợp tác cùng các địa phương lân cận để cùng khai thác những công trình quan trọng như vậy.
Ngược lại, việc đổ dồn đầu tư của Nhà nước vào Hà Nội tạo ra mất cân bằng vùng, thu hút dân nhập cư từ các tỉnh nghèo hơn đổ về thủ đô, làm gia tăng sức ép lên cơ sở hạ tầng và kéo theo nhiều tệ nạn xã hội. Ở một khía cạnh khác, việc cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương trong vùng hiện tại đang làm thúc đẩy cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý. Vậy thì việc mở rộng địa giới bao trùm vùng Hà Nội liệu có làm giảm tính cạnh tranh và tăng sức ì hành chính cho khu vực này?
Ở VN, không chỉ vùng Hà Nội mà vùng đô thị Đông Nam bộ cũng đang đối mặt với nhiều thách thức cấp vùng, thậm chí trầm trọng hơn, khi mà các đô thị TP.HCM, Biên Hòa và Thủ Dầu Một cùng hàng chục khu công nghiệp, khu dân cư đang lan vào nhau. Liệu việc mở rộng Hà Nội để giải quyết bế tắc trong phát triển đô thị có thành tiền lệ cho những nơi khác? Và nếu như một Hà Nội "lớn" hình thành, người ta có tiếp tục nghĩ đến một cơ chế hợp tác vùng đô thị hay lại chờ một ngày "khắc nhập, khắc xuất"?
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: